Nhân dịp kỉ niệm 80 ngày sinh của nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương (1937 – 2017), Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức buổi Tọa đàm về cuộc đời cũng như sự nghiệp của vị nữ văn sĩ tài năng này.
Nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương sinh năm 1937 tại làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Bà là nhà văn, nhà viết kịch tài hoa của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam thời đại mới. Những tác phẩm của bà giàu tính nhân văn và nghĩa cử cao đẹp ca ngợi con người, trách nhiệm với tình yêu quê hương đất nước. Sau bao nhiêu năm cống hiến bà đã trở thành một người con ưu tú của đất nước, hết mình cống hiến cho tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nói về bà, GS.TS Lê Ngọc Canh chia sẻ: “Trong làng văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại, đã biết bao nhiêu tên tuổi những tác giả tỏa ánh hào quang. Họ đã ghi dấu ấn sáng tạo, dấu ấn lịch sử bằng những tác phẩm văn học, nghệ thuật đi cùng năm tháng không thể nào quên. Trong đó có một nữ văn sĩ tài hoa, và là một tấm gương dũng cảm đầy bản lĩnh trong đời thường, trong chiến tranh. Đó chính là nữ văn sĩ Thanh Hương, có thể nói là quý và hiếm trong đội ngũ nữ văn nghệ sĩ của thời đại mới, của ngành sân khấu Việt Nam. Thật đáng khích lệ, đáng trân trọng một tài hoa, một tác giả kịch bản sân khấu đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Những những kịch bản của văn sĩ Thanh Hương vẫn giàu sức sống vươn cao giữa bầu trời nghệ thuật sân khấu Việt Nam”.
Kịch của văn sĩ Thanh Hương được viết từ chính cuộc sống của bà và của cuộc sống cách mạng. Ở đó, có những người mẹ, người phụ nữ trung dũng, kiên cường; có những chàng trai, cô gái trẻ gội mưa chiến đâu và rồi hi sinh; có những kĩ sư, bác sĩ, bộ đội, công nhân, nông dân lao động quên mình vượt mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc sống của họ không có bình yên hưởng thụ, mà hầu hết đều là “điểm nóng, mũi nhọn sôi động của xã hội” với những cảnh còn thiếu ăn, thiếu mặc và mồ hôi nước mắt, máu đỏ.
Những tác phẩm của bà mang đậm tính nhân văn cao cả, trong các tác phẩm đều giàu chất thơ. Những kịch bản đó của bà đều được các đơn vị nghệ thuật từ trung ương đến các địa phương dàn dựng với nhiều chủng loại sân khấu khác nhau như: chèo, cải lương, dân ca kịch, truyền hình… Trong đó có một số kịch bản dàn dựng đã được nhận nhiều giải thưởng và huy chương vàng, bạc trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến một số vở như: Đỉnh cao và vực thẳm; Đời người giấc mộng hay Đường đua bóng tối …