Sau “cơn bão” tưởng chừng như đã lắng xuống của nhạc chế, hay các “giang hồ mạng” lấn sân làm ca sĩ… thời gian qua trên các nền tảng mạng xã hội lại tiếp tục “báo động” với sự xuất hiện của hàng loạt các ca khúc rác.
Lỗ hổng đến từ sự dễ dãi
Nếu như trước kia người thể hiện là thường là những “hiện tượng mạng” thì giờ đây sự vấy bẩn đó lại đến những cá nhân mang danh nghệ sĩ, thậm chí nổi tiếng. Có thể kể đến Lê Dương Bảo Lâm với MV “Oải cả chưởng” vừa ra mắt mới đây. Được khán giả yêu mến với các tiểu phẩm hài, gameshow truyền hình nhưng khi lấn sân làm ca sĩ, Lê Dương Bảo Lâm lại mang đến cho khán giả những phản ứng trái chiều. Với điệp khúc lặp đi, lặp lại nhiều lần “Oải vãi chưởng” kết hợp với những câu từ hết sức vô nghĩa như “Sao hay ra dẻ quá”, “Tết trả hết”, “Miệng thì ú a ú ớ tôi sụm nụ rồi trời ơi”… khán giả khi nghe hoàn toàn không thể hiểu ý nghĩa bài hát là gì. Tuy nhiên, ca khúc này đang được quảng bá khá rầm rộ, thậm chí có thời điểm lọt vào Top 12 ca khúc thịnh hành của Youtube. Trước đó, diễn viên này là tâm điểm chỉ trích phản cảm, lố lăng khi chế bài nhạc về bộ truyện Doraemon với phần lời vô nghĩa, phá hỏng tuổi thơ. Chàng diễn viên này còn bị gọi là hiện tượng “nhạc rác”, gây ra tác động tiêu cực với công chúng, nhất là khán giả nhỏ tuổi.
Không chỉ thế, một vài ca sĩ trẻ có chút “tên tuổi” thời gian qua cũng đang tiếp tay cho việc tràn lan nhạc rác trên không gian mạng. Đơn cử như bài nhạc rap “Lượm” dựa vào bài thơ của nhà thơ Tố Hữu bị biến tấu với nhiều câu từ phản cảm, không giữ được tinh thần của bản gốc. Thậm chí bản rap này hiện được dùng làm nhạc nền cho đủ kiểu video trên TikTok và Facebook. Phổ biến nhất là video ghi cảnh các học sinh đứng lên bàn ghế, thậm chí bàn giáo viên để tạo dáng. Trong nhiều video khác, các cô gái mặc áo dài có tư thế khá nhạy cảm. Người khác lại ghép bài nhạc với video mặc bikini. Hay ca khúc “Thương quá Việt Nam” từng bị chế thành đoạn lời phản cảm trong MV “Giấc mộng ca sĩ” của Vanh Leg.
Bước ra từ cuộc thi “Rap Việt”, Tlinh trình làng MV “Ghệ iu dấu của em” đã khiến nữ ca sĩ trẻ này tự đánh mất hình ảnh của mình. Với vô số những hình ảnh dung tục, ca từ sáo rỗng, gây ảnh hưởng xấu đến tư duy của giới trẻ đã tạo ra tạo ra phản ứng dữ dội từ công chúng, thậm chí nhiều người đòi tẩy chay Tlinh.
Chỉ điểm danh một vài ca khúc nhạc rác, có thể thấy việc đăng tải và kiểm soát các sản phẩm âm nhạc trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay tương đối dễ dãi. Trong khi đó, những người nghe hầu hết là giới trẻ thì với các ca khúc có nội dung độc hại, ca từ vớ vẩn, nhảm nhí đang thực sự làm ô nhiễm nền âm nhạc Việt Nam. Sở dĩ những bài nhạc rác như trên vẫn có đất sống bởi vì sự tò mò, bắt trend và dễ khiến khán giả trẻ bắt chước. Bằng chứng là, sau khi những bản nhạc này ra mắt, nhiều người trẻ đã cover lại hoặc dùng làm âm thanh cho các video của mình trên TikTok. Điều này, vô tình khiến nhạc rác có sức hút, dễ dàng giúp “nhà sáng tạo” kiếm tiền.
“Đóng cửa” với nhạc rác
Sau hàng loạt các ca khúc bị các cơ quan chức năng “tuýt còi” xử phạt và chính các nghệ sĩ lên tiếng chịu trách nhiệm, xin lỗi thì dễ nhận thấy đến các chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh để dọn sạch những thứ gọi là “rác âm nhạc” trên không gian mạng. Bởi thực tế, với những khoản thu “khủng” của các khúc có lượt xem cao thì vài chục triệu đồng xử phạt chỉ là con “số lẻ”. Không những vậy có một thực trạng hiện nay là việc phát hành ca khúc quá dễ dàng. Cá nhân nào cũng có thể tự hát, tự thu quay MV rồi đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, TikTok. Vì vậy việc tràn lan ca khúc “rác” trên mạng xã hội cũng là điều dễ hiểu. Chỉ đến khi dư luận phản ứng, người nghe tẩy chay thì “cha đẻ” ca khúc đó mới lên tiếng xin lỗi, gỡ để thể hiện trách nhiệm hoặc bị hậu kiểm, xử lý từ các cơ quan quản lý văn hóa.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ: Tôi rất tôn trọng các góc nhìn của những bạn sáng tạo âm nhạc, họ có ngôn từ gai góc, thẳng thắn, mạnh mẽ nhưng tôi vẫn lên án những bài hát có ca từ thô tục, phản cảm, gợi dục. Có nghĩa là mình phải có được lằn ranh, quy chuẩn rõ ràng. Sự hài hước và sự nhố nhăng phản cảm là hoàn toàn khác nhau. Sự sáng tạo không thể đi ngược với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức. Sau cùng, nghệ thuật vẫn phải hướng người nghe đến một điều tốt đẹp, cái thiện lành chứ không hướng người ta có những suy nghĩ tiêu cực và hành động tiêu cực, gây ảnh hưởng cho bản thân và cả xã hội. Việc sáng tạo vì thế không thể và không nên vượt qua lằn ranh về văn hóa.
“Khán giả nên mạnh mẽ tẩy chay những sản phẩm nhạc chế “rác”. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần có những biện pháp xử lý mạnh tay để “rác” âm nhạc không còn tràn lan trên không gian mạng” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long nhận định: “Các ca khúc nhạc rác có lời lẽ phản cảm đang ảnh hưởng sâu sắc đến một thế hệ mới. Đến bản thân người lớn chúng ta còn không nghe được những lời phản cảm, thì tại sao lại để cho thế hệ trẻ phải nghe và tiếp nhận? Thế nhưng, các kênh YouTube cũng như nhiều kênh truyền thông lại đang quá dễ dãi với những lời lẽ như vậy. Chúng ta không thể lường trước điều gì xảy ra ở những thế hệ tiếp theo”.