Tinh hoa Việt

Nhàn rỗi

TRẦN HỮU THĂNG 19/05/2024 07:14

Một triết gia cổ đại đã viết: “Muốn làm hư hỏng một con người rất dễ, cứ để cho anh ta sống một cách nhàn rỗi”. Đại thi hào người Đức, ông Wolfgang Goethe (1743 – 1832) thì khẳng định: “Đời sống ăn không, ngồi rồi là một cái chết trước thời hạn”.

12a.jpg
Tranh: ITN.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Nhàn là có ít hoặc không có việc gì phải làm, phải lo nghĩ đến”. “Nhàn cư vi bất thiện là không có việc gì làm, quá rỗi rãi thì dễ sinh ra làm điều sai trái, bậy bạ”. “Nhàn rỗi là: 1/ Rỗi rãi không phải làm việc gì.

Thí dụ: Thời giờ nhàn rỗi. 2/ Sức lao động chưa được huy động, chưa được sử dụng vào việc gì. Thí dụ: Chưa biết tận dụng sức lao động nhàn rỗi”.

Bài viết nhỏ này nói ngắn gọn về các tác hại và nguy hiểm của sự nhàn rỗi, của sự lười biếng mà con người rất dễ mắc phải, rất dễ đầu hàng trong cuộc sống hàng ngày. Một số lời khuyên bảo, giáo dục, răn đe của các triết gia, các nhà giáo dục, các nhà tâm lý học sẽ được trích dẫn để minh họa.

Từ lâu người ta đã phát hiện ra sự lười biếng, ngại khó, ngại khổ chính là nguyên nhân và là bạn đồng hành của chứng bệnh thích nhàn rỗi, thích chơi bời lêu lổng mà ngại việc học hành, làm việc.

“Từ điển tiếng Việt” định nghĩa: “Lười là ở trạng thái không thích, ngại làm việc, không chịu cố gắng. Thí dụ: Lười học, chỉ thích chơi. Lười suy nghĩ”. “Lười biếng là lười (nói khái quát). Thí dụ: Kẻ lười biếng. Bệnh lười biếng”.

Một câu danh ngôn cổ của Đức đã viết: “Thôi cứ để ngày mai, để đến mai, không phải hôm nay. Tất cả bọn lười đều nói thế”. Đây là một phát hiện rất chuẩn để tìm ra bọn lười biếng chỉ bàn lùi. “Thôi cứ để đến mai cũng được”. Cứ thế thoái hóa dần, nản chí dần mà bỏ cuộc. Nhớ lại ở thế kỷ trước, trong sách dạy trẻ em lớp 1 có bài tập đọc như sau: “Một cậu bé chuyện trò cùng mẹ/ Rằng đến mai con sẽ xin ngoan/ Đến mai con sẽ xin ngoan/ Đến mai con lại khất hoàn ngày kia/ Con ơi con, chớ hề nói thế/ Việc hôm nay chớ để ngày mai/ Chi bằng con nói thế này/ Mẹ ơi, con muốn ngoan ngay bây giờ”.

Nhiều thế hệ công dân ở nước ta đã thuộc lòng bài tập đọc này và đã trưởng thành, khôn lớn, đã đóng góp công sức cho xã hội, cho đất nước vì đã được dạy từ thuở còn thơ, từ khi mới biết đọc biết viết để trở thành một thói quen, một bản năng trong cuộc đời, đó là sự chăm chỉ, cần cù, nhất định không để đến ngày mai những việc có thể làm trong ngày hôm nay.

Câu danh ngôn “Việc hôm nay chớ để ngày mai” thật dễ hiểu, giản dị mà vô cùng ý nghĩa, nó đã theo chúng ta hết cả cuộc đời và lúc nào cũng vẫn thấy thiêng liêng và cao quý biết bao!

