Người ta vẫn bảo, thơ văn được tạo ra bởi những nỗi đau, sự bất hạnh..., là tiếng kêu than, là sự kêu gọi cảm thông, hay sự sẻ chia của tác giả với nỗi đau, sự bất hạnh ấy… Nhưng không ít trường hợp những người có hạnh phúc gia đình mà vẫn tạo ra tác phẩm cuốn hút người đọc. Một trong số đó là nhà thơ Kim Nhũ.
Cũng như nhiều người phụ nữ Việt khác, bên cạnh sự nghiệp riêng, bà luôn gìn giữ, xây dựng gia đình mình là một gia đình có thuần phong mỹ tục. Mới đây bà ra mắt tập truyện ngắn “Gia đình nơi chốn ta về” gồm 12 truyện ngắn, mỗi truyện là một lát cắt về những số phận, cảnh đời khác nhau, với góc nhìn đồng cảm và chan chứa yêu thương. Hầu hết các truyện đều lấy cảm hứng từ gia đình, nhân vật trung tâm là những con người bé mọn: chị giúp việc, đứa bé tật nguyền, trẻ mồ côi…
Ví dụ như “Đứa con ngoài giá thú” là câu chuyện về người phụ nữ nông thôn. Nhân vật Kiên Cường lớn lên thiếu vắng sự dạy dỗ của cha nhưng luôn nhận được tình yêu thương, sự tần tảo, hy sinh chăm sóc của người mẹ. Trong một hình ảnh đối lập là nhân vật Nguyên, vì chức vụ và quyền lực, không dám đối diện với thực tế, không dám đến gặp lần cuối người phụ nữ từng giúp việc nhà, có con với mình. Hành trình để ông ta nhận ra sai lầm rất lâu và không hề đơn giản. Đến tuổi ngoài 80, ông Nguyên mới ân hận, mỗi ngày đến quán cà phê bên kia đường để được nhìn thấy đứa con...
Hay truyện “Hai đứa trẻ”, kể về Kiên, một trẻ mồ côi, tâm sự qua Zalo với bạn tên Thiện có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, hai anh em Thiện - Lành ở với ông bà nội già yếu ở miền núi. Thiện nói với Kiên: “Sao người lớn họ chẳng cần biết đến cảm nhận của chúng mình nhỉ? Thích thì họ về ở với nhau, không thích thì ra tòa và để đám trẻ con như bọn mình tan tác”. Câu hỏi ngây thơ và đầy day dứt ấy ở ngay mở đầu và điệp lại ở phần sau của truyện là thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc, buộc người làm cha mẹ phải suy nghĩ.
“Gia đình nơi chốn ta về” là một tập truyện ngắn giàu cảm xúc, phản ánh sâu sắc những giá trị nhân văn và tình cảm gia đình. Qua từng câu chuyện, Kim Nhũ không chỉ kể lại những số phận, những mảnh đời mà còn gửi gắm thông điệp về sự đồng cảm, yêu thương và tha thứ, thông điệp về hạnh phúc. Với lối kể chuyện dung dị, ngôn ngữ gần gũi và tâm hồn nhạy cảm, bà đã chạm đến trái tim của nhiều độc giả.
Truyện ngắn “Đám cưới cho người đã khuất” trong tập sách viết về bác sĩ Đoàn Văn Chiến và điều dưỡng Nguyễn Thị Khánh Huyền. Đôi thanh mai trúc mã ấy yêu nhau tha thiết, đã đính hôn và định ngày cưới thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Bác sĩ Chiến cùng đồng nghiệp được lệnh vào Nam tăng cường cho bệnh viện dã chiến. Anh hẹn người yêu: “Em ở lại gắng giữ gìn nhé! Theo kế hoạch, sau ba tháng anh về bọn mình sẽ cưới”. Để cứu chữa người bệnh, bác sĩ Chiến và các đồng nghiệp đã làm việc không phải 8 mà là 18, thậm chí 20 tiếng mỗi ngày. Quá trình cứu chữa người bệnh, anh bị lây nhiễm Covid-19 rồi tử vong. Khánh Huyền thương nhớ người yêu khôn nguôi, sau đó tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch, vào đúng bệnh viện nơi Chiến đã làm việc và ra đi. Cô cảm thấy vẫn còn nguyên hơi ấm của anh, còn nguyên bóng dáng thanh thoát từng bước vững chãi… Chứng kiến một sản phụ bị tử vong vì nhiễm Covid-19 nặng, Khánh Huyền bất ngờ “làm mẹ” và chăm sóc cháu bé mới 5 tháng tuổi hết sức chu đáo với tấm lòng yêu thương của tình mẫu tử. Cho đến khi cháu khỏi hẳn, được cha, một chiến sĩ biên phòng đón về thì chính Khánh Huyền đã quá mệt mỏi. Đêm ấy, cô thiếp đi rồi không bao giờ trở dậy được nữa. Sự ra đi của Khánh Huyền khiến cả bệnh viện bàng hoàng, thương xót. Hơn ba năm sau, đúng ngày đôi bạn trẻ trước đây đã định ước, hai bên gia đình đón tro cốt của đôi uyên ương về quê mai táng. Cùng với việc đó có thêm nghi lễ của đám cưới, chỉ khác là cô dâu, chú rể là hai bình tro cốt phủ vải điều. Người cha đi bên nghẹn ngào: “Ở trên ấy các con hạnh phúc nhé!”. Câu chuyện vô cùng cảm động, tác giả trân trọng, ngợi ca sứ mệnh cứu người thiêng liêng, phẩm cách cao đẹp cùng tình yêu bất tử của các “thiên thần áo trắng” thời Covid-19…
Trước tập truyện ngắn này Kim Nhũ đã in 3 tập thơ và 1 tập truyện ngắn. Thơ hay văn xuôi của bà đều lay động lòng người về sự chân thật, giản dị, chia sẻ những đau đớn, mất mát đau khổ của con người. Nhưng hơn cả là bà hướng người đọc đến giá trị của hạnh phúc gia đình… Muốn có một gia đình hạnh phúc mỗi người phải biết giới hạn những ham muốn nhất thời…
Thơ của Kim Nhũ cũng vậy, chị cũng lấy gia đình làm điểm tựa, lấy nhân ái làm gốc của cảm xúc.
