Đây là một trong những vấn đề được các đại biểu đề cập tại hội thảo “Chỗ ở và nhà ở – Nhu cầu cấp bách của công nhân”. Hội thảo do báo Kinh tế và Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức chiều ngày 27/4.
Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để “an cư, lạc nghiệp”, ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Tại hội nghị, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.
Đây là tin vui với rất nhiều người lao động, công nhân làm công ăn lương, đang phải đi thuê nhà trọ có cơ hội được thuê, thuê mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi. Tuy nhiên theo các đại biểu hiện nay việc xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang gặp những vướng mắc và trở ngại về cơ chế, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; ngân sách Nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn vay ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; lãi suất vay xây nhà ở xã hội còn cao; tiếp cận quỹ đất khó; các chính sách đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, chưa sát thực tế nên không khuyến khích được chủ đầu tư… Trong khi đó, nhiều địa phương, nhất là người đứng đầu chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp…
Theo ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 30/11/2011.
Theo ông Tạ Việt Anh, nhà ở cho người lao động cũng là vấn đề các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng rất quan tâm thực hiện. Điển hình, Singapore là quốc gia thành công về chính sách nhà ở cho người dân, nổi bật với 80% dân số trong các tòa nhà được xây dựng nhờ sự trợ giúp của Chính phủ - một con số vô cùng ấn tượng mà có lẽ ít quốc gia nào hiện nay có thể thực hiện được.
“Ở Việt Nam, Chính phủ đã đề ra mục tiêu giải quyết nhà ở xã hội cho người lao động nhưng quá trình thưc hiện còn nhiều rào cản khiến số lượng công nhân chưa tiếp cận được với các phúc lợi về nhà ở xã hộ chiếm tỷ lệ cao”, ông Tạ Việt Anh chia sẻ.
Đảm bảo quyền được có nhà ở an toàn, giá rẻ cho người lao động, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc xây dựng nhà ở xã hội không phải ngày một, ngày hai là xong mà còn phải tìm quỹ đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, có vốn, có quỹ ...nhanh cũng phải vài năm. Trước mắt, cần sớm có những giải pháp, đầu tư cải tạo môi trường hạ tầng sinh sống ở nơi công nhân đang thuê trọ.