Nhận diện khó khăn để chung sức vượt qua

NAM VIỆT 29/05/2023 16:45

Sáng 22/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, có 2 bản báo cáo quan trọng được trình bày. Đó là Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Quốc hội - do Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày; và Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023 - do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày.

Các đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 22/5. Ảnh: Quang Vinh.

Ý kiến của cử tri và Nhân dân cùng đề xuất của Mặt trận

Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Quốc hội; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; vui mừng phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trở thành xu thế không thể đảo ngược, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng.

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự…

Cử tri và Nhân dân ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều hành: quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; trình Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; Thường trực Chính phủ sâu sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tập trung xử lý kịp thời một số hệ lụy sau đại dịch Covid-19; quan tâm bảo đảm an sinh xã hội...

“MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận thấy rằng: Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước ngày càng quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp trong mọi hoạt động, phát huy dân chủ, quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân” - Báo cáo nêu rõ, đồng thời nêu lên những vấn đề cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng. Đó là lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động rất khó khăn. Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không hiệu quả, thua lỗ, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch Covid-19.

Một bộ phận người dân còn băn khoăn, lo lắng, có nơi bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay chưa nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư. Một số người đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm… nay có thể gặp rủi ro. Kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng hoạt động trên không gian mạng một cách tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân... gây ra nhiều hậu quả xấu. Cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo lắng về tác động xấu của biến đối khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết. Nhất là nước biển dâng, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên…

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trân trọng kiến nghị với Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết 5 nội dung cụ thể. Đó là:

1/Kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của Nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, người lao động mất việc, giãn việc ở các khu công nghiệp; có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước...

2/Kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

3/Kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ, giải quyết công việc không hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân. Vì biểu hiện đó là tiêu cực.

4/Cùng với việc đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế, kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư thêm để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Nhiều cử tri và Nhân dân mong muốn có được chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng văn hóa để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

5/Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh dịch khác để bảo vệ sức khỏe của người dân, an toàn để phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.

Bản Báo cáo của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước; được dư luận đánh giá cao.

Hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện rất khó khăn

Tại Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày, nêu rõ: Trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD (đã báo cáo là 4.075 USD); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); thu NSNN đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%), đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD; xuất siêu đạt trên 12,4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện... Quốc phòng, an ninh được củng cố; chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, phát huy hiệu quả; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên.

Đặc biệt, giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Về tình hình, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2023, Báo cáo của Chính phủ cho biết, tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32%, thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Xuất hiện tình trạng người lao động mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...

Các ĐBQH đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, đã nhìn nhận rõ thực tế, rút ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục. Là cơ sở quan trọng để tăng tốc phát triển cho các quý còn lại của năm 2023, cũng như năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện khó khăn để chung sức vượt qua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO