Nhân rộng mạng lưới phân phối từ chương trình bình ổn thị trường

Thanh Giang 29/12/2022 15:27

Ngày 29/12, UBND TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2002 – 2022, định hướng giai đoạn 2022 – 2032.

Tại đây, UBND TP HCM cho biết, tổng sản lượng hàng bình ổn thị trường ngày càng lớn, chiếm lĩnh thị phần cao, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá.

Cụ thể, năm 2022, lượng hàng trứng gia cầm bình ổn thị trường chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%...

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Đánh giá cao hiệu quả của chương trình bình ổn thị trường, bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, TP HCM đi đầu thực hiện chương trình bình ổn giá với 3 hình thức tham gia: Tham gia cung ứng; Tham gia phân phối hàng hóa và tham gia hỗ trợ tín dụng.

Về mạng lưới phân phối, đến nay, thành phố có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Chương trình bình ổn thị trường ngày càng phong phú và đa dạng sản phẩm.
Người tiêu dùng muốn mua sản phẩm giá cả hợp lý, chất lượng cao.

Theo bà Phan Thị Thắng, giai đoạn 2002 – 2022, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp phát triển, hoàn thiện hạ tầng thương mại. Đến nay, hạ tầng thương mại thành phố tương đối hoàn thiện so với mặt bằng chung của cả nước.

“Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo của chương trình bình ổn thị trường là phát triển hệ thống phân phối, phủ rộng mạng lưới điểm bán hàng, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, giảm tối đa chi phí trung gian từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng”, bà Thắng chỉ đạo.

Ông Phan Văn Mãi yêu cầu chương trình bình ổn giá tăng kết nối để hình thành chuỗi cung ứng.
Ông Phan Văn Mãi yêu cầu chương trình bình ổn giá tăng kết nối để hình thành chuỗi cung ứng.

Nhận định hiệu quả chương trình bình ổn giá thời gian qua, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, chương trình bình ổn giá đã có những tác động xã hội quan trọng, góp phần tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu.

Từ nhóm mặt hàng đầu tiên là lương thực thực phẩm đến mở rộng các nhóm mặt hàng phục vụ mùa tựu trường, sữa, y tế và linh hoạt điều chỉnh, cập nhật Chương trình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phát sinh.

Chương trình bình ổn giá giúp điều tiết tốt thị trường tiêu dùng.
Chương trình bình ổn giá giúp điều tiết tốt thị trường tiêu dùng.

Lãnh đạo UBND TP HCM yêu cầu, chương trình bình ổn thị trường xây dựng vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi thời điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân rộng mạng lưới phân phối từ chương trình bình ổn thị trường