Nhà ở an toàn cho công nhân: Quản lý, giám sát chặt nhà trọ

Lê Minh Long 25/09/2023 06:59

Để công nhân có chỗ ở an toàn bên cạnh việc xây dựng nhà ở xã hội, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát khu nhà trọ do người dân tự xây. Đó là vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động” do Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức ngày 24/9 tại Hà Nội.

Một khu nhà trọ công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh).

70% công nhân ở tại các khu nhà trọ

Sau vụ cháy khu chung cư mini ở Thanh Xuân, Hà Nội, chị Nguyễn Thu Hằng, công nhân đang thuê trọ ở Đông Anh, Hà Nội cho biết, khu nhà chị đang ở trọ cũng đã tăng cường kiểm tra về phòng chống cháy nổ hơn nhưng chị vẫn nơm nớp lo sợ. Căn phòng chị thuê của một gia đình nhà dân xây 7 tầng, mỗi tầng có 5 phòng khép kín. Mỗi căn phòng có diện tích từ 12 -18m2.

“Theo dõi vụ cháy, tôi cũng như nhiều người ở cùng khu trọ cảm thấy rất hoang mang vì nơi mình ở tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Dù vậy cũng không thể chuyển đi nơi khác vì tổng thu nhập của hai vợ chồng làm công nhân chỉ được từ 12 -14 triệu đồng/tháng. Để có thể thuê được căn phòng này cho cả gia đình (giá 2 triệu đồng/tháng) cũng là sự cố gắng chắt chiu” - chị Hằng chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề nhà ở an toàn cho công nhân, ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ các Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho rằng, vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân vừa qua một lần nữa cho thấy rõ những bất cập về phòng cháy chữa cháy ở nhiều nơi, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… hoặc các tỉnh thành có các khu công nghiệp quy mô lớn. “Rõ ràng, nếu không có giải pháp khắc phục loại bỏ tình trạng nhà ở không đảm bảo an toàn thì tính mạng, của cải của người lao động sẽ còn bị đe dọa bởi những hiểm họa khôn lường, mà cháy nổ chỉ là một nguy cơ" - ông Việt Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, nhu cầu về nhà ở của người lao động, sinh viên, công nhân, thậm chí là công chức, viên chức tại các đô thị lớn là rất cấp thiết. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng các công trình chung cư, nhà trọ đáp ứng nhu cầu về nhà ở hiện nay cần phải được đẩy mạnh.

Theo ông Hà, hiện 70% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp sống trong những khu nhà trọ do người dân tự xây. Trong khi đó Nhà nước chưa có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các doanh nghiệp lớn thì chủ yếu tập trung xây dựng các dự án lớn, những chung cư cao cấp. Chính vì vậy, thị trường thiếu trầm trọng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân.

Vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào để các nhà chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ được xây dựng và quản lý vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt an toàn về phòng cháy chữa cháy trong quá trình sử dụng. Trong đó có việc tăng cường quản lý từ khâu cấp phép xây dựng, trong quá trình xây dựng đến quản lý vận hành. Nếu chúng ta quản lý tốt quy hoạch sẽ hạn chế được những rủi ro về cháy nổ.

“Đối với những công trình chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ thì các hộ gia đình phải đăng ký kinh doanh, có nộp thuế và đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy. Việc quản lý nên giao cho phường và quận, và tạo nguồn thu từ các công trình này để phục vụ cho công tác quản lý. Nếu chúng ta quản lý tốt thì sẽ khắc phục được các nguy cơ cháy nổ” - ông Hà nêu quan điểm.

Xây dựng nhà ở cho công nhân thuê

Tại buổi tọa đàm, bên cạnh việc tăng cường quản lý, giám sát những công trình chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài để đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân cần đẩy mạnh xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Bày tỏ quan điểm về quy định việc phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp được bổ sung vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm phục vụ nhu cầu nhà ở cho người lao động, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, quy định mới này sẽ phù hợp hơn, đáp ứng nhu cầu của thực tế hiện nay. "Tôi cho rằng luật hóa là cần thiết. Ở các nước người dân thuê nhà nhiều hơn mua nhà. Bởi vậy, rất nên phát triển phân khúc nhà cho thuê, phù hợp với mức thu nhập của đa số người lao động” – bà An nói.

Ủng hộ việc xây nhà lưu trú cho công nhân, ông Nguyễn Thanh Đặng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn N&G cho biết, hiện nay các khu công nghiệp đang xây dựng theo mô hình hệ sinh thái trong khu công nghiệp, bao gồm: khu dịch vụ, các công trình xã hội, công tác quản lý, vận hành giống như một khu đô thị. Có như vậy mới tạo được môi trường sống tốt cho công nhân, mới phát triển được các khu công nghiệp theo định hướng môi trường an toàn.

Thống kê cho thấy, tại Hà Nội, với gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở, khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân. Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) Bùi Dũng cho biết, chỗ ở cho công nhân được TP. Hà Nội quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó, Khu nhà ở công nhân Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là một trong những khu nhà ở thí điểm đầu tiên được xây dựng cho công nhân thuê với nguồn kinh phí của thành phố. "Mặc dù được thiết kế, xây dựng cung cấp chỗ ở cũng như giá cho thuê khá phù hợp, tuy nhiên, các thiết kế này mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ chứ chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như nơi vui chơi, giải trí, hạ tầng xã hội..." - ông Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà ở an toàn cho công nhân: Quản lý, giám sát chặt nhà trọ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO