Vàng da là hiện tượng thường gặp tại trẻ sơ sinh. Ở nước ta, tỷ lệ trẻ sơ sinh vàng da là khoảng 30% nhưng tỷ lệ phải điều trị chỉ khoảng dưới 10%. Mặc dù vậy, các chuyên gia cảnh báo, vào mùa đông, tỷ lệ trẻ mắc vàng da sơ sinh sẽ tăng cao hơn.
Vàng da còn được gọi là hoàng đản, là tình trạng nhiễm sắc tố vàng ở mô da, niêm mạc mắt do lượng Bilirubin trong máu vượt quá 17mmol/l. Nguyên chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các bệnh lý của gan và hệ thống mật.
Ở trẻ sơ sinh, vàng da được chia làm hai loại vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý.
Vàng da sinh lý xuất hiện từ 1 - 2 ngày sau sinh và tự hết trong vòng 1 tuần (hoặc 2 tuần đối với trẻ sinh non). Hồng cầu thai nhi bị vỡ để thay thế hồng cầu trưởng thành. Trong lúc này, chức năng gan của bé chưa hoàn thiện, không thể lọc thải hết Bilirubin ra khỏi máu. Do đó, vàng da sinh lý là do lượng Bilirubin tích tụ trong cơ thể. Khi lượng Bilirubin này tích tụ vượt quá mức sẽ gây vàng da ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn nhưng chỉ vàng ở mức độ nhẹ.
Không chỉ vậy, nước tiểu của trẻ cũng trở nên sẫm màu hoặc có màu vàng và phân nhạt màu. Ngoài những triệu chứng trên thì cơ thể trẻ có thể xuất hiện thêm các triệu chứng bất thường khác ở gan, lách sưng to,... đây đều là những triệu chứng nguy hiểm.
Sau khoảng 2 tuần, hiện tượng trẻ sơ sinh bị vàng da sẽ hết do gan của bé đã phát triển hơn và đủ sức lọc thải chất có màu vàng này. Vì vậy đây, là hiện tượng bình thường và không gây bất cứ nguy hiểm gì.
Khi trẻ bị vàng da bệnh lý thì các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ sau sinh. Các mẹ có thể nhận biết được bệnh thông qua các triệu chứng điển hình như: Toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân, kể cả niêm mạc mắt cũng bị vàng da. Mức độ da vàng đậm hơn bình thường.
Vàng da bệnh lý lâu khỏi hơn, có thể kéo dài hơn 1 tuần đối với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh non. Xuất hiện thêm các triệu chứng bất thường như sốt, co giật, bỏ bú hoặc ngủ li bì,…
Vàng da bệnh lý có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm. Vàng da nhân, đây là một biến chứng xảy ra khi lượng Bilirubin vượt quá giới hạn cho phép khiến gan không lọc thải kịp. Do đó, Bilirubin dễ bị thấm vào não gây vàng da nhân ở trẻ sơ sinh. Biến chứng này gây tổn thương não bộ và không thể phục hồi được. Đây là tình trạng vô cùng độc hại đối với tế bào não.
BS Trần Thị Lý- Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nếu trẻ vàng da quá mức, chất độc sẽ ngấm vào não gây biến chứng thần kinh, tăng trương lực cơ, bỏ bú. Lâu dài trẻ có thể tử vong hoặc di chứng bại não, giảm thính lực.
So với các tuyến khác, trẻ vàng da bệnh lý gặp thường xuyên ở những trẻ vùng sâu, vùng xa do không có đủ thông tin phát hiện sớm hoặc trẻ có bố mẹ chủ quan không thăm khám sớm.
Nếu trẻ bị vàng da bệnh lý sẽ được làm các xét nghiệm chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân. Nếu bilirubin vẫn ở ngưỡng an toàn, trẻ sẽ được chiếu đèn. Tuy nhiên, khi ngưỡng này cao hơn thì trẻ sẽ được chỉ định thay máu.
Trong đó, chiếu đèn là phương pháp điều trị đơn giản, an toàn và hiệu quả. Mục tiêu của phương pháp này là sử dụng năng lượng ánh sáng xuyên qua da giúp chuyển hóa Bilirubin tự do trong máu thành chất khác không độc, đào thải ra ngoài phân, nước tiểu. Khi chiếu đèn, trẻ sẽ được cởi bỏ quần áo ở trần, che kín mắt và bộ phận sinh dục, xoay trở để tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng.
Thay máu là biện pháp được sử dụng khi trẻ vàng da ở mức độ nặng thất bại điều trị với liệu pháp chiếu đèn hoặc có triệu chứng thần kinh đi kèm.
BS Trần Thị Lý lưu ý, có một số hiểu biết sai lầm mà các bậc cha mẹ cần lưu ý là việc tắm nắng không điều trị được vàng da vì khi trẻ vàng da phải cần ánh sáng xanh, còn nắng chỉ có ánh sáng tổng hợp nên không có tác dụng điều trị.
Nếu trẻ vàng da bệnh lý nhưng được phát hiện sớm thì sau 1-3 ngày chiếu đèn, trẻ có thể ra viện. Nếu trẻ phải thay máu thì sau khi thay máu, trẻ tiếp tục được chiếu đèn 3-5 ngày và phải tái khám thường xuyên.
Hiện tượng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hàng ngày các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong mùa đông, trẻ được ủ ấm kỹ, khó có thể quan sát toàn thân khiến tỷ lệ trẻ mắc vàng da tăng cao. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra.