Giải thưởng Kovalevskaia 2023 vừa vinh danh hai nữ nhà khoa học, trong đó có GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế). Với hướng nghiên cứu và những cống hiến của mình, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa được ví là “nhà khoa học của nông dân”.
GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa sinh năm 1973, bà gắn bó với Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) từ thời sinh viên. Sau 4 năm học, bà được giữ lại trường công tác rồi nhận học bổng thạc sĩ tại Thái Lan và bà đã tốt nghiệp loại xuất sắc. Từ tháng 5/1995, bà bắt đầu làm giảng viên của Trường ĐH Nông Lâm, hiện là Trưởng khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế). Bà được phong hàm giáo sư năm 2019.
Dịp 8/3 năm nay, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 - giải thưởng quốc tế, dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên - một lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức.
GS Hoàng Thị Thái Hòa chia sẻ, đạt giải thưởng Kovalevskaia là tổng hợp của tất cả các công trình nghiên cứu của cả một quá trình phấn đấu lâu dài trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một biểu tượng cho sự ghi nhận và vinh danh những nữ nhà khoa học nổi bật, và GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa là một minh chứng rõ ràng cho sự xuất sắc và những đóng góp đáng kể của phụ nữ trong lĩnh vực quan trọng nhưng cũng nhiều thách thức này.
Trong gần 30 năm cống hiến cho khoa học, nữ giáo sư đã công bố 148 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế; trong đó, có 19 bài trên tạp chí ISI/Scopus. Với 92 bài là tác giả chính, bao gồm 12 bài báo ISI/Scopus, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa đã khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.
Nghiên cứu khoa học là một công việc đầy gian khó đối với cả nam giới lẫn phụ nữ. Nhưng phụ nữ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi bước chân vào nghiên cứu khoa học. Đặc biệt các khó khăn về thời gian do phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình, nên phụ nữ khó có thể dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học.
“Để nghiên cứu khoa học thành công, đòi hỏi phải có sự đam mê, nhiệt huyết, kiên trì và bền bỉ mới đạt được mục tiêu đề ra”, GS Hoàng Thị Thái Hòa nói, đồng thời nhấn mạnh về sự quan trọng của sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cơ quan chính trị - xã hội, cũng như sự cộng tác của các nhà khoa học và đồng nghiệp.
Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển và có nhiều đóng góp to lớn trên mọi lĩnh vực. Trong nghiên cứu khoa học, để khuyến khích và phát triển đội ngũ các nhà khoa học nữ phát huy vai trò của mình, GS Hoàng Thị Thái Hòa mong muốn có các chính sách đặc thù về hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cho phụ nữ như chính sách khen thưởng, nâng lương, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, lựa chọn và tuyển dụng... Khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ như tăng cường giao các đề tài, dự án cho các nhà khoa học nữ để sử dụng tài năng của họ một cách tối đa.
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường nghiên cứu tốt cho phụ nữ. Cần bổ sung nhiều những chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia áp dụng cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc để khuyến khích sự phát triển các nhà khoa học nữ.
Bên cạnh đó, do lĩnh vực nghiên cứu trong nông nghiệp, nên phải tiến hành các thí nghiệm trong phòng, trong chậu và trên đồng ruộng. Các nghiên cứu trên đồng ruộng chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khí hậu, nên không phải lúc nào các nghiên cứu cũng thành công và phải thực hiện lại mới đạt được kết quả mong muốn.
Ngoài ra còn gặp phải các khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn kinh phí phục vụ cho nghiên cứu. Để nghiên cứu khoa học thành công, đòi hỏi phải có sự đam mê, nhiệt huyết, kiên trì và bền bỉ mới đạt được mục tiêu đề ra.
