Giáo dục

Nhà giáo cần được quản lý bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực

Nguyễn Hoài 10/11/2024 14:56

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, mô hình quản lý Nhà nước đối với nhà giáo hiện nay khiến bài toán về đội ngũ chưa có lời giải; đồng thời đề xuất, cần thay thế bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực.

Cần thay thế bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, bên cạnh những kết quả, ưu điểm nổi bật của công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, trong những năm qua vẫn tồn tại dai dẳng bất cập về động lực, năng lực và cơ cấu của đội ngũ trước yêu cầu đổi mới, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên, bao gồm cả thiếu tổng thể và thừa, thiếu cục bộ.

Một tiết học của cô và trò Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) đầu năm học 2024-2025.
Một tiết học của cô và trò Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) đầu năm học 2024-2025.

“Bài toán nhà giáo dù được nhận ra từ 20 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Có hai nguyên nhân cơ bản. Một là chế độ, chính sách về nhà giáo chưa có sự vận động phù hợp với yêu cầu ngày càng cao đối với nhà giáo khiến nghề dạy học thiếu sự thu hút cần thiết. Hai là quản lý Nhà nước về nhà giáo cũng chưa có sự đổi mới để phù hợp với nhận thức mới về nhà giáo và nghề dạy học”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận định.

Nhìn nhận về mô hình quản lý giáo viên tại Việt Nam, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, thực tế hiện nay, trong sự thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục đó, Bộ GDĐT chỉ có quyền trong thống nhất quản lý về chuyên môn của giáo dục; Bộ Nội vụ thống nhất quản lý về nhân sự của giáo dục; Bộ Tài chính thống nhất quản lý về tài chính của giáo dục.

Tức là tuy Bộ GDĐT có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục nhưng lại không có quyền gì trong những quyết định liên quan đến hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là tiền và người.

Sự phân công trách nhiệm như vậy giữa Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ trong quản lý Nhà nước về nhà giáo là đặc trưng của mô hình quản lý nhân sự, phù hợp với mô hình quản lý Nhà nước truyền thống về giáo dục khi Nhà nước giữ vai trò vừa là người cầm lái vừa là người chèo thuyền.

Tuy nhiên, theo ông Tiến từ hơn 20 năm nay, trong bối cảnh hình thành và phát triển thị trường giáo dục, khi mô hình quản lý Nhà nước về giáo dục ở nước ta đã từng bước chuyển sang mô hình quản lý công mới, nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng cần được điều chỉnh trong một khung pháp lý kiến tạo, thì mô hình quản lý nhân sự như trên không còn phù hợp.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, mô hình quản lý này là một trong những nguyên nhân chính khiến bài toán xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về quy mô đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng; đồng thời đề xuất cần thay thế bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực.

“Trong đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng và giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện. Bộ GDĐT, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất.

Giao quyền điều tiết đội ngũ nhà giáo cho ngành GDĐT

Qua thực tế về quản lý giáo dục tại địa phương, ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo còn một số hạn chế, bất cập.

Trong đó, việc quản lý Nhà nước đối với nhà giáo hiện nay được thực hiện bởi nhiều Luật (Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Lao động...) dẫn đến khó khăn trong quá trình nghiên cứu, triển khai và tổ chức thực hiện ở cơ sở. Một số văn bản không quy định rõ khái niệm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh.

Việc quản lý biên chế còn chồng chéo giữa cơ quan Nội vụ và Giáo dục. Ngành Giáo dục được giao tổng biên chế trong khi thẩm quyền tuyển dụng lại thuộc cơ quan Nội vụ. Việc tinh giản biên chế không gắn với các chỉ tiêu…

Từ những bất cập, hạn chế đặt ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề xuất, xem xét việc phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương.

Trong đó, giao thẩm quyền cho Sở GDĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh, cơ cấu lại tổ chức, tăng số lượng biên chế quản lý nhà nước cho phòng GD&ĐT cấp huyện; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GDĐT.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã trình bày và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà giáo trước Quốc hội.

So với quy định pháp luật hiện hành, dự thảo Luật Nhà giáo có một số điểm mới, trong đó có đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà giáo cần được quản lý bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực