CHÚNG TA ĐỀU YẾU ỚT ...
Nhàvăn Nguyễn Huy Thiệp cùng tác giả, nhà thơ Hồng Thanh Quang
CHÚNG TA ĐỀU YẾU ỚT
- Hồng Thanh Quang: Trong văn chương, anh quyết liệt, nhưng trong đời sống thì đôi khi anh lại rất nhũn nhặn. Đấy là bản năng tự vệ của anh?
- Nguyễn Huy Thiệp: Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều rất yếu ớt... Và ở đời luôn có nhiều nghịch lý. Tác phẩm có thể thế này thế nọ nhưng trong cuộc sống, tôi cũng là con người chừng mực chứ không quá khích. Bạn bè bảo, mình là “người hiền”, tức là...
- Độ lượng với bạn bè, dễ tha thứ những lầm lẫn của người thân?
- Đúng. Và đã làm một nhà văn, rõ ràng là dù anh viết kiểu gì mà trong sản phẩm của anh không có giá trị thẩm mỹ, không có giá trị nhân văn thì vứt đi! Cái điều ấy nó phải nhuyễn từ trong cuộc sống hằng ngày, từ cách ứng xử, chứ khác đi, người đời sẽ nhận ra ngay là có một sự giả mạo nào đấy!
- Đôi khi nhà văn thể hiện trong tác phẩm những điều mà trong đời thực họ không làm được. Anh có cảm giác là một tác phẩm của anh chính là sự thể hiện một bản năng nào đó mà trong các hành vi ứng xử đời thường, anh không bao giờ thực hiện?
- Có lẽ điều ấy cũng chỉ là một phần thôi, chứ cũng không thể nào đúng hết tất cả được. Theo tôi, mỗi một tác phẩm văn học ra đời đều có một cái gì đó riêng, thật khó biết, khó lý giải, kể cả bản thân người viết. Nhiều khi, ta ngồi vào viết một truyện ngắn hay một tiểu thuyết chỉ vì một câu nói nào đó của một ai đó bỗng nhiên đánh thức toàn bộ tiềm năng ở ta... Hôm ở Văn Miếu, trong cuộc giao lưu của các nhà văn thuộc khối Cộng đồng Pháp ngữ, tôi có đặt ra một câu hỏi đối với các đồng nghiệp Canada, Thụy Sĩ, Pháp... “Tại sao ông viết văn?”. Đấy là một câu hỏi khó, nếu trả lời thành thực!
- Bản thân nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sau chừng ấy năm làm nghề đã có thể trả lời một cách giản dị và rõ ràng chưa?
- Cái đấy thì phải chia ra rất nhiều giai đoạn khác nhau, thậm chí có thể phụ thuộc vào từng tác phẩm cụ thể. Thí dụ, khi là một thanh niên 16- 17 tuổi, viết một bài thơ chỉ từ một ý nghĩ vớ vẩn, như để tán gái chẳng hạn. Thì việc này cũng chả có gì là xấu. Lớn lên một chút thì có thể viết vì danh. Việc khao khát danh tiếng cũng là tốt đẹp thôi, anh muốn thể hiện mình, khẳng định mình, muốn để người đời không khinh rẻ nọ kia... Hoặc đến lúc nào đó, anh tưởng bở, anh lại viết vì lợi, anh nghĩ rằng tác phẩm văn học có thể đem lại cho mình tiền bạc. Cũng là ham muốn lành mạnh. Nhưng cuối cùng, đến một lúc nào đấy, thì rõ ràng nhà văn sẽ thấy cái ý thức xã hội của người cầm bút phải là rất lớn.
- Có thể anh chỉ nghĩ đơn giản là viết một tác phẩm để tặng một cô gái nhưng lại thành bài thơ tình để đời, còn có thể anh viết với một động cơ rất cao cả, rất mỹ miều, song tác phẩm lại dở?
- Đúng! Và tính thẩm mỹ và tính nhân đạo mới chính là giá trị của nhà văn. Nhưng ông phải sống thế nào, phải tu thân thế nào, phải làm việc thế nào mới có được những cái ấy.
- Rất nhiều người còn tiếp tục hy vọng vào Nguyễn Huy Thiệp như một nhà văn, nhưng có thể nói lên điều này: anh đã làm được phần lớn sự nghiệp của anh trong văn học! Đến bây giờ, anh có thể trả lời một cách giản dị rằng rốt cuộc Nguyễn Huy Thiệp viết văn vì cái gì?
- Cái câu này thì không thể giả nhời được.
“TÔI CŨNG ÂN HẬN”
- Có bao giờ Nguyễn Huy Thiệp viết một tác phẩm nào đó chỉ để thanh toán “ân oán giang hồ” với một vài đồng nghiệp?
- Không bao giờ! Vì việc ấy quá ư tầm thường.
- Không bao giờ? Anh có thể lý giải như thế nào về một số tên nhân vật, một số chi tiết trong những chuyện ngắn rất hay của mình, ví dụ như “Kiếm sắc” chẳng hạn?
- Thời tôi xuất hiện trên văn đàn, cả xã hội ta cùng đổi mới. Lúc đó cũng xuất hiện thái độ phê phán rất gay gắt đối với cơ chế bao cấp, sự trì trệ trong làng văn. Và những cá nhân có trách nhiệm trong những chuyện đó thì phải chịu trách nhiệm...
- Có những người có lỗi không phải vì những việc họ đã làm mà vì họ đã không làm những công việc mà phận sự, chức danh bắt buộc phải làm. Và điều đó làm cho những người trẻ tuổi, nhất là những văn nghệ sĩ trẻ tuổi buồn...
- Đúng! Đúng! Thậm chí trước khi viết “Kiếm sắc”, tôi chưa bao giờ gặp mặt ông Nguyễn Đình Thi, ông Nguyễn Khải...
- Nhưng ông Nguyễn Khải đã nói về anh rất tốt...
- Đúng, chính vì điều đó nên sau này tôi cũng thấy ân hận. Hay là thái độ đối xử của ông Nguyễn Đình Thi đối với tôi cũng rất đàng hoàng... Và sau này mình cũng nhận ra rằng họ cũng chả có tội gì, họ cũng là người của cơ chế mà thôi... Và cũng phải nói rằng, trong việc tôi đã làm cũng có sự lành mạnh của nó, nếu xét theo một khía cạnh nào đó. Và nếu như tôi không phải là một nhà văn hồn nhiên thì tôi không bao giờ viết được như thế.
- Một khi chấp nhận Nguyễn Huy Thiệp với những giá trị văn học anh đã làm được, thì phải chấp nhận những khía cạnh khác gọi là hệ lụy kèm theo trong tính cách?
- Đúng rồi.
- Và không thể nói như một số nhà phê bình rằng, giá như thế này, giá như thế kia?
- Đúng rồi, nó là mối tổng hòa các quan hệ thôi mà. Anh phải chịu tất cả những sự đắng- cay, ngọt- nhạt, tủi- buồn, vui- giận trong xã hội chứ!
- Điều đó không có nghĩa là, khi chúng ta làm một điều ác, dù là vô tình, thì chúng ta không ân hận?
- Đương nhiên. Thế nhưng trong cái nọ lại có cái kia. Trong thiện có ác, trong ác có thiện. Trong cái thị có cái phi, trong cái phi có cái thị. Trong cái phải có cái quấy, trong cái quấy nó cũng có cái phải của nó!
- Chính cái sự va đập ấy sẽ điều chỉnh xã hội?
- Đúng rồi. Cuộc sống là thế! Văn học cũng nên có một sự chấp nhận lành mạnh đối với tất cả những chuyện thiện- ác, thị- phi, phải- quấy, tốt- xấu, hay- dở...
- Và trong vấn đề này ta không nên rành rẽ quá? Không nên giải thích quả trứng có trước hay con gà có trước, cũng như không thể nói ràng một nhà văn quấy viết văn hay tốt hơn, hay là một nhà văn rất đạo mạo, tử tế nhưng mà viết văn không hay tốt hơn?
- Đúng rồi...