“Khi nào con đau khổ/ Thì hãy quay trở về/ Gục đầu trên vai mẹ/ Cho nước mắt tràn mi/ Như ngày nào nhỏ xíu/ Lòng mẹ là biển khơi/ Con tha hồ vùng vẫy/ Chẳng sợ gì, con ơi/ Mẹ là cây cổ thụ/ Xòe bóng mát bình an/ Để cho con về trú/ Khi giông nổi bão tràn” (Với con).
Tình mẫu tử bao dung. Những câu thơ ấy chắc chắn sẽ làm cho các con chị tự tin hơn, mạnh mẽ hơn trong mỗi bước đi cuộc đời. Các con chị sẽ luôn biết rằng, có một bờ vai rộng lớn và vững vàng của mẹ luôn sẵn sáng ở đâu đó, nếu có một ngày sự vô thường ập đến.
Xuyên suốt trong sáng tác của Kim Nhũ là một giọng thơ dịu dàng, ân cần và thật thà như thế. Kim Nhũ luôn khiêm nhường nhận mình là người viết thơ nghiệp dư. Nhưng, nghiệp dư hay chuyên nghiệp thì điều cần là đem đến cho người đọc những cảm xúc diệu kỳ. Thì thơ Kim Nhũ, không ít bài đã làm được điều đó.
Chị không chỉ viết về người thân, ruột thịt, viết về bạn bè mà chị còn viết về những người bình thường trong cuộc sống.
Ví dụ ở “Khúc ru lại về” Kim Nhũ nhắc đến những công nhân vệ sinh thủ đô trong một hình ảnh rất đẹp: "Con phố dài hằng đêm vẫn đợi… Phố sạch rồi lưng áo đẫm ánh trăng".
Kim Nhũ cũng có những bài về bạn bè. Đây là những câu thơ chị viết về Mai Nhung (nguyên Tổng biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay), thủ trưởng cũ của tác giả: “Chị nằm trên chiếc nệm trắng tinh/ Trông mỏng như tàu lá/Đôi mắt nhắm nghiền miệng chúm xinh như trẻ nhỏ” (Với Mai Nhung). Một bức chân dung màu rất trong và đượm buồn. “Bỏ lại sau lưng những năm tháng hào hùng/ Bỏ lại sau lưng những bếp lửa rừng/Những gùi đạn nặng hơn đời con gái”. Những năm tháng chiến tranh hiện về trong giấc mơ của người phụ nữ ấy với câu hỏi: “Giặc tan rồi, ta còn gì ở bên”. Những câu thơ đầy yêu mến quý trọng và thấu hiểu người thủ trưởng cũ của mình.
Làm thơ, viết văn nhưng Kim Nhũ luôn ẩn mình khiêm nhường giữa mọi người và bạn bè. Chu đáo, tận tình và xởi lởi nên được bạn bè yêu mến. Đức tính ấy cũng biểu hiện trong đời sống gia đình nên gia đình bà đầm ấm, mẹ chồng nàng dâu yêu quý lẫn nhau, ông bà với các cháu nội ngoại rất nồng nàn, hạnh phúc.
Sinh năm 1954 tại Khoái Châu, Hưng Yên, Kim Nhũ đã sớm bộc lộ năng khiếu văn chương. Năm 1971, chị thi đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng Kim Nhũ không nhập học mà xung phong đi miền núi, học tại Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Ra trường, chị trở thành giáo viên dạy văn tại Trường Sư phạm cấp 1 tỉnh Lai Châu, rồi giữ chức Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Điện Biên. Năm 1996, chị chuyển công tác về Hà Nội, theo học Khoa Báo chí tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, rồi làm biên tập viên tại Báo Nông thôn ngày nay. Năm 2000, chị được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập của báo cho đến khi nghỉ hưu (2010).