PV: Những câu chuyện gần đây liên quan đến đời tư nghệ sĩ, và đời tư cả những người không phải là nghệ sĩ như ở một ngành vợ chồng theo dõi nhau, bắt quả tang rồi bù lu trên mạng… nó mang đến cho anh suy nghĩ gì?
Nhà thơ Đoàn Văn Mật.
Nhà thơ Đoàn Văn Mật: Khi đọc được đâu đó về những câu chuyện ấy, khi nhìn thấy đâu đây những cảnh như thế này, quả thật tôi đã hơi hoảng. Cùng với đó là những lo âu về một đời sống gia đình đầy rẫy bấp bênh, mấp mênh bờ vực và những đổ vỡ cứ hiện về trước mắt dẫu đó không có (chưa có) tôi ở trong ấy. Nó làm tôi suy nghĩ nhiều hơn về đời sống của gia đình mình, khiến tôi phải tìm cách chèo chống để giữ lại một bến bờ có tên là hạnh phúc.
Đôi khi tôi hay nghĩ về sự “tiết liệt” vốn là bản sắc rất đáng trân trọng của người phụ nữ Việt xưa và cố tìm trong đời sống này. Nó làm tôi nhớ đến câu chuyện về cô Giang - người yêu của nhà trí sĩ cách mạng Nguyễn Thái Học. Người mà khi Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp bắt và xử bắn tại Yên Bái, cô đã tìm mọi cách để cứu người yêu mình. Nhưng khi không thể làm gì được thì cô đã quyết định quyên sinh để theo người tình, làm cho người Pháp hết sức ngỡ ngàng và khâm phục tình yêu của cô. Trong một lần đi công tác, khi đến thắp hương tại đài tưởng niệm nhà cách mạng Nguyễn Thái Học và trước đài tưởng niệm ấy có một cái hồ khá rộng mà người dân nơi đây quen gọi là hồ cô Giang, tôi đã đứng đó rất lâu để cố hình dung ra con người tiết liệt ấy mà ngưỡng vọng.
- Nhưng chúng ta đang sống ở một đời sống hiện đại, cởi mở, chả cứ gì nghệ sĩ, các gia đình hiện đại ngày nay đang đứng trước rất nhiều cạm bẫy…
Chúng ta đang sống trong một đời sống hiện đại với sự cởi mở, tiến bộ về bình đẳng giới và đương nhiên, hệ lụy kéo theo là khuôn phép về đạo đức, về văn hoá có vẻ như đang ngày một nhòa nhạt trong tổ ấm hạnh phúc của nhiều người, mà ở đó là phụ nữ hay đàn ông cũng mong manh như nhau, dễ vỡ như nhau… Suy nghĩ thế nhưng tôi vẫn tin đời sống này. Và với riêng tôi mỗi ngày vẫn thấy mình đẹp trong cái tổ ấm nho nhỏ xinh xinh này.
- Vậy theo anh, cách ứng xử như thế nào để gìn giữ?
Nhà Phật thường nói con người ta khổ cũng vì tham, sân, si và nhà Phật cũng khuyên bảo mỗi con người ta cố gắng kìm chế, hóa giải lòng tham trong mình. Khi ấy mọi cám dỗ, dục vọng sẽ bị đẩy lùi. Tôi cho rằng ứng xử là một nghệ thuật góp phần làm nên những giá trị thực của cuộc sống. Và đã là nghệ thuật thì tất nhiên phải tạo được sự linh hoạt trong mọi hoàn cảnh dù hoàn cảnh ấy có phức tạp đến đâu đi chăng nữa. Tất nhiên là nghệ thuật thì phải có cả những yếu tố của sự khôn khéo kiểu “mềm nắn, rắn buông”… nhưng dứt khoát không có chỗ cho sự gian dối. Anh hãy cứ sống thật với lòng mình và hãy biết bao dung độ lượng trước những lầm lỗi của người khác thì đó chính là cách tốt nhất để làm nhòa nhạt mọi cám dỗ và cũng là để bảo vệ, gìn giữ hạnh phúc cho gia đình mình.
- Có vẻ như văn nghệ sĩ thì dễ tan vỡ hơn, dễ tổn thương hơn, theo anh ngay cả khi cuộc sống gia đình có chút chênh chao thì ứng xử thế nào để vẫn đảm bảo được sự an toàn cho những người xung quanh tránh bị thương tổn?
Trong cuộc sống không ai dám khẳng định là mình chưa từng làm tổn thương người khác. Đó chỉ là anh đã làm người ấy tổn thương ở mức độ nào để họ có thể bỏ qua, tha thứ hay không tha thứ mà thôi. Cái quan trọng là khi anh đã làm họ tổn thương thì phải biết xoa dịu vết thương ấy. Một lời xin lỗi không bao giờ thừa, một hành động để xoa dịu vết thương luôn đẹp. Nếu anh đổ vào vết thương ấy một giọt dầu thì nó sẽ bùng lên thành ngọn lửa và có thể đốt cháy chính bản thân anh. Nếu anh biết đắp vào đó một mầm non biết giã tật thì dẫu có đau lúc ấy nhưng vết thương rồi sẽ lành. Đó là nghệ thuật ứng xử. Khi cuộc sống chênh chao, tâm hồn chênh chao thì con người anh, gia đình anh nghiêng ngả, chỉ khi ấy tình yêu, tình thương mới kéo nổi sự nghiêng ngả chênh chao ấy về thế cân bằng.
- Chúng ta đang sống trong một xã hội mà nhiều giá trị bị đưa ra thử thách. Theo anh, thử thách lớn nhất để vượt qua hiện nay là gì?
Trước khi rời quê lên phố thì tôi là một anh tiểu nông và có đầy đủ căn tính của một người “an phận thủ thường”. Nhưng khi bước chân lên thành phố, tôi đã phải thay đổi ít nhiều khi đối mặt với rất nhiều thách thức: công việc, miếng cơm manh áo, nhà ở và đôi khi là cả danh vọng… Khi bước chân vào đời sống đô hội với chút hai bàn tay trắng thì không thể mang bộ mặt an phận thủ thường ra mà tất tay với cuộc sống quá nhiều những phức tạp, những thách thức, những cám dỗ khiến bất cứ một ai đó cũng có thể đánh đổi mọi thứ để đạt được nó. Đó là cá nhân tôi. Và tôi cho rằng thử thách lớn nhất để vượt qua cám dỗ chính là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới làm cho người ta biết trọng giá trị thực của con người mình. Chỉ có tình yêu mới làm cho người ta sống và cố gắng hết mình để xây dựng được cho mình một đời sống đẹp: nhân văn và cao cả. Chỉ có tình yêu mới đưa con người ta đến được với sự biết: biết tha thứ, biết độ lượng, biết xoa dịu vết thương của người khác, biết sống cho người và cho mình…
Vì vậy tôi cho rằng thử thách lớn nhất để vượt qua những cám dỗ trong một xã hội có quá nhiều giá trị bị thử thách hiện nay chính là tình yêu. Một xã hội khi không còn tình yêu thì sẽ đi đến tiêu vong. Một gia đình khi không có tình yêu sẽ là đổ vỡ hạnh phúc. Một con người khi không có tình yêu thì không còn là một con người. Và tôi xin cá với ai đó rằng nếu họ bảo mình không còn tình yêu mà vẫn sống hạnh phúc được thì đó chỉ là những lời nói dối đầy sáo rỗng hoặc là bản thân người ấy đang kí sinh trong tình yêu thương của người khác.
Xin cảm ơn anh!