Nhàvăn Nguyễn Huy Thiệp: "Tôi cũng thấy ân hận"
KINH NGHIỆM MÀ CHI
- Anh bắt đầu xuất hiện bằng chùm truyện “Những ngọn gió Hua Tát”, và có người nói rằng, Nguyễn Huy Thiệp đã “thừa hưởng” tất cả những văn hóa dân gian ở những năm ông đã dạy học trên miền núi, và sau này ông chỉ khai thác cái mỏ đấy thôi, và đây không thể là sản phẩm của đầu óc tự nhiên của một con người xuất thân từ ven đô như anh. Anh nghĩ thế nào, đấy là sự bôi bác anh hay là sự thật?
- Cái truyện đầu tiên “Trái tim hổ” tôi viết năm 21 tuổi, năm 23- 24 tuổi, tôi viết được hai truyện tiếp theo: “Con thú thứ nhất” và “Tiệc xòe thứ nhất”. Mãi về sau khoảng độ năm 26- 27 tuổi, tôi mới hoàn chỉnh được 10 cái truyện ấy. Lúc đó, tôi chưa trải qua nhiều kinh nghiệm va chạm với cuộc đời, thậm chí chưa biết gì về ái tình, về sự vinh nhục, danh lợi... Thế nhưng, mình viết không hiểu sao cứ như ông già ấy, rất là chín...
- Các nhà phê bình thường hay rút ra những khuôn mẫu để hình thành nhà văn, nhưng thực chất một nhà văn lớn không bao giờ nằm trong cái khuôn mẫu nào cả, mà họ thường là những hiện tượng dị biệt?
- Những chuyện ấy đúng là trời cho. Giờ có kinh nghiệm, tôi có thể viết được 10 đến 20 truyện “Những ngọn gió Hua Tát” nữa, nhưng chắc chắn sẽ không còn được cái hương vị như thế nữa.
KHÔNG XẢ THÂN KHÓ THÀNH CÔNG
- Có mộtthời gian gần đây, anh hay viết những bài giới thiệu thơ. Phải chăng anh không viết được truyện ngắn nữa nên anh “chuyển nghề” sang lĩnh vực mà không ít người cho rằng không phải là sở trường của Nguyễn Huy Thiệp?
- Tôi nghĩ, nhu cầu viết về người này hay người khác, cũng như nhu cầu viết những bài tiểu luận mang tính chất phê bình- lý luận... đều là tự nhiên của người cầm bút. Nhìn rộng ra đội ngũ đương thời của mình, phát hiện ra những cái hay và cổ vũ những cái đó cũng là một nhu cầu bình thường của người cầm bút. Và như thế mới có được không khí văn học lành mạnh. Không ai có thể sống chỉ một mình, anh phải có bạn chơi chứ, anh phải có người trao đổi chứ! Ông Huy Cận có một câu thơ hay trích lại lời nói của ai có ý là: văn chương nó như một tiếng kêu gọi đàn. Tôi thấy điều đó rất là đúng! Làm sao có một nhà văn cô đơn tuyệt đối ở giữa đồng loại, ở giữa những người đương thời của mình được? Ông phải chú ý đến người nọ người kia, đến không khí văn chương lúc đó thì ông mới có thể viết ra một tác phẩm hợp thời chứ. Tôi vẫn nói là văn chương Việt Nam cũng giống như bóng đá Việt Nam: có nhiều người đá vào chân và cũng có nhiều người đá vào bóng, có người “đá” bằng tay, có người “đá” bằng đầu và cũng có người “đá” bằng các quan hệ. Thì một anh nhà văn Việt Nam cũng phải tham gia cái trận cầu ấy, ông cũng phải lớn lên, cũng phải trưởng thành. Đấy, tôi nghĩ các nhà văn nổi tiếng trên thế giới họ cũng thế thôi, các tác giả được giải thưởng Nobel cũng vậy thôi, cũng phải từ những sân bãi chật hẹp của họ, từ Brazil, từ Thụy Điển hay từ một nơi hoang vắng nào đó...
- Đơn giản là việc giới thiệu một số tác giả, tác phẩm của anh là do nhu cầu muôn hòa nhập vào đời sống văn học đương thời chứ không phải như một số người nói rằng là dường như Nguyễn Huy Thiệp đang muôn tìm những người kế cận theo mình?
- Không! Tôi chẳng làm điều ấy bao giờ, và dù công phu thế nào tôi cũng chẳng làm được. Chẳng có ai theo tôi!
- Những tác giả cụ thể trong văn học Việt Nam hiện nay mà anh cảm thấy gần gụi về mặt nhận thức chân lý?
