Sự trở lại đó, một phần do sức hấp dẫn của bolero, giống như sự hấp dẫn của tình yêu đôi lứa, không bao giờ hết, chỉ có thể là tạm gác lại vì những lý do nào đó- Nhà văn Trần Thị Trường
Nhà văn Trần Thị Trường.
PV: Thưa bà, việc dòng nhạc bolero đột nhiên quay trở lại như 1 trào lưu phản ánh điều gì của nền âm nhạc hiện nay?
Nhà văn Trần Thị Trường: Nó phản ánh âm nhạc thời kỳ này không có nhiều những tác phẩm đủ sức chiếm lĩnh toàn bộ thị trường/ thị hiếu/ mỹ cảm của người tiêu dùng/hưởng thụ âm nhạc. Mặc dù, không phải không có những những tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt, bạn cứ xem lại lịch sử của giải âm nhạc cống hiến 12 mùa qua, cũng như tìm hiểu danh sách nhận tiền bản quyền tác giả âm nhạc thì bạn sẽ thấy, có những tên tuổi mới lạ. Tiền bản quyền âm nhạc cũng phản ánh sự tiêu dùng/sử dụng âm nhạc, sự trở lại của dòng nhạc bolero như bạn nói không hẳn đã lấn át những dòng nhạc khác. Nói chính xác hơn bolero trở lại và được chào đón nhiều ở khu vực biểu diễn sân khấu và sản xuất băng đĩa hơn trước thôi.
Sự trở lại đó, một phần do sức hấp dẫn của bolero, giống như sự hấp dẫn của tình yêu đôi lứa, không bao giờ hết, chỉ có thể là tạm gác lại vì những lý do nào đó ( chiến tranh, thiên tai), nó luôn quay lại với con người vì nó có sức chia sẻ và an ủi bằng sự bình dị, nhẹ nhàng, khác với một dòng nhạc, một thời có sức động viên khích lệ những tình cảm, lý tưởng lớn lao, cho mục đích lớn lao. Sự bình dị, sự bình thường của đời sống con người lúc nào cũng vẫn có sức sống của nó.
Bà đánh giá thế nào về đóng góp của dòng nhạc này đối với một nền âm nhạc?
- Nhạc Bolero là thể loại nhạc trữ tình kết hợp nhuần nhuyễn âm hưởng dân ca với giai điệu chậm, ca từ mộc mạc, gần gũi, dễ hát, dễ nhớ dễ gây xúc cảm cho những người lao động bình dân. Sự chân thực, mộc mạc, không lên gân, không hô khẩu hiệu của âm nhạc và ca từ nên đã chạm được đến tình cảm con người, nhất là khi họ đã căng thẳng trong lao động hằng ngày, họ chỉ cần một mục đích là giải trí, nghệ thuật lúc này nên đóng vai trò an ủi, chia sẻ, càng đơn giản, mộc mạc, chân thành càng dễ được chấp nhận. Mà cũng đừng nghĩ Bolero là nhạc sến, nhạc vàng.
Nó vốn chắt lọc được sự tinh tế của một dòng nhạc có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, thịnh hành tại khu vực Mỹ La tinh, du nhập vào Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước nhưng đã được các nhạc sĩ ta Việt hóa, kết hợp nhuần nhuyễn với dân ca, thường viết theo nhịp 4/4, cách chia tiết tấu phù hợp với các bài dân ca hoặc sáu câu vọng cổ. Kết cấu phân nhịp và bố cục giai điệu dẫn tiến một cách nhịp nhàng, bolero làm nên những tác phẩm âm nhạc với giai điệu buồn, đậm tính tự sự, là yếu tố mang đặc trưng tâm hồn người Việt, nên thời nào thì nó cũng sẽ tồn tại thôi. Bạn đừng cười khi tôi ví nó như các loại mắm tôm, mắm tép, nước mắm Việt, quốc hồn quốc túy lắm…
Tuy nhiên, trên thực tế, tôi gặp những chuyện thế này: 1 gia đình 3 thế hệ, ông bà ( trên dưới 70 tuổi) và người bố (50 tuổi) chỉ nghe Trịnh Công Sơn, Bolero, và nhạc đỏ; 2 người con chỉ nghe nhạc Sơn Tùng, Lê Thiện Hiếu, nhạc Hàn…; người mẹ 40 tuổi nghe Đỗ Bảo, Giáng Son, Nguyễn Hồng Thuận, Khánh Đơn,Tường Văn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Ngọc Thiện… và nghe được cả 2 loại của những người kia.
Bà có ý kiến gì về những tranh luận về bolero cách tân?
- Tôi cũng là kẻ đa dạng trong thưởng thức âm nhạc, từ giao hưởng cổ điển, nhạc không lời, nhạc đỏ cho đến bolero, tuy nhiên, tôi thích bolero được phối khí lại, với cách nhả âm và giọng hát của một số ca sĩ làm chủ kỹ thuật thanh nhạc và chất giọng hiện đại, còn phối khí như cũ: quá chậm, nhả chữ quá ướt, giọng quá mềm thì tôi cũng không thích. Nhưng hòa âm phối khí quá cách tân, thì cũng không ổn…
Quan điểm của bà về ứng xử với những xu thế âm nhạc kiểu như sự quay lại của bolero hiện nay?
- Như ai đó đã nói: “cái gì hợp lý cái đó tồn tại”, bolero sẽ tồn tại nếu nó còn hợp với tình cảm của con người, nhưng thị hiếu cũng không phải là bất biến, một lúc nào đó, nó sẽ tự nhiên trùng xuống, vậy thôi…
Xin cảm ơn bà!