Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cần có sự gắn kết giữa “3 nhà”, gồm nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư để nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn.
Ngày 24/9, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn” với sự tham gia của hàng trăm đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư,…
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh, Hội thảo khoa học là một bước tiến mới, nhằm hướng đến những nhận thức khoa học ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về Thương cảng Vân Đồn và những đặc trưng, giá trị của một không gian văn hóa dựa trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu đã đạt được.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi và trình bày các tham luận về tiềm năng, vai trò và vị thế của Thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời, đánh giá giá trị toàn diện của Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn (các vấn đề về cảnh quan và môi trường, lịch sử, giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, các vấn đề liên quan đến con đường giao thương hàng hải, kinh tế biển, quân sự...) và đề xuất những ý kiến, giải pháp nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị vùng thương cảng.
34 bài tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế là các kết quả, thành tựu nghiên cứu được đúc kết từ các dự án khai quật khảo cổ học, điền dã và hợp tác quốc tế, các nghiên cứu về địa lý, môi trường, cảnh quan, các hoạt động văn hóa phi vật thể… là căn cứ khoa học quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Thương cảng Vân Đồn là thương cảng đầu tiên của đất nước Đại Việt, là di sản văn hóa gắn với giao lưu, giao thương kinh tế với quốc tế. Đây vừa là lợi thế cũng là những giá trị đặc biệt riêng có để chúng tôi xây dựng hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt để có ứng xử đặc biệt đối với di tích này.
Trả lời phỏng vấn, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội, Ủy viên Hội dồng di sản văn hóa quốc gia đánh giá, việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn đang được làm tích cực và có sự đóng góp của các chuyên gia có thể nói là hàng đầu. Về những tiêu chí cần được xem xét, gia cố, tôi thấy đang được làm tương đối tốt.
Điều lo lắng hiện nay là sau khi có danh hiệu đó thì làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản? Đây là lúc chúng ta cần có sự gắn kết giữa 3 nhà: Một nhà quản lý phải có trách nhiệm, có tầm nhìn; hai là phải có ý kiến của các nhà khoa học để chỉ ra giá trị thực của nó ở đâu và làm thế nào để khai thác; và thứ ba là thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư. Xã hội hóa bây giờ đang là 1 xu hướng tích cực để khai thác và bảo tồn giá trị của di sản vì vậy cần có những ý tưởng mới, cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đến địa phương để khai thác và phát huy được giá trị của di sản.