- Nói thế thì rất khó. Tôi nghĩ, ở trên văn đàn hiện nay, rất nhiều người có tài. Chỉ tiếc rằng, vì lý do nọ hay lý do kia, đáng lẽ ra họ cần nỗ lực hơn nữa, vất vả hơn nữa, dấn thân hơn nữa...
- Thực ra đối với một nhà văn, không thể nào thành đạt về mặt nghề nghiệp nếu không có sự xả thân và hy sinh tất cả những cái khác không phải là nghệ thuật? Không thể nào ăn gian?
- Đúng rồi. Văn học không phải là công việc dễ dàng gì. Phải sống thế nào đấy, đi thế nào đấy, đọc thế nào đấy mới viết được. Tôi lấy một thí dụ, một trường hợp cụ thể của anh Nguyễn Việt Hà. Anh ta là người có tài, đọc nhiều, thế nhưng anh ta lại muốn tìm đến danh lợi trong văn học rất dễ dàng. Tôi vẫn thường xuyên nói với anh ta: Nếu ông vẫn vợ đẹp con khôn, đi làm lương vẫn cao, vẫn đi uống càphê ở Hai Bà Trưng hằng ngày, rồi ông vẫn sung sướng với những lời tán dương về tác phẩm cũ ấy thì rất khó!
- Văn học ấy, cũng theo cái kiểu như tình yêu “theo tình tình phớt, phớt tình thình theo”, nếu anh không cố tìm danh lợi trong văn học thì may ra mới đạt được, còn phần lớn những người cố tình tìm thì chắc chắn không đạt được?
- Đúng. Khổ lắm ông ạ.
- Trong Kinh Thánh có khái niệm “người được lựa chọn”, đó là việc rất tình cờ, anh phải được lựa chọn vào việc đấy cơ thì may ra anh mới đạt được, còn anh cố tình phấn đấu thì cùng lắm anh chỉ ở cái tầm thê đội 2, không bao giờ lên được ngoại hạng?
- Cũng có người nói như thế, thiên tài 99% là kiên nhẫn, còn 1% còn lại là thiên phú. Cũng có người nói ngược lại, 99% là trời mang đến. Theo tôi thì nó có cả hai yếu tố đấy, 50- 50.
- Người ta bảo, khát vọng làm giàu của Nguyễn Huy Thiệp cho đến hôm nay vẫn còn chưa chấm dứt, điều đó có đúng không?
- Không có đâu. Khi còn trẻ thôi. Sống đến lúc nào đấy ta sẽ thấy danh lợi nó vô nghĩa. Chuyện có tiền hay không đối với tôi bây giờ không quan trọng nữa, nhiều khi nhiều tiền mà mình không biết cách tiêu hay sử sụng nó, nó chỉ gây tại họa thôi. Thế nên người ta nói: Mưu cái lợi cho thiên hạ mới là lợi lớn, mưu cái danh cho muôn đời thì mới gọi là cái danh lớn. Nếu anh chỉ mưu cái lợi cho mình cá nhân anh mà xã hội không phát triển, không lành mạnh thì bản thân cái lợi của anh là bị kịch chứ, phải không?
- Nhà thơ Nga Andrey Voznhesensky viết bài thơ có ý: khi mà các triệu phú vênh vang với cái nhận kim cương và cái vòng vàng xa hoa của mình, mà xã hội vẫn còn những người đói khát, những kẻ bần hàn, thì đấy là một sự vô liêm sỉ chứ không phải cái gì hay ho. ở ta có khá nhiều người chỉ lo cho con mình, cho nhà mình nhiều tiền, còn với người thiên hạ thì “sống chết mặc bay”. Và cái sứ mệnh của văn học có lẽ là làm sao để càng nhiều người hiểu ra điều này?
- Đúng rồi. Nhưng tác động của văn học chỉ là một phần thôi. Chứ còn với mỗi cá nhân, chính cái sự ăn đòn từ cuộc sống sẽ giúp họ ngộ ra.
- Cái sự “ăn đòn” ấy đôi khi chúng ta phải trông cậy vào Trời, thuyết “ác giả ác báo”, hay là thế nào?
- Điều ấy là đương nhiên thôi.
QUAN TRỌNG LÀ TU THÂN
- Anh có nghĩ rằng, tiền bạc cũng như tình yêu, nó làm cho người tốt trở nên tốt hơn, và những kẻ xấu thì càng xấu đi?
- Cái gì cũng có hai mặt... Làm sao anh phải biết trung dung, biết hóa giải ở mức độ vừa phải, không để đến mức bi kịch.
- Quan trọng vẫn phải là cốt cách của từng người một. Không có cốt cách thì mọi phúc lộc của giời chỉ có thể làm cho anh tồi tệ hơn?
- Nói cốt cách thì hơi to, nhưng nhìn chung thì phải biết tu thân. Ngày xưa các cụ đã nói điều này rất nhiều rồi, nếu anh đức mỏng mà danh lớn, hoặc lợi lớn thì chỉ bi kịch mà thôi.
MỌI SỰ ĐỀU CÓ LÝ RIÊNG
- Khi anh mới xuất hiện, anh đã làm cho các nhà văn đàn anh sững sờ. Và bây giờ, dù muốn hay không, với một lớp trẻ nào đấy, Nguyễn Huy Thiệp cũng đã trở thành cũ rồi. Anh có cảm thấy đau khi nhận thấy điều này không?
- Chẳng có gì mà đau cả! Tôi nói thật với ông, với cuốn tiểu thuyết mới của tôi “Tuổi hai mươi yêu dấu”, tôi bảo đảm nó sẽ là một cuộc tranh luận văn học lớn. Nó sẽ là một cú sốc đối với tiểu thuyết Việt Nam!
- Phải chăng thiên chức của văn học là để gây sốc?
- Hoàn toàn không phải. Tất cả những nhà tiểu thuyết của chúng ta đều loanh quanh, đều ngậm ngùi về những thứ gì đã qua rồi. Tác phẩm của tôi là mang ý thức công dân rất cao. Tại vì tôi viết về vấn đề hiện nay gay cấn nhất, đấy là tầng lớp thanh niên hiện nay. Một nhà báo đã tới hỏi tôi, quan cuốn “Tuổi hai mươi yêu dấu”, ông muốn gửi thông điệp gì? Tôi có nói là: tôi cũng có tham vọng gửi nhiều thông điệp khác nhau tới độc giả, nhất là độc giả trẻ. Chí ít có hai điều mà tôi muốn nhấn mạnh. Một, hãy trở lại với thiên nhiên, tự nhiên. Xã hội càng phát triển, càng hiện đại bao nhiêu, ngoài những giá trị tích cực ra thì ở đó có chứa ẩn nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ bấy nhiêu. Chỉ có thể trở về với tự nhiên, trở về với thiên nhiên, “trở về với Mẹ ta thôi”, thì lúc đấy con người mới tìm thấy cái tôi đích thực của mình. Hai, cuộc sống là tươi đẹp, tuổi trẻ là tươi đẹp, đừng nên vì bất cứ lý do gì mà hủy hoại hay làm tổn thương nó.
- Thông điệp là rất hay, nhưng xin lỗi, thông điệp này của anh cũng không mới hơn tất cả những thông điệp đã có?
- Đúng rồi. Không có một cái thông điệp nào mới cả, ông ạ. Thế nhưng nó mới ở cách đi vào lòng người.
- Cách diễn đạt của anh sẽ đi vào lớp độc giả trẻ hiện nay? Anh có tin không?
- Tôi tin chứ.
- Bởi vì sao? Anh tin như thế vì đây là tác phẩm khá nhất của anh từ trước tới nay?
- Đây không phải là một tác phẩm khá nhất. Tại vì nhiều lý do mà tôi chỉ đạt được 6/10 yêu cầu mà tôi đặt ra. Nhưng mà chỉ riêng như thế thôi, tôi bảo đảm với ông, nó vẫn sẽ là một sự kiện của tiểu thuyết Việt Nam!
- Biên giới giữa một trí tuệ thực sự minh mẫn của một trí thức và tất cả sự ảo tưởng về thiên chức của mình bao giờ cũng mong manh. Thực tế thế giới hiện đại cho thấy những nhóm người nào cứ tự cho mình thiên chức đi khai hóa các dân tộc khác thì thường mang lại cái ác. Anh có cảm thấy sự mâu thuẫn khi một mặt chúng ta muốn sống lại với thiên nhiên, nhưng mặt khác lại muôn vươn tới những khuôn mẫu của một nền văn minh đô thị, sự bế tắc nào đấy thôi. Làm sao để những người bình thường phân biệt được?
