Tại buổi chia sẻ và truyền cảm hứng từ những nhà khoa học đã đạt giải thưởng VinFuture 2024 diễn ra tại Hà Nội sáng 7/12, lời khuyên dành cho người trẻ khi bắt đầu trên con đường nghiên cứu đó là hãy tò mò. Đừng ngại hỏi, đừng xấu hổ khi con đường bạn đi không giống người bên cạnh, thậm chí là khác biệt với tất cả những người khác.
Luôn sẵn sàng thay đổi và chấp nhận rủi ro
Giáo sư Kristi S. Anseth, Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nữ chia sẻ về hành trình chọn nghề của mình. Bà bắt đầu nghiên cứu trong lĩnh vực kĩ thuật hóa học bởi vì niềm yêu thích khi nhận thấy kỹ thuật hóa học giải quyết lĩnh vực năng lượng, các hệ thống lọc nước. Bà cũng đặc biệt quan tâm sử dụng kiến thức này để cải thiện cuộc sống con người. Chính vì vậy, khi thấy nhiều người thiếu cơ hội được điều trị y tế, bà đã chuyển đổi sang lĩnh vực mới là nghiên cứu y sinh. Trong quá trình đó, bà đã hợp tác với các đồng nghiệp khác và từ đó mới ra quyết định mình hứng thú vs vấn đề gì
Giáo sư Michel Sadelain, người giành Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới chia sẻ, ngay khi bắt đầu, ông cũng chưa thể biết đâu là hướng nghiên cứu đúng. Ông học về dịch tễ và ban đầu cũng không biết đó là gì, con đường nào sẽ phù hợp với mình nhưng rồi càng học sâu hơn, từ thạc sĩ tới tiến sĩ để tìm hiểu lĩnh vực mà mình muốn biết. Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu về lâm sàng gần như bắt đầu từ đầu và tự sáng tạo trong lĩnh vực lâm sàng.
Cũng không phải ngay lập tức tìm đúng được hướng đi cho mình là Giáo sư Carl H. June, Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Ông sinh ra trong một gia đình có bố là kĩ sư. 19 tuổi, ông tham gia hải quân khi đang có chiến tranh và sau đó, cơ hội tới, ông chuyển sang nghiên cứu về vật lý y học. Đây là một hướng đi mới vì gia đình ông không có truyền thống trong lĩnh vực này nhưng với tinh thần cởi mở, luôn sẵn sàng tìm cơ hội phát triển bản thân, ông đã tìm thấy con đường phù hợp với mình.
“Có đôi khi chúng ta phải chấp nhận rủi ro và có thể không có lựa chọn nào cả. Nhưng nói như một vận động viên bóng rổ ở Mỹ, nếu ta thấy một con đường thì hãy cứ tiếp tục theo đuổi”, Giáo sư Carl H. June nói và nhắc lại về cô bé Emily, bệnh nhân đầu tiên điều trị bằng giải pháp tế bào CarT khi mới 7 tuổi. Hiện nay sau 14 năm, cô bé này đã trưởng thành hơn và vẫn mang theo tế bào CarT, bệnh về máu trắng đã không còn. Cô đang tiếp tục nghiên cứu tại Stanford (Mỹ).
Câu chuyện này cho thấy một vấn đề đó là khó có thể biết y sinh sẽ thay đổi ra sao trong tương lai. 25 năm trước, ý tưởng đó không hoàn toàn được đón chào. Thậm chí nhiều người coi đó là ảo tưởng vì liên quan biến đổi gen. Nên ngay khi bắt đầu, nhóm nghiên cứu đã rất thận trọng. Nhưng sau khi một vài bệnh nhân đã có tiến triển tích cực, nhiều bệnh được điều trị bằng tế bào CarT, mọi người dần lạc quan hơn. Nhiều điều kì diệu đã đến. Căn bệnh cải thiện tích cực kể cả ung thư. Thậm chí có bệnh ung thư không còn tồn tại.
Tìm kiếm những cố vấn phù hợp
Giáo sư Kristi S. Anseth sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn xa xôi của nước Mỹ. Nơi đó không có khu đô thị thị, bà cũng không biết các kĩ sư, nhà khoa học nào. Nhưng cơ duyên trong công việc sau đó đã giúp bà có cơ hội gặp Giáo sư Leslie Leinwand, một người đã dạy Giáo sư Kristi S. Anseth rất nhiều, thúc đẩy bà vào đại học, dạy các kĩ năng… Bày tỏ lòng biết ơn với Giáo sư Leslie Leinwand và rất nhiều những người đã trở thành cố vấn, dẫn dắt mình trong suốt những năm qua, chủ nhân giải thưởng VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nữ đưa ra lời khuyên với những người trẻ đó là khi có dịp, hãy chủ động giới thiệu mình với những người khác, có thể cơ hội sẽ đến với bạn.
Kinh nghiệm của Giáo sư Michel Sadelain khi tìm kiếm các cố vấn cho mình đó là tích cực chủ động trao đổi với sinh viên, giảng viên để khi có cơ hội giao lưu thì tận dụng mọi lợi thế mà ta có. Trong khi đó, Giáo sư Carl H. June nhớ lại nhà cố vấn của mình đó giáo viên dạy lớp 7, thầy giáo dạy thể dục… Có những người đồng hành, dẫn dắt ngắn hạn, dài hạn nhưng dù là trong thời gian bao lâu, hãy coi đó là cơ hội để xây dựng các mối quan hệ.
Không bao giờ là quá muộn khi thay đổi hành trình của mình. Để đạt được thành công, có thể tìm kiếm sự cố vấn, dẫn dắt của rất nhiều người, đó có thể là thầy cô giáo, bạn bè, đồng nghiệp, người thân… với những mối quan hệ để giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, với những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, Giáo sư Kristi S. Anseth đưa ra lời khuyên đó là hãy tò mò, đừng ngại hỏi và đừng sợ người khác đánh giá mình
Trăn trở cứu người với chi phí hợp lý
Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới đã được trao cho Giáo sư Zelig Eshhar (Israel), Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain (Mỹ) vì sự phát triển liệu pháp tế bào CAR T để điều trị ung thư và các bệnh khác.
Công trình đột phá của Giáo sư Zelig Eshhar đã cách mạng hóa phương pháp điều trị ung thư bằng cách phát triển liệu pháp tế bào CAR T, từ đó cứu sống rất nhiều bệnh nhân và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm sinh học. Sự đổi mới này mang lại hi vọng cho các ứng dụng mới trong y học và mang lại các phương pháp điều trị với chi phí hợp lý cho người dân trên toàn thế giới.
Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain đã tiếp tục cải tiến liệu pháp tế bào CAR T, giúp điều trị hiệu quả các bệnh ung thư và tự miễn không đáp ứng với các liệu pháp thông thường. Công trình tiên phong của họ đã dẫn đến sự phê duyệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho liệu pháp tế bào CAR T đầu tiên vào năm 2017 để điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hiện nay, liệu pháp này đang được xem xét áp dụng trong chăm sóc lâm sàng trên thế giới.