Nhà máy xử lý nước thải Sóc Trăng được khởi công xây dựng từ tháng 5-2008 tại đường Cao Thắng, phường 8, thành phố Sóc Trăng với tổng kinh phí trên 6 triệu Euro (tương đương 130 tỷ đồng). Nhà máy được đưa vào hoạt động từ ngày 18-6-2013 do Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Sóc Trăng làm chủ đầu tư.
Hồ chứa nước cạn gần tới đáy.
Ông Thạch Huông, Giám đốc nhà máy cho biết: Giai đoạn 1, nhà máy đã xây dựng được 7,5 km cống thu gom nước thải thuộc bờ Nam và bờ Bắc sông Maspero với 160 hố ga; Xây dựng 16 hố ga tách dòng để tách nước thải và nước mưa; xây dựng 10 trạm bơm với trên 500m đường ống có áp; xây dựng ống xi-phong dài gần 200 m băng qua sông Maspero, cải tạo và phục hồi 2,1 km cống hiện hữu với 140 hố ga để chống ngập úng cho 5 lưu vực của thành phố. Ngoài ra còn xây dựng và lắp đặt hoàn chỉnh nhà máy xử lý nước thải theo phương pháp xử lý cơ học, công suất 13.180m3/ ngày đêm với các hạng mục: Ngăn tiếp nhận, lưới chắn thô, lưới chắn mịn, bể lắng cát, bể lắng sơ cấp, trạm bơm bùn, bể ổn định bùn, sân phơi bùn, nhà điều hành, sân đường nội bộ và đường ống dẫn thải ra sông Maspero.
Theo phản ánh của người dân, dù nhà máy đã đi vào hoạt động, nhưng nước ở TP Sóc Trăng vẫn luôn ngập sâu mỗi khi có mưa. Nước thải từ khu dân cư ở trung tâm thành phố vẫn tuôn xuống các cống thoát nước chảy trực tiếp xuống sông khiến cho nước sông Maspero vẫn bốc mùi hôi. Thậm chí, nhiều người dân ở khu vực nhà máy cho biết: Nhà máy không hoạt động thường xuyên, chỉ hoạt động cầm chừng, không chạy hết công suất nhưng vẫn thu phí của người dân.
Có mặt tại nhà máy, chúng tôi ghi nhận: Nhà máy vẫn hoạt động nhưng lượng nước thải đưa về nhà máy không nhiều so với công suất, bởi lượng nước chảy ở hệ thống kênh rất nhẹ; một số kênh chứa nước không có nước. Nhà máy có 3 bể chứa nước nhưng tất cả các bể nước đã cạn khá nhiều và nước bốc mùi hôi thối; sân phơi bùn không nhiều bùn….
Điều người dân quan tâm là nhiều năm nay, tiền thu của người dân cho phí xử lý nước thải nhiều hơn so với công suất của nhà máy. Theo thiết kế, công suất của nhà máy là 13.180m3/ngày đêm. Tính bình quân mỗi tháng 30 ngày thì nếu chạy hết công suất, không trục trặc, mỗi tháng nhà máy xử lý được 395.400m3 nước thải.
Một cán bộ ở TP Sóc Trăng phân tích: Theo Quyết định của UBND tỉnh, việc thu phí xử lý nước thải được tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV cấp nước Sóc Trăng thu qua hóa đơn tiền nước đối với các tổ chức, hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung với mức thu: Đối với hộ gia đình, cá nhân, cơ quan hành chính, sự nghiệp thu 2.600đ/m3; Cơ sở kinh doanh, dịch vụ thu 3.900đ/m3; Cơ sở sản xuất thu 5.200đ/m3. Tiền thu này được trích lại cho Công ty TNHH MTV cấp nước Sóc Trăng 5%. Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì thu mỗi người 4m3/tháng, do địa phương thu. Trong khi công suất thiết kế của nhà máy xử lý nước thải là 13.180m3/ngày đêm, mỗi tháng sẽ là 395.400m3 thì chỉ tính tháng 6/2016, người dân TP Sóc Trăng sử dụng 935.101m3 nước. Vậy số tiền thu cho phí xử lý nước thải là rất lớn, vừa của người sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước, vừa của người dân không sử dụng nước từ hệ thống cấp nước.
Người dân TP Sóc Trăng đặt vấn đề: Công trình đô thị Sóc Trăng đã thu phí xử lý nước thải cao gấp nhiều lần so với năng lực xử lý của nhà máy? Nước thải không xử lý nhưng vẫn thu tiền của người dân? Số tiền chênh lệch nhiều tỉ đồng đi đâu? Rất mong cơ quan thanh tra và các cơ quan chức năng tìm hiểu và làm sáng tỏ.