Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Trong những ngày giãn cách xã hội, Nguyễn Thành Phong ra tập thơ: “Đêm ngồi ngã ba sông” (NXB Hội Nhà văn). Tôi nhận tập thơ anh kí tặng và gửi đi từ Hà Nội vào tháng 7, phải tới đầu tháng 10, sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, mới nhận được. Khi cầm tập thơ, cảm giác xúc động, như sợi dây nối liền hai miền đất nước đang từng bước vượt qua hoạn nạn, nối nghệ sĩ Nam Bắc với nhau, không khoảng cách, không có sự tách rời của thời gian.
Tập thơ được Nguyễn Thành Phong khởi bút viết từ năm 2010 đến nay. Cũng là quãng đời biến động của Phong, và anh viết như sự giải tỏa.
Nguyễn Thành Phong ví các bài thơ trong tập là “Thơ của mười năm”. Từ 2010 đến 2020. Đó là một giai đoạn mà anh đã nếm trải đủ phong vị của cuộc đời, như anh chia sẻ, nhiều niềm vui, nhưng cũng nhiều nhọc nhằn, cay đắng, biến động: “Thơ tôi viết trong giai đoạn này khác với trước đây, tự sự và thế sự nhiều hơn và rõ hơn. Tôi viết không phải để giải tỏa tâm lý của cá nhân mình, mà là những suy ngẫm, trải nghiệm nhằm chia sẻ.
Tập thơ này có nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, nhiều chuyện, mà một người không đơn thuần như tôi đã cảm nhận được với xúc cảm tin yêu cuộc sống và cố gắng sống cho ra con người, được thể hiện qua thơ. Tôi mong là người đọc, nhất là những người trẻ hơn tôi đọc được mà nhận lấy những trải nghiệm cho mình, để sống mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn trong những bước đi sắp tới ở phía trước. Phía trước chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức, nhiều biến động, nhiều cam go hơn cái thời tôi đã sống trải”.
Khi viết tập thơ, Nguyễn Thành Phong nghĩ rồi sẽ đến lúc in nhưng có thể còn lâu nữa. Năm ngoái, nhà văn Tạ Duy Anh giục nhà thơ Nguyễn Thành Phong tập hợp để in, và nhấn mạnh “phải in”. Nguyễn Thành Phong tin rằng khi có được nhà văn Tạ Duy Anh biên tập, hiển nhiên tập thơ sẽ có người đỡ xứng đáng.
“Trong quá trình in tập thơ này cũng nhiều chuyện. Nhà văn Tạ Duy Anh biên tập xong rồi nghỉ hưu”, Nguyễn Thành Phong kể. “Khi tôi chuẩn bị in thì được yêu cầu loại ra một số bài. Tôi đã định không in nữa. Rồi tôi làm việc kỹ với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn. Khi tập thơ đưa vào nhà in, còn tiếp tục phải xử lý nữa. Nhưng ơn giời, từ khi xuất bản đến nay, nó được tiếp nhận tương đối êm thuận. Cũng nghe đâu đó nói là có ý kiến này khác gì đó, nhưng rồi thấy yên ả đi. Tôi nghĩ đó là tín hiệu vui mừng về sự thay đổi trong sáng tác và xuất bản tác phẩm văn học hiện nay”.
Với nhà thơ Nguyễn Thành Phong, anh luôn phải phân thân mình ra mà sống và làm việc. Ngay cả chơi bời, ngao du cũng… phân thân. Cuộc đời anh đã trải qua đủ các việc, từ phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, rồi lên nữa, trưởng ban, phó tổng, có lúc phải kiêm hai chức tổng biên tập trong mấy năm liền. Cùng các loại hình xuất bản, báo chí, ngày, tuần, tháng, điện tử, hình nói, từ quân đội, công an, đoàn thể, hội đoàn, quản lý nhà nước… Với bạn bè thì theo cách nói của anh, là “lê la từ hè phố lên đến lãnh đạo, văn nghệ sĩ, công chức, nhập vào đâu chơi được ở đấy, thì phải phân thân mà nhập, mà chơi”. Nhưng nhiều lúc anh cũng chọn không gian để một mình. Đó cũng là lúc Nguyễn Thành Phong dành cho thơ, để ngẫm nghĩ và xúc cảm:
“Cái cảm giác một mình này cũng lạ, đôi khi ngồi giữa bàn nhậu đông, miệng nói, tay chém, mà lòng vẫn một mình đấy. Những lúc ấy, có khi một vần thơ vang lên trong đầu mình. Vậy nên không phải là tôi quay lại với thơ mà thơ vẫn cùng tôi, khi mỏng manh, mờ nhạt, khi đậm đặc, dào dạt thôi”.