Nhà khoa học Mỹ, ông Joseph Addison đã viết: “Việc đọc sách đối với trí tuệ cũng có tác dụng như tập thể dục đối với thân thể”. Đây cũng là một vũ khí quan trọng trong việc rèn luyện trí tuệ và thân thể chống lại sự lười biếng, trì trệ của con người. Hàng sáng, hàng tối có nhiều người ở nhiều lứa tuổi chạy bộ, tập thể dục ở các công viên, các dọc đường quanh thành phố... là những dấu hiệu đáng mừng cho sức khỏe cộng đồng.

Các ngày “Hội sách”, “Hội đọc” được tổ chức ở nhiều thành phố, nhất là ở những thành phố lớn, cũng như ở các “Câu lạc bộ đọc sách”, ở các “Thư viện lưu động” tại các vùng sâu, vùng xa... làm chúng ta vững tin vào lời dạy của Addison là đúng đắn và có thể thực hiện được.

Ai cũng giật mình khi đọc câu danh ngôn sau đây của đại thi hào Victor Hugo lên án sự lười biếng, ngại gian khổ vất vả, đó là: “Lười biếng là bà mẹ. Bà ấy có một đứa con trai là trộm cướp và một đứa con gái là sự đói rách”.

Lời dạy bảo của Victor Hugo đã có hàng trăm năm mà đến nay vẫn đúng hoàn toàn, nó soi sáng cho chúng ta mãi mãi để nhận diện ra kẻ thù độc ác nhất của con người là sự lười biếng, ngại học tập, ngại làm việc. Nó giúp ta thức tỉnh mà vươn lên, cố gắng trong từng giây từng phút khi ta còn có thể cố gắng được trong cuộc sống đầy gian nan, vất vả hàng ngày.

Thi sĩ Pháp, ông Jean de la Bruyère (1645 – 1696) đã nhìn rõ các tai hại của sự lười biếng khi ông viết: “Sự buồn chán xâm nhập vào tâm hồn ta bởi sự lười biếng”. Từ “lười biếng” mà trở thành “buồn chán” thì bệnh đã quá nặng, khó chữa. Vậy nên cần phải phòng bệnh thật mạnh, thật cương quyết để trái tim ta, tâm hồn ta không bao giờ được phép buồn, chán.

Sau khi tìm rõ được nguyên nhân làm cho con người buồn chán chính là do sự lười biếng tạo nên, cần phân tích, mổ xẻ thêm về những tác hại do việc nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi gây nên trong mọi gia đình, mọi cộng đồng dân cư.

Triết gia Lacordaire đã lên án mạnh mẽ sự nhàn rỗi khi ông viết: “Chính sự nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi là nguyên nhân của mọi sự hư hỏng”. Vì thế trong các thời gian biểu, thời khóa biểu của mọi người, mọi lứa tuổi từ trẻ đến già, lúc nào cũng phải thật khoa học, thật sát sao, không bao giờ cho phép có giờ chết, giờ ngồi không dẫn đến việc nghĩ ngợi lung tung.

Tạm chia 24 giờ trong 1 ngày như sau: 8 giờ ngủ, 8 giờ làm việc, học tập, 8 giờ tập luyện thể dục thể thao, giải trí, nghỉ ngơi thư giãn hợp lý. Ai biết cách bố trí thời gian hợp lý sẽ làm được nhiều việc mà vẫn ngủ, nghỉ, tập luyện thoải mái, có kết quả trông thấy hàng ngày. Trái lại, những người để thời gian trôi đi mà không biết tận dụng sẽ hoài phí cơ hội, hoài phí tuổi xuân một cách đáng tiếc.

Phải luôn tâm niệm trong lòng câu danh ngôn “Thời gian trôi đi, không bao giờ tìm lại được nữa” để không bao giờ cho phép con người ở bất cứ lứa tuổi nào được đánh mất thời gian quý báu trong cuộc sống của mình.

Sự chăm chỉ làm việc giúp ta tránh xa được ba cái hại lớn là: sự buồn chán, những thói hư tật xấu và sự nghèo đói.

