Nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ

Hoài Vũ 05/12/2019 08:00

Để công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực chất lượng cao, song hiện nay nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp này đang thiếu hụt rất nhiều cả về chất và lượng.

Nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ

Đầu tư phát triễn công nghệ hỗ trợ là rất cần thiết.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Công nghiệp hỗ trợ và bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao” mới đây, TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Công nghiệp hỗ trợ có tuổi thọ ngắn, công nghệ thay đổi liên tục nên doanh nghiệp cần gắn kết với nhà trường để tạo điều kiện cho nhau phát triển. Như vậy sinh viên được tiếp cận với dây truyền công nghệ mới của doanh nghiệp, trên cơ sở “thực hành” của học sinh tại doanh nghiệp, sau này doanh nghiệp có thể lựa chọn được những sinh viên có trình độ phù hợp vào làm việc, không cần phải đào tạo lại bởi thực tế nhiều sinh viên có bằng giỏi nhưng đó là kiến thức “hàn lâm”, còn thiếu thực hành nên vừa qua nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp xong vào làm việc thì doanh nghiệp phải đào tạo lại. Do đó, cần nhìn vào thực tế chứ không chỉ xem bằng cấp.

Còn theo bà Đỗ Thị Thúy Hương- Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, đầu tư vào nguồn nhân lực là một yếu tố phát triển bền vững không chỉ của ngành công nghiệp hỗ trợ mà còn của các ngành khác. Để giải được bài toán này phải có sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo nên nâng cao tính ứng dụng giảm bớt tính “hàn lâm”, đặc biệt là đào tạo ngoại ngữ vì đây là quá trình thiết yếu để đảm bảo chất lượng cho nguồn lao động. “Đẩy mạnh ngoại ngữ là một trong những “tấm visa” để người lao động hội nhập tốt hơn trong thời đại 4.0 hiện nay”- bà Hương nói.

Lâu nay, công nghiệp hỗ trợ được coi là ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” nhưng thực chất rất quan trọng. Bởi “phụ” của ngành này lại là “chính” của ngành khác với vai trò là “đầu vào” của sản xuất. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Vì đây là yếu tố quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, các quốc gia trên thế giới đều tập trung nhiều nguồn lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm xây dựng nội lực quốc gia và tự cường đất nước.

Nhưng, để phát triển tốt ngành công nghiệp phụ trợ thì nhất định phải có nguồn nhân lực tốt. Mà, chúng ta lại chưa có nguồn nhân lực chất lượng cao đủ mạnh. Vậy gỡ bài toán trên bằng cách nào? Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo từng đưa ra cảnh báo rằng, việc cấp thiết hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xét trên thực tế, những “cảnh báo” của các chuyên gia đưa ra cũng là lời giải cho những bất cập hiện nay của việc “sinh viên ra trường nhưng không kiếm được việc làm”. Đó là bởi “chất lượng nguồn nhân lực” đang có vấn đề khi nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ra trường nhưng không xin được việc làm, hoặc xin được việc nhưng phải đào tạo lại do kiến thức được đào tạo trong nhà trường đang... khác xa so với thực tế làm việc. Đặc biệt cũng phải sòng phẳng nhìn nhận lại rằng, hiện các viện, trường đại học chỉ chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chính, ít chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều này dẫn đến tình trạng các ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam khó có điều kiện tự khẳng định mình do còn phải phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài, không tự làm ra được những sản phẩm “Made in Việt Nam”. Và thực tế trên rất cần một “cuộc cách mạng” để thay đổi.

Cũng phải nói thêm rằng, đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế nói chung, ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng là hết sức quan trọng. Và công nghiệp hỗ trợ là một trong những nền tảng đó cho nên việc cải thiện và đẩy nhanh sự phát triển các ngành này trong tương lai là điều hết sức cần thiết nằm ở phát triển nguồn nhân lực. Nhưng khi đào tạo và thực tế đang có sự khác xa nhau, hay nói cách khác giữa kiến thức hàn lâm và thực hành trong lao động sản xuất chưa có sự đồng nhất, đặt trong bối cảnh công nghệ thay đổi liên tục thì e rằng nguồn nhân lực khó có thể làm chủ công nghệ, và dần bị thay thế bởi “rô bốt”, “người máy”. Bài toán đó, lời giải nằm ở sự liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp trong đó một bên là đào tạo, và một bên là sử dụng sản phẩm đào tạo trong lao động sản xuất.

300 doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc tế sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Ngày 4/12, Sở Công thương TP HCM cho biết, sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại TP HCM. Triển lãm năm nay có quy mô khoảng 460 gian hàng của 300 doanh nghiệp đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, Việt Nam, Mỹ, Ý, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc Singapore… Trong đó, có khoảng 30% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực đa phần của TP HCM và các doanh nghiệp có năng lực cung ứng. Theo Sở Công thương TP HCM, thành phố tập trung hỗ trợ các sản phẩm chủ lực thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử, hóa dược - cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và những ngành kinh tế khác đang đóng góp cho sự phát triển kinh tế thành phố. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 11 – 14/12. T. Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