Thơ Nguyễn Thành Phong, là hành trình khám phá vào bên trong. Nhưng không hề khó đọc. Tôi chỉ cần hai ngày là xong toàn bộ tập thơ 63 bài cùng 167 trang in. Thơ của Nguyễn Thành Phong là tường thuật, kể lại các câu chuyện đời mà anh từng trải qua, diễn giải bằng hình ảnh lẫn chi tiết. Đó là giọng thơ hoàn toàn nam tính, trung lập và từng trải. Rất ít cảm xúc, không sử dụng những yếu tố siêu hình, cũng không phải tiếng nói mơ hồ vô thức của phía trong tâm linh. Vì thế nói vấn đề gì, cũng thẳng tưng, tường minh, rõ nghĩa.
Hành trình khám phá này của Nguyễn Thành Phong, có đi, có đến. Đến từ từ rồi chạm đích: “Cũng như nhiều người viết cùng thời, ban đầu tôi cũng “véo von” lắm. Rồi dần dần thấy véo von ấy chả đúng là mình, chả cần cho ai. Thế là lui dần ra, viết thật với lòng mình và cảm xúc của mình hơn. Mãi rồi cũng gần như là chạm đến được”.
Báo chí làm Nguyễn Thành Phong mệt mỏi. “Bởi viết báo phải xoay xở nhiều để vẫn nói được ý mình và vẫn in được”. Còn thơ thì không. Hiện thực của thơ mới làm anh trăn trở. “Khi tôi viết thơ, thấy bày tỏ được cảm xúc của mình trước hiện thực ấy thì như là gỡ bỏ được phần nào những trăn trở ấy, dù có khi thơ đó chưa chắc đã công bố.
Làm thơ là vùng tự do nhất của mình, in hay không đâu có quan trọng nữa, đề tài, nội dung là do mình hoàn toàn tự chọn lấy theo xúc cảm của mình, có gì ngăn cản đâu, mà không mạnh mẽ. Nếu người viết không chuyển động và không sống giữa muôn mối quan hệ thì lại chả cảm nhận được đúng đời sống. Như thế thì sáng tác cái gì, chia sẻ với ai được nữa? Phải sống mới viết được về cuộc sống chứ”.
Có thể đi lại giữa thơ ca và báo chí, giữa trách nhiệm với các mối quan hệ riêng, vẫn hoàn thành công việc mà không từ chối tụ tập bạn bè, cân bằng được là bởi sự phân thân mà Nguyễn Thành Phong đã nói tới. “Tuy nhiên, không phải khi nào cũng phân thân tốt đâu. Khi làm lãnh đạo tờ báo, vào thời này, tiêu tốn của ta nhiều sức lực và trí óc lắm. Lo được kinh tế cho anh em, tạo được vị thế với bạn đọc, lách qua được bao nhiêu xem xét, đánh giá, rồi khối bận bị xử lý, kỷ luật này khác, thế mà vẫn có thơ, thì cũng lạ”.
Thơ ca giúp Nguyễn Thành Phong sống mà luôn thấy ý nghĩa, thấy mình có tiếng nói, có trách nhiệm với thời của mình.
“Nhưng nó lấy đi những yên lành, thanh thản, nó bắt mình trăn trở, suy ngẫm”.
Lúc này, Nguyễn Thành Phong đã bước vào thời kỳ nghỉ ngơi, anh ít sức ép phải làm việc và viết hơn trước.
“Tôi vẫn làm báo, viết báo, làm “cố vấn”, giúp cho một vài người bạn, cả trẻ và già, đang đứng đầu mấy cơ quan báo chí. Thực ra, chả có “vấn” nhiều để mà “cố” đâu, mà là do họ yêu quý tôi thì nhờ tôi giúp cho một vài việc phù hợp với khả năng và kinh nghiệm của tôi, như giữ chuyên mục, tổ chức người viết, biên tập sách, chủ trò một talk show chẳng hạn. Rồi cũng nhiều anh em làm lãnh đạo các báo mời viết cho các dịp Tết nhất hay ngày lễ trọng gì đó. Thấy vui và nhuận bút cũng ổn thì tôi viết.
Tôi cũng còn phải viết một vài cuốn sách cho mình và về mình nữa chứ, nhưng cứ dần dà mà làm. Về dự định thơ ca ư? Khoảng mười năm thì tôi mới ra được một tập. Chắc còn phải ra thêm một, hai tập mới nữa, nếu thấy thơ mình có ích và có người đọc…
Thơ của Nguyễn Thành Phong là tường thuật, kể lại các câu chuyện đời mà anh từng trải qua, diễn giải bằng hình ảnh lẫn chi tiết. Đó là giọng thơ hoàn toàn nam tính, trung lập và từng trải. Rất ít cảm xúc, không sử dụng những yếu tố siêu hình, cũng không phải tiếng nói mơ hồ vô thức của phía trong tâm linh. Vì thế nói vấn đề gì, cũng thẳng tưng, tường minh, rõ nghĩa.
Hành trình khám phá này của Nguyễn Thành Phong, có đi, có đến. Đến từ từ rồi chạm đích: “Cũng như nhiều người viết cùng thời, ban đầu tôi cũng “véo von” lắm. Rồi dần dần thấy véo von ấy chả đúng là mình, chả cần cho ai. Thế là lui dần ra, viết thật với lòng mình và cảm xúc của mình hơn. Mãi rồi cũng gần như là chạm đến được”.