Các nhà tù ở châu Âu đang dần biến tướng thành nơi nuôi dưỡng các tổ chức thánh chiến cực đoan, trong đó một số kẻ tội phạm xem chủ nghĩa cực đoan bạo lực như một hình thức để chúng chuộc lại các tội lỗi trước kia của mình, một báo cáo của hãng phân tích Anh công bố hôm 11/10 cho hay.
Các tổ chức phiến quân ngày càng nhằm vào các cộng đồng bị ghẻ lạnh, các nhà tù ở châu Âu để chiêu mộ chiến binh. (Nguồn: AP).
Các tổ chức thánh chiến và tội phạm ngày nay đang đào tạo các chiến binh từ chung một nguồn lực, trong khi các mạng xã hội của chúng đang hội tụ về một nơi, báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Cực đoan và Bạo lực chính trị (ICSR) cho hay.
Báo cáo trên đã tổ chức nghiên cứu tiểu sử của những kẻ chiến binh thánh chiến được đào tạo từ năm 2011 đến nay, và rút ra kết luận rằng, sự trỗi dậy của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong các năm trở lại đây vô hình chung đã làm tăng cường mối liên hệ giữa tội phạm và chủ nghĩa khủng bố ở nhiều nước.
Bởi vậy, thay vì tìm kiếm để đào tạo các chiến binh theo tiêu chí tôn giáo, các tổ chức như IS ngày càng có xu hướng chuyển sang tìm kiếm trong các cộng đồng, các nhà tù hay những cộng đồng bị xã hội ghẻ lạnh để đào tạo những kẻ từng có tiền án trước đây làm chiến binh cho chúng; báo cáo cho hay.
Các nhà tù ở châu Âu hiện nay được xem như một nguồn cung cấp sẵn có “các thanh niên trẻ tuổi giận dữ”, những người được cho là đã “chín muồi” để bị truyền nhiễm tư tưởng cực đoan.
Giám đốc của ICSR, ông Petter Neumann, một trong số các tác giả của báo cáo trên, nói rằng ranh giới nằm giữa các tổ chức tội phạm và các tổ chức phiến quân ngày càng có xu hướng bị xóa bỏ.
“Nhà tù đang trở thành một nơi quan trọng của các tổ chức này nhằm xây dựng các mạng lưới” - ông Neumann nói - “Trong bối cảnh các vụ bắt giữ có liên quan tới khủng bố và phạm tội đang gia tăng, các nhà tù sẽ trở thành những nơi nuôi dưỡng tốt nhất cho các phong trào cực đoan”.
Theo báo cáo của ICSR, quá trình truyền bá các tư tưởng cực đoan ngày càng diễn ra nhanh hơn bởi “ngày càng có nhiều người bị kết tội vì các tội ác, rồi sau đó những kẻ này cho rằng tự biến mình thành những kẻ cực đoan bạo lực cũng không phải điều gì quá ghê gớm”.
Việc đào tạo chiến binh ngay trong các nhà tù cho phép các tổ chức thánh chiến tiết kiệm được thời gian đào tạo hơn rất nhiều do những “kinh nghiệm chiến đấu”, gồm kinh nghiệm sử dụng vũ khí hay chuyển nguồn tiền để thực hiện các hành vi khủng bố, được truyền bá nhanh chóng.
Các nhà nghiên cứu thuộc ICSR, có trụ sở tại Đại học King’s College ở thủ đô London (Anh), cho biết họ đã thu thập tiểu sử của 79 chiến binh thánh chiến ở châu Âu từng có tiền án trong quá khứ đến từ các nước Bỉ, Anh, Đan Mạch, Pháp, Đức và Hà Lan… và đã tìm ra được điều bất ngờ sau quá tình phân tích.
Tất cả những chiến binh nói trên đều đã từng di chuyển ra nước ngoài để chiến đấu hoặc từng có dính líu tới các kế hoạch tấn công khủng bố ở châu Âu. Trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, báo cáo ước tính có khoảng 5.000 công dân châu Âu đã từng di chuyển tới khu vực Trung Đông để tham gia các tổ chức phiến quân như IS hay Fateh al-Sham ở Syria - từng là một nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Trong số những kẻ được theo dõi kể trên, có tới 57% từng bị kết án và tống giam trước khi chúng tiếp xúc với các tư tưởng cực đoan và bị cực đoan hóa, trong khi có ít nhất 27% những người đã từng thụ án trong các nhà tù bị cực đoan hóa ngay sau song sắt của nhà giam.
Nguy hiểm hơn, đối với một số tù nhân, tư tưởng thánh chiến còn được xem là một hình thức “chuộc tội” cho các lỗi lầm trước đó; các nhà nghiên cứu cho hay.
Ali Almanasfi, một người mang hai quốc tịch Syria-Anh sinh sống ở London và từng chiến đấu ở Syria sau khi mãn hạn tù, từng nói rằng: “Tôi muốn làm một điều gì đó tốt một lần. Tôi muốn làm điều gì đó thật thánh thiện. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng tham gia lực lượng phiến quân là điều gì đó đúng đắn với tôi”.
Theo ông Neumann, những gì mà họ tìm thấy được ghi trong báo cáo mới này cũng lý giải cho sự thay đổi trong cách vận hành của tổ chức phiến quân IS. Tổ chức này liên tục thành công trong việc tiêm nhiễm tư tưởng độc hại vào cộng đồng châu Âu là do chúng không đơn thuần là một tổ chức chỉ nói suông mà đã dám hành động. Nhiều người trẻ tuổi ở châu Âu thậm chí xem IS như một tổ chức bạo lực, đầy sức mạnh và quyền lực.
“IS thậm chí còn nói với những tù nhân rằng họ có thể tiếp tục làm mọi thứ xấu xa từng làm trước đây, những vẫn có thể lên thiên đường” - ông Neumann nói.