Nguy cơ nhiễm khuẩn khi tiếp xúc bùn đất bẩn

Đức Trân 07/11/2023 07:00

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhi (10 tuổi, ở tỉnh Tuyên Quang) bị nhiễm khuẩn huyết - sốc nhiễm khuẩn do nhiễm một loại vi khuẩn hiếm gặp.

Chăm sóc và điều trị cho trẻ nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Người nhà của bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện 6 ngày, trẻ chơi đá bóng ở sân bùn đất bẩn. 5 ngày trước vào viện, trẻ sốt cao 41 độ C, nổi mụn nước nhỏ, dịch trong ở lưng, bụng, tay chân 2 bên. Gia đình cho rằng trẻ bị thủy đậu, tự mua thuốc về điều trị nhưng không đỡ, tình trạng trẻ ngày một nặng hơn. Bệnh nhi nhập viện tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng trẻ khó thở nhiều, nhịp tim nhanh, sốt cao liên tục 39-40 độ C.

BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa cho biết: Sau khi nhập viện 1 ngày, bệnh nhi diễn biến nặng lên, xuất huyết phổi liên tục, bão hòa ô xy chỉ còn 40 - 50% và rơi vào sốc nhiễm khuẩn rất nặng, nguy cơ tử vong cao và gần như kháng với các phương pháp điều trị thông thường.

Được biết, kết quả cấy máu đã phát hiện ra một vi khuẩn rất hiếm gặp, có tên khoa học là Chromobacterium violaceum, một trực khuẩn gram âm, hiếm khí. Vi khuẩn này thường phân biệt với các vi khuẩn khác trong bùn đất, đặc biệt là Whitmore, rất ít trường hợp được báo cáo ở trẻ em. Theo các báo cáo, vi khuẩn này thường gây tiêu hủy xương và ăn vào các tổ chức của cơ và da gây hoại tử, khó hồi phục.

Sau khi có kết quả của vi khuẩn cấy máu, các bác sĩ đã phối hợp với khoa Vi sinh làm kháng sinh đồ, hội chẩn với các chuyên gia dược lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai, may mắn là vi khuẩn này nhạy với 2 loại kháng sinh đang sử dụng cho bệnh nhân. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã có tiến triển rất tốt, tự thở, không có di chứng nào về não hay các cơ quan khác.

BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, là loại vi khuẩn hiếm gặp nhưng lại có trong bùn đất, do đó khi cho con trẻ chơi ở nơi có bùn đất cần giữ vệ sinh cho trẻ, tránh để trẻ bị xây xát, trầy xước vì đây là cơ hội để các vi khuẩn gây bội nhiễm, đặc biệt ở nơi tổn thương qua da và niêm mạc của trẻ.

Ngoài ra, việc để trẻ nhỏ chơi đùa tại khu vực bùn đất bẩn có thể dẫn tới nguy cơ cao trẻ nhiễm các loại vi khuẩn độc hại khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Thực tế đã ghi nhận rải rác những trường hợp trẻ mắc bệnh Whitmore do nguyên nhân này.

Gần đây, một bệnh nhi 15 tuổi ở Thanh Hóa đã tử vong do mắc bệnh Whitmore dù được các bác sĩ tích cực chăm sóc, chữa trị. Được biết, đây là căn bệnh do vi khuẩn B. Pseudomallei sống trong đất và nước bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi lội trong nước, bùn thời gian dài hoặc có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm vi khuẩn.

Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn này từ người sang người hoặc từ động vật sang người và không lây lan thành dịch lớn.

Tuy nhiên, hiện nay đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển, những người làm việc, tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Đặc biệt, những trường hợp có các vết thương, mụn nhọt và trẻ em cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm.

Nếu không may bị nhiễm bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ nhiễm khuẩn khi tiếp xúc bùn đất bẩn