Với mong muốn tác phẩm của mình được lan tỏa, một số tác trẻ đang nỗ lực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, tìm lối viết riêng, chinh phục bạn đọc và khẳng định mình qua các giải thưởng văn chương. Chính điều này đã khiến không khí sáng tạo văn chương đang rất sôi nổi, nhiều tác phẩm đã được vinh danh.
Tâm thế, lối viết mới
Thời gian qua không ít tác giả trẻ xuất hiện với tâm thế, lối viết mới như: Đinh Phương, Đức Anh, Hiền Trang, Võ Chí Nhất, Nguyên Như, Tống Phước Bảo, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Chí Ngoan, Lê Đình Tiến… Những tác phẩm của họ đã tạo được dấu ấn, chinh phục bạn đọc thông qua những cuốn sách đạt chất lượng và giành được một số giải thưởng.
Đơn cử, nhà văn trẻ Đức Anh trình làng những tác phẩm khá ấn tượng như “Thiên thần mù sương”, “Tường lửa”, “Đảo bạo bệnh” theo dòng trinh thám, một dòng truyện ít được tác giả trong nước lựa chọn. Nhiều bạn đọc và một số nhà phê bình văn học trẻ đánh giá, Đức Anh đã dám bước đi trên con đường lẻ loi. Còn chính Đức Anh chia sẻ: “Văn học trinh thám đã cho tôi nhiều trải nghiệm, rèn luyện kỹ thuật chuyên môn và kỷ luật viết văn, cho tôi được gặp gỡ những người bạn văn, các anh chị lớn tuổi, giàu kinh nghiệm hơn, và cho tôi có độc giả trung thành. Tôi đang tiến đến những cải tiến mới, về điều mình muốn viết, muốn nói ra, về những bí ẩn và vẻ đẹp của đời sống mà tôi góp được hằng ngày”.
Để đi được đường dài, Đức Anh cũng luôn đẩy mình vào chỗ không còn đường lui. Anh đã phải hứa hẹn, cam đoan với độc giả, phải đánh cược danh tiếng và chấp nhận rủi ro trở thành một nhà văn tầm thường. Vì vậy, bản thân Đức Anh buộc phải cải thiện chất lượng, sắp xếp đời sống, kỷ luật viết lách hằng ngày.
Yêu văn chương, nhà văn trẻ Võ Chí Nhất cũng nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng tác phẩm. Mới đây anh đã trình làng tập truyện trinh thám “Muội tro”, được bạn đọc đánh giá cao. Võ Chí Nhất đọc sách từ năm học lớp 7, anh thường tranh thủ đọc trong giờ ra chơi hoặc là nấp trong nhà bà nội, cạnh một cánh cửa sổ để đọc. Ban đầu là truyện tranh “Thám tử lừng danh Conan” và sau đó là những truyện ngắn của Sherlock Holmes. Từ đó, anh mở rộng đề tài, trau dồi vốn liếng và kỹ năng sáng tác.
Theo đánh giá của một số nhà phê bình văn học, văn chương trẻ hiện nay đang “tắc”, “dò” tìm đề tài, trong khi rất nhiều đề tài nóng bỏng của xã hội họ lại không quan tâm. Trước nhận định này, tác giả thơ Nguyên Như cho rằng, ý kiến của một số nhà phê bình văn học ấy cũng chỉ là một trong nhiều ý kiến đánh giá về văn chương lớp trẻ hiện nay.
Các thế hệ sáng tác đều có những thuận lợi và khó khăn của mình. Lớp trẻ hiện giờ cũng vậy. Có rất nhiều đề tài, chủ đề, nguồn cảm hứng khác nhau mà lớp trẻ quan tâm đến. Có những người “tắc”, có những người “dò tìm”, nhưng cũng có những người sáng tạo theo bản năng và truyền thống gia đình, quê hương, đất nước… “Tôi nghĩ, ý kiến của một số nhà phê bình văn học ấy chưa bao quát được bức tranh sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay. Bởi thế cần phải có sự nghiên cứu sâu và cái nhìn đa chiều”, Nguyên Như nhấn mạnh.
Theo đuổi vì đam mê
Với người sáng tác, để tìm được lối đi riêng, gặt hái được thành công là một quá trình gian khổ, đòi hỏi nỗ lực cá nhân rất lớn.
Như Đinh Phương, dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, Đinh Phương cũng cố gắng xây dựng cho mình những không gian rất riêng. Nơi đó có sự giao hòa giữa thế giới thực và mộng. Những giấc mơ là bối cảnh khá quen thuộc trong sáng tác của nhà văn này. Trong bối cảnh không có thực ấy, anh khéo léo thể hiện quan điểm của mình về con người cùng những giá trị nhân văn. Đinh Phương cho rằng: “Viết lách là một công việc đầy ích kỷ. Để hài lòng với những sáng tác của mình, đầu tiên bạn phải viết ra thứ mà bản thân muốn đọc”.
Còn Võ Chí Nhất chia sẻ, truyện trinh thám đầu tiên anh viết có tựa là “Dòng máu bạc” đến giờ vẫn còn giữ bản thảo (hiện anh đã triển khai thành một tiểu thuyết và sẽ trình làng trong thời gian tới). “Tôi cho rằng không hẳn người công tác trong ngành công an hay tình báo mới theo đuổi dòng trinh thám, mà bắt nguồn từ đam mê, và vì đam mê mà theo đuổi”, Võ Chí Nhất nói.
Truyện trinh thám không đơn thuần là những câu chuyện vụ án mà được “dựng” lại từ những vụ án có thật theo nguyên tắc (tác giả tự vạch ra) là bảy phần thật, ba phần thêm thắt. Một truyện trinh thám hấp dẫn cần nhiều yếu tố. Theo Đức Anh và Võ Chí Nhất, các tác giả thường đọc nhiều trước khi viết, điều cần thiết là tìm một vụ án tương đối hay để xây dựng một cốt truyện hấp dẫn và đáng tin, các nhân vật phải có những đặc điểm đặc biệt, lối hành văn đặc trưng, bố cục, cách dẫn chuyện, chủ đề của truyện phải độc đáo...
Có chất giọng thơ khá mới, tác giả Nguyên Như cũng đang tích cực khẳng định lối đi của riêng mình. Anh đọc, đi, giao lưu nhiều để nạp thêm kiến thức, gây dựng cảm xúc.
Nguyên Như bày tỏ: “Tôi mới viết được vài năm, tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều: Tôi yêu gia đình tôi, quê hương tôi và đất nước Việt Nam! Tôi chỉ muốn sáng tác của tôi và của các bạn trẻ như tôi cùng với sáng tác của các lớp nhà văn đi trước phải làm sao cho bạn đọc yêu gia đình, những người ruột thịt của mình, yêu quê hương, đất nước, yêu cái đẹp, cái thiện”.
Cũng theo Nguyên Như, lối đi riêng của người viết là lối đi mà chỉ một mình hoặc ít người sáng tác đi theo. Muốn thế, người viết phải thật sự sáng tạo, trăn trở, căng mình ra cho những ý tưởng mới, chất giọng mới. Khi có được chất giọng mới và không lẫn với ai là đã thành công một phần.
Đam mê viết lách từ khi đang học phổ thông trung học, năm lớp 10, Nguyễn Luân đã có truyện ngắn đầu tiên in trên tạp chí tỉnh Lạng Sơn. Miệt mài với con đường sáng tác, đặc biệt là sự đam mê với những đề tài viết về miền núi, đã đưa tác giả trẻ Nguyễn Luân gia nhập vào “làng văn” cuối năm 2020, anh trở thành một trong những gương mặt trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Nguyễn Luân viết khá nhiều đề tài, nhưng nổi bật nhất là viết về miền núi, với phong cảnh thiên nhiên và những con người mộc mạc… Hơn 10 năm theo nghiệp văn chương, anh đã viết hàng trăm truyện ngắn và tản văn, trong đó rất nhiều tác phẩm đã được in trên các tạp chí văn nghệ danh tiếng.
Tống Phước Bảo hiện nay là cái tên khá “hot” trong giới viết văn trẻ. Anh đang tích cực làm mới mình, dấn thân cho văn chương bằng chất giọng Nam bộ, đặc trưng. Anh đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong sự nghiệp văn chương của mình.
Có thể kể đến các giải thưởng như: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn "Một nửa làm đầy thế giới" do NXB Văn hóa-văn nghệ TPHCM tổ chức năm 2019; giải Nhất cuộc thi viết Thành phố tôi yêu do Báo Thanh niên phát động năm 2020; giải Nhất cuộc thi tùy bút Quê nhà yêu dấu năm 2020 do tập san Áo trắng (NXB Trẻ) khởi xướng...
Trong quá trình sáng tác và giao lưu qua lại trên nhiều nền tảng khác nhau, nhiều tác giả, nhà văn trẻ đã và đang khẳng định mình bằng nỗ lực thâm nhập sâu vào thực tế,
thậm trí họ nghĩ đến những chủ đề trong tương lai. Đó là quá trình họ khám phá khả năng bản thân và định hình nên một dáng vóc tác giả.
Hiện nay trên cả nước, tác giả thơ trẻ cực kỳ đông đảo, nhưng phần nhiều chỉ làm thỏa mãn thú vui của mình và dừng ở đó. Đối với lực lượng sáng tác nghiêm túc, họ luôn mở cho mình những trường liên cảm mới, những không gian khám phá mới… để phục vụ việc sáng tác. Dù đến nay vẫn chưa xuất hiện sự đột phá mãnh liệt, nhưng cũng đã hiện rõ những tác giả trẻ có khả năng đột chuyển, cần thêm thời gian để tiếp tục sáng tạo.
Nhà văn trẻ muốn phát triển và đi được đường dài trên con đường sáng tạo, không thể thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, các nhà phê bình, nhà sách. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, Hội Nhà văn khuyến khích và tích cực tạo sân chơi cho người trẻ sáng tác, tìm tòi lối đi riêng. Trong nhiệm kỳ này, ngoài Giải thưởng Tác giả trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam xác định tầm quan trọng trong việc bổ sung đội ngũ; phát hiện, tôn vinh, bảo vệ giá trị tác phẩm văn chương; định hướng, khuyến khích thái độ, trách nhiệm của người viết trẻ với những đề tài, cảm hứng mới mẻ, lớn lao.