- Văn minh đô thị không phải là xấu. Nếu xấu thì ai lại đi xây nhà như vậy, nó phải có một cái lý gì của nó chứ! Nhưng tại sao cũng có những người qua cái đấy rồi thì lại mua nhà trên Xuân Mai, mua đất trên Ba Vì, lại đi về vùng biển? Cái nào cũng có giá trị của nó! Tất cả những cái đấy đều tồn tại song song với nhau cơ mà!
- Như vậy, vấn đề là anh sẽ lựa chọn cái gì hợp với anh?
- Đúng rồi! Nhà văn phải đặt ra những vấn đề đấy để độc giả lựa chọn, thanh niên lựa chọn.
- Chúng ta không bao giờ được coi mình thông minh hơn người khác và tìm cách áp đặt? Tất cả những ai vẫn nghĩ rằng chỉ theo mình mới là đúng thì thường lại gây tai họa nhiều hơn. Quan trọng là phải tạo ra sự chọn lựa, và quan trọng là phải có tính thuyết phục.
- Đúng rồi. Giáo dục văn minh có bắt ép sinh viên đâu. Ông lên lớp thì lên, ông không lên lớp thì thôi, họ chỉ hướng dẫn sách này kia phải đọc, còn tùy ông lựa chọn đề tài, phương pháp... Họ bắt ông động não chứ không làm hộ ông khâu suy nghĩ...
Nhàvăn Nguyễn Huy Thiệp: “Tuổi hai mươi yêu dấu
...sẽ là một cú sốc đối với tiểu thuyết Việt Nam"
NHƯ MỘT CÁI CÂY
- Nhật Bản từng có một truyện rất hay “Đèn không hắt bóng”. Anh có cảm thấy rằng sự anh minh của chúng ta đôi khi lại không soi rọi được những gì gần gũi nhất?
- Đương nhiên rồi.
- Anh chấp nhận điều đó, anh nói đương nhiên nhưng hẳn anh phải đau chứ?
- Đau chứ! “Dao sắc không gọt được chuôi”, phải không?
- Nhưng mà vẫn phải sống để viết? Và nếu mình không giúp được mình thì mình sẽ giúp được ai đó?
- Mỗi con người phải có bài học riêng. Ông phải sống đến một mức nào đó để ông hiểu trời sinh ra ông để làm gì. Trời sinh ra chỉ để làm một việc thôi!
- Còn những việc khác đôi khi cũng phải thua. Ai mà muốn thắng trong tất cả mọi việc thì người ấy rất dễ gây ra tội ác.
- (Cười): Khó lắm! Tham thì thâm! Ông được thì ông phải mất! Ông muốn sướng thì ông phải có đau! Ông nhận thức được cái hay thì ông phải sống qua cái dở, thế thôi!
- Anh có cảm thấy anh có cái dở gì không?
- Hả? Nhiều chứ! Tôi cũng là một con người dao động, là một con người cũng thiếu tự tin.
- Có nhiều cách dao động khác nhau. Có cách dao động của thân cây, gió chiều nào thì ngả về chiều ấy, nhưng vẫn đứng nguyên tại chỗ.
- Không, mình vẫn phải có một số nguyên tắc nào đấy chứ! Tôi vẫn là một người Việt Nam, tôi vẫn hiểu được những giá trị văn minh Việt Nam, vẫn hiểu được những giá trị của cội nguồn Việt Nam, và tôi chẳng bao giờ dao động văng đi khỏi cái gốc của mình. Hay là tôi có thể bồ bịch lăng nhăng nhưng không bỏ vợ. Hay là tôi có thể làm nghề này nghề khác nhưng viết văn vẫn là cái trục chính. Thế thôi!
- Vẫn là cái ý dao động nhưng không rời khỏi chỗ?
- (Cười): Ừ! Hay tôi là một cái thằng có thể nói là hèn, ít chịu hy sinh mà cũng không dám mất nhiều?.