Nhớ lại chặng đường đã qua, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa chia sẻ, đề tài tâm đắc nhất của bà là nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và phế phụ phẩm nông nghiệp. Với đề tài này đã được áp dụng rất hiệu quả vào đời sống, đặc biệt là đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nông nghiệp, tạo ra nguồn phân hữu cơ có chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
“Tôi cảm thấy công việc của mình rất có ý nghĩa vì đã góp phần giúp người nông dân tiếp cận được với các tiến bộ kỹ thuật, cải thiện thu nhập cho họ, góp phần sản xuất cây trồng bền vững hơn và đảm bảo được môi trường sinh thái”, nữ giáo sư tâm sự.
Phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức, trí tuệ, luôn tự tin vào năng lực của mình. Phải luôn xác định mục tiêu của mình là gì, phải có ước mơ và quyết tâm thực hiện bằng được. Điều quan trọng nữa là phải tự khẳng định mình qua công việc và cuộc sống.
"Đặc biệt là bản thân phụ nữ phải có niềm đam mê trong công việc, luôn khát khao sáng tạo, đổi mới và phải có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống gia đình và công việc. Tôi luôn mong muốn đưa các sinh viên và giảng viên trẻ trong khoa và trường có các cơ hội nghiên cứu khoa học tốt nhất, liên tục cố gắng chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn" - GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa nhắn nhủ.
GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa không chỉ là một nhà nghiên cứu nổi bật mà còn là một nhà giáo có tâm, luôn tận tình hướng dẫn và truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên và nghiên cứu sinh. Bà cũng chủ trì nhiều dự án và đề tài có tính ứng dụng cao, giúp nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hướng nghiên cứu chính của GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa tập trung vào quản lý tổng hợp đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững, với sự chú trọng đặc biệt vào việc ứng dụng biện pháp phi hóa học để giảm sử dụng phân bón hóa học, đồng thời giải quyết vấn đề an toàn nông sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng.
Ngoài ra, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa còn có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng đặc biệt thành công, như nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và phế phụ phẩm nông nghiệp. Công trình này đã góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời cung cấp nguồn phân hữu cơ chất lượng cao cho sản xuất nông nghiệp xanh, tạo ra lợi ích kinh tế xã hội to lớn.
GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa cho biết, bản thân sẽ tiếp tục có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, truyền niềm đam mê nghề nghiệp cho các thế hệ sinh viên của nhà trường ngày càng phát triển, từ đó đóng góp và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về nông nghiệp và phát triển nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên, cả nước và trong khu vực.
“Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một giải thưởng có uy tín lớn trong giới khoa học Việt Nam. Giải thưởng mang ý nghĩa quốc tế này đã góp phần động viên các nhà khoa học nữ của Việt Nam, trong đó có tôi phấn đấu có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế - xã hội được ứng dụng trong thực tế, nhằm tăng thêm uy tín của hoạt động khoa học của phụ nữ Việt Nam trên thế giới”, GS Hoàng Thị Thái Hòa chia sẻ.
Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia. Giải thưởng được trao thường niên từ năm 1985 nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên - một lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức.
Cũng nhận Giải thưởng Kovalevskaia đợt này còn có PGS.TS Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Hải dương học Việt Nam.
Với hơn 30 năm nghiên cứu, đến nay, PGS.TS Đào Việt Hà đã chủ trì 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam; công bố 104 bài báo khoa học, trong đó có 41 bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Ngoài ra, PGS.TS Đào Việt Hà còn là tác giả chính 1 giải pháp hữu ích, 1 sách chuyên khảo và 1 chương sách chuyên khảo song ngữ về nghiên cứu độc tố biển và an toàn thực phẩm.
Các đề tài khoa học của PGS.TS Đào Việt Hà chủ trì thực hiện luôn bám sát những vấn đề nổi cộm của xã hội và nhu cầu đáp ứng về chất lượng hải sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Bà và nhóm nghiên cứu đã từng bước giải quyết những "mảng trống" trong hướng nghiên cứu về độc tố biển và an toàn thực phẩm tại Việt Nam.