Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Buồn vui thời mình

Hoàng Quý 06/12/2018 16:14

Một lần sang thăm bạn thơ trẻ Trịnh Sơn, Sơn đưa cho tôi tập sách có tựa đề liếc vào đã muốn đọc, là Không biết đâu mà lần. Sơn hỏi, chú đọc Văn Thành Lê chưa? Lại thế nữa. Tôi bảo từng đọc cuốn Biết tới khi nào mưa thôi rơi. Sơn nói, Lê là bạn cháu, cháu sẽ giới thiệu Lê với chú. Tôi buồn cười, tao gặp “hắn” rồi, gặp bữa hắn sang Hội Văn nghệ.

Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Buồn vui thời mình

Hôm ấy, trong cuộc chuyện với Sơn, tôi mới biết Văn Thành Lê là người xứ Thanh. Cái vùng đất rộng lớn linh thiêng, chịu đựng mà bền gan trải bao cuộc chiến giữ nước đều được lịch sử lựa chọn làm điểm tựa làm bệ phóng. Tôi yêu quý vùng đất xứ Thanh còn bởi những văn nhân, thi nhân như Hữu Loan, Nguyễn Duy, Trịnh Thanh Sơn, Đặng Ái, mà nét quyến rũ từ họ/ở họ không chỉ riêng những trang cảo thơm, còn ở tính cách sống yêu ghét rạch ròi phải trái tường minh cả trong chữ, trong đời.

Văn Thành Lê là người xứ Thanh, dẫu có ly quê vẫn nguyên chất xứ Thanh, cần nhẫn bền bỉ trước đèn, tự xẻ lối riêng trong trường văn trận chữ, nhịn nhường nhưng kiêu hãnh tự trọng tự tin, biết sử chữ và vui đùa với chữ, vui đùa cùng người giữa ngổn ngang tháng ngày bao nhiêu là xáo trộn.

*
* *

Tôi thích cái tham luận Văn Thành Lê trình bày tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 - 2016. Anh viết: “Tôi đến với văn chương vô cùng hồn nhiên. Như mọi đứa trẻ quê, thích nghịch đất bờ ao, chơi khăng, đánh đáo, nhảy dây, trốn tìm. Ngoài ra, tôi nghịch thêm với chữ. Từ những câu vè ngây ngô thuở ban đầu đến những bài thơ, đoạn văn ngắn được in báo. Từ truyện ngắn ở các báo dành cho học sinh, sinh viên đến những truyện ngắn đăng tải ở các báo lớn hơn, chuyên sâu văn chương hơn. Từ tập truyện ngắn đầu tay non tơ vụng dại đến những tập truyện sau. Tôi tự thấy mình đã khác với chính mình của “ngày hôm qua”. Tôi thú nhận, từ nhiều ngần ngại trong ứng xử khách sáo ban sơ đã thành thân quý nhà văn trẻ. Văn Thành Lê kéo tôi đến với anh sau khi đọc trên báo Văn nghệ sự bộc bạch trong tham luận ấy. Lê sống và xử sự vị tình không chỉ với tôi. Anh chu đáo với các trang văn bạn nghề gửi cho tạp chí khi anh phụ trách công việc biên tập vốn dễ bị cự nự. Anh chịu trận trước những họa sĩ khó tính khi tìm đến tận nhà đề nghị vẽ cho vài cái minh họa. Anh chu toàn từng đồng nhuận bút trao tận tay tác giả. Điểm sớt vài ứng xử mà tôi tận chứng để khẳng định rằng, cái đoạn anh bộc bạch không màu mè trong tham luận ngày nào là rất trung thực, là con người khiêm ái thường nhật Văn Thành Lê. Bây giờ, ngồi chắp nối những tận thấy về người văn mà tôi nhiều ngày tháng sống gần mới chợt hiểu ra vì sao Triều Bố Tri (nhà thơ thời Bắc Tống) khi nói tới Văn Đồng lại khắc khảm bốn chữ “Hung Hữu Thành Trúc” (Trong tâm đã có hình ảnh của cây trúc rồi).

Trong tâm (tôi) đã có hình ảnh của cây trúc rồi!