Voltaire

Đại văn hào Pháp, ông Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) đã nghiêm khắc lên án sự nhàn rỗi, ông viết: “Những kẻ ăn không ngồi rồi là những kẻ gây khó chịu cho người khác, làm hại thì giờ của người khác”.

Nói một cách khác, đó chính là bọn ăn bám xã hội, ăn bám vào sức lao động của người khác. Đến đây đã xác định được rõ ràng là: Từ sự lười biếng, ỷ lại dẫn đến việc ăn không ngồi rồi, không chịu học tập, làm việc, cuối cùng trở thành những kẻ ăn bám xã hội, có hại cho sự phát triển chung của cộng đồng.

Vì vậy cần kiểm soát theo dõi sự nhàn rỗi, sự rong chơi, đua đòi của những đối tượng ở lứa tuổi thanh thiếu niên để có được sự lưu tâm giáo dục của gia đình, học đường và các đoàn thể xã hội. Còn ở các lứa tuổi khác thì sao?

Chính J.J.Rousseau cũng đã chỉ rõ: “Giàu hay nghèo, dù bất kỳ ở lứa tuổi nào, những ai thích nhàn rỗi, thích ăn không ngồi rồi đều là xấu xa, bất lương cả”. Điều này rất đúng và rất khoa học. Ngay cả trong các bệnh viện, các trại an dưỡng, các viện dưỡng lão người ta đều phải duy trì một chế độ tập thể dục, tập vận động, tập đi, tập đứng, tập đi bộ chậm, tập đi bộ nhanh... Tất cả đều nhằm mục đích làm cho con người không được phép trì trệ, không muốn vận động, không muốn suy nghĩ, không muốn “hoạt hóa” chính bản thân con người mình.

Ở một bệnh viện tim mạch của thủ đô nước Pháp, người ta treo một khẩu hiệu ngay cổng ra vào: “Đi bộ hay là chết” để buộc các bệnh nhân có bệnh tim mạch sau khi điều trị phải kết hợp vận động đi bộ thì cơ thể mới mong hồi phục được.

Đến đây có thể tạm sơ kết: Không bao giờ được phép lười biếng, không chịu suy nghĩ, không động não trong học tập và làm việc. Vì chỉ có chăm chỉ, cần cù, tìm tòi, nhẫn nại chúng ta mới có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Phải rèn luyện cả tâm trí lẫn thân thể hàng ngày. Tìm mọi cách để đọc sách, để học thêm lúc tuổi già để chống lão hóa, chống sa sút trí tuệ. Đây là biện pháp duy nhất để có thể có một tuổi già minh mẫn, mạnh khỏe, hạnh phúc.

Mối liên quan giữa tâm trí và thân thể con người rất mật thiết. Một danh ngôn đã viết: “Một trí tuệ minh mẫn chỉ gặp ở trong một thân thể cường tráng”. Vì thế rèn luyện thân thể chính là rèn luyện trí óc để tăng thêm thông minh và khôn ngoan.

Việt Nam ta đang già hóa dân số rất nhanh, vì thế việc duy trì rèn luyện tâm trí và thể lực phải được coi trọng mới đáp ứng được những khó khăn trong thực tế cuộc sống đang đòi hỏi.

Như vậy, con người ta ở tất cả mọi lứa tuổi, từ trẻ đến già, đều phải chống lại sự nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi, đều phải chăm chỉ hoạt động, chăm chỉ học tập, làm việc, vận động để có cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng, xã hội.

Để khép lại bài viết về việc chống lại sự nhàn rỗi trong đời sống hàng ngày, cần ghi nhớ lời dạy của bậc thầy Voltaire (1694 – 1778): “Sự chăm chỉ làm việc giúp ta tránh xa được ba cái hại lớn là: sự buồn chán, những thói hư tật xấu và sự nghèo đói”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhàn rỗi