Văn Thành Lê là cây trúc mạnh mẽ trong rất nhiều những cây trúc văn chương trẻ tuổi. Hình như là tình yêu, Con gái tuổi Dần, Trạm điện thoại ở thiên đường, Ông mặt trời và mùi hương của mẹ, Biết tới khi nào mưa thôi rơi, Không biết đâu mà lần, Châu lục thứ bảy, Ngày xưa chưa xa, Thừa ra một người, Nam, nhi, Đại, Trượng, Phu, Trên đồi, mở mắt, và mơ, Như cánh chim trong mắt của chân trời. Và, láng coóng, phưng phức mùi mực vừa trình làng là Sa lan đỏ bãi Xanh Văn Thành Lê mới gửi tặng. Trong 10 năm, từ 2008 đến 2018, liên tục 13 đầu sách ra đời. Một sức viết mạnh mẽ. Mà lại viết khi ngày ngày vẫn phải hoàn thành những công việc nuôi thân khi làm anh giáo, lúc làm anh biên tập tạp chí văn nghệ, bây giờ “oai” hơn nhưng trăm thứ việc ở Chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng. Có lần tôi a lô thăm Lê, “hắn” tiếng thưa tiếng nhặt trong gió Đồng Văn. Lần khác nhớ nhau bấm phím “hắn” lại đang tất bật Hội Sách ở Cần Thơ… Ấy thế mà khi gặp được nhau “hắn” vẫn tươi roi rói cứ như đêm nào cũng đẫy giấc từ lúc gà lên chuồng. Vẫn chăm chú hào hứng nghe tôi lên đồng. “Hắn” viết lúc nào nhỉ. Chịu!

*
* *

Khi Trịnh Sơn cho tôi mượn tập Không biết đâu mà lần, tôi lập tức bị cuốn hút chứ không giữ thói đọc kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” hoặc đọc láo nháo như người ăn lót cục kẹo vẫn thường diễn vài mươi tập văn trẻ tôi bị nồng nhiệt giới thiệu. Không biết đâu mà lần làm tôi được cười xốn mắt rơi răng trước rộn ràng bi hài chuyện anh giáo “Anh”. “Anh” - tên nhân vật tượng trưng cho bao nhiêu anh giáo Văn Thành Lê đặt tên phập phời. Nhân vật “Anh” chất chứa hoài bão, lăm lăm châm đuốc giữa âm âm u u cơn đói tri thức. “Anh”, tốt nghiệp một trường Đại học Sư phạm ở miền Trung, hăm hở, hào hứng, tràn trề tự tin kho vốn liếng kiến thức căng chật, được bảo chứng bằng tấm bằng thật, rộn ràng “Nam tiến” làm cuộc cách mạng chính mình. Thế rồi, trong nồng nàn cuộc Đổi mà không biết làm thế nào thành Mới, “Anh” từ từ nhão từ từ vữa từ từ loãng. “Anh” không ra bay không ra rơi, như con diều rối dây nửa lơ nửa lửng. Gấp lại 135 trang sách, tôi thành không cười được mà cũng không khóc được. Những con chữ biến mất trong ngồn ngộn ngôn ngữ thậm phồn và lối kể trào tiếu rất Văn Thành Lê.
Đến Thừa ra một người, tôi bập ngay vào truyện Kẻ rao bán.

Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Buồn vui thời mình - 1

Lối kể với từng lát cắt chi li được chọn lọc sắp đặt và quánh vón chứ không hoan ngôn như tiểu thuyết Không biết đâu mà lần. Tôi đọc mà như thấy (những) “Hắn - Kẻ rao bán” giương mắt trân trân sau bóng đèn. Kết cục là một chuỗi logic buồn và bệnh từ chuỗi dài đánh đổi của “Hắn”: “Trên đường đi hắn thấy những đứa trẻ giống nhau giăng mắc trước mắt. Những đứa trẻ na ná nhau. Và na ná hắn. Vành tai rộng và dài. Chân đi hình chữ bát. Mũi hình túi mật. Lông mày rậm… Những đứa trẻ giống nhau nhìn hắn với ánh mắt vô hồn, dửng dưng, đầy oán trách. Chưa bao giờ hắn thấy không gian ngột ngạt thời gian dài lê thê như lúc này…”. Ở truyện ngắn này, Văn Thành Lê tiến gần đến mẫu hình nhân vật mà người viết nào cũng mơ ước đạt được. “Hắn - Kẻ rao bán”, theo tôi, đã thành nhân vật Văn Thành Lê tạc dựng thành công, găm lâu, như Tư Lập lơ, như Năm Sài Gòn, như Tám Bính của Nguyên Hồng. Ở đây, tôi muốn nói là dạng nhân vật găm nhớ.

Và cũng tập truyện này, cả dòng xối trong 16 truyện ngắn, Văn Thành Lê lần đúng mạch gọi đúng tên cái mảng nhàu nhĩ nhớp nháp phủ bền bệt lên bức tranh xã hội, (mà) dõi hướng nào, ngoái hướng nào cũng bùng nhùng lưới nhện và ngổn ngang.

*
* *

Đã lâu tôi và Văn Thành Lê chưa có dịp hàn huyên. Lê bộn bề công việc, lại bận rộn chữ. Phút rảnh rang, tôi hay tham lam “ăn dặm” những tập sách bạn bè gửi tặng, trong đó có Lê. Trước khi viết bài này, tôi có phôn, hỏi rằng, thoạt kì thủy, Lê có đọc Aziz Nexin không. Lê cười vang trong máy, nói sao chú đoán ra tác giả cháu thích. Này, bạn thân yêu! Chúng ta đều thích những câu chuyện đầy ắp tiếng cười, cười đến điếng người, cười chảy nước mắt trong cái Thế giới Aziz Nexin. Cho nên, đọc ngàn trang đã sinh của bạn, ta chạm cách cười của Aziz Nexin. Cái tiếng văn gặp cách cười của Aziz Nexin (mà) Văn Thành Lê bền bỉ dệt văn, ngõ hầu tìm cung cách riêng Lê cũng là lối sáng. Cười, dám cười, chia sẻ được tiếng cười, san sẻ những buồn vui vùi ngấu trong tiếng cười là thêm một liệu pháp chữa trầm cảm giảm stress trước thực tại nhiều nghịch ngược đang đè lên tuổi trẻ. Lạy thánh mớ bái, cứ mạo muội cầu xin cho tuổi trẻ được trẻ, đừng phải “Trang nghiêm như những ông già”!

Sinh năm 1986, Văn Thành Lê thuộc đội ngũ những nhà văn trẻ, những nhà văn tráng sức. Với họ, cuộc chiến tàn nhẫn, máu xương, chết chóc đã lùi xa. Nhưng họ bị quăng quật trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến với chính họ, cuộc chiến trước ngoại cảnh đa diện mạo, vữa ra, trơn tuột… rất Không biết đâu mà lần. Năm tháng song hành cùng Văn Thành Lê rình rập những biến động không bình thường, nó cuốn anh và cũng không chừa ai vào những rốn xoáy rất khó gọi tên. Chỉ ý chí, mê say và tự trọng giúp Văn Thành Lê bước tiếp với văn chương.

Nếu phải nói ý kiến tổng quát, dẫu chỉ là chủ quan, tôi cho rằng, những tác phẩm của Văn Thành Lê càng lúc càng hay, đang hay. Một giọng riêng với lối kể rất nhiều độc đáo nhuần nhị cài đan cách nói dân gian đặc hữu xứ Thanh. Anh phủ lên văn chương tiếng Việt phong nhiêu, lối nói phúng dụ đáng yêu, cách dụng chữ, sử chữ, diễn chữ chan chứa tiếng cười. Tất cả hợp thành lớp lớp trang văn đậm giọng riêng đặc hữu Văn Thành Lê, đậm sinh khí Văn Thành Lê, để gọi ra được những buồn vui của thời mình. Và, nếu (buộc) tôi phải nói về những gì còn hữu hạn, lạy giời, là một người bạn của anh, tôi nói rằng, cái bản tính hiền hòa, nhịn nhường và “chịu trận” liệu có là một trở ngại?! Mong là không phải thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Buồn vui thời mình