Đó là ý kiến của GS. TSKH Lê Tuấn Hoa - Viện trưởng Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), khi được hỏi về vấn đề chảy máu chất xám.
GS. TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học
(Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Theo suy nghĩ riêng của GS Lê Tuấn Hoa, trở thành các nhà khoa học thành danh thì phải có thời gian. Sau khi các bạn đạt những thành tích tốt phổ thông, ít nhất 15 năm sau mới đánh giá được. Khi đó chúng ta mới thống kê xem họ đang ở đâu. Nếu đánh đồng tất cả là biến mất thì không phải. Có khi họ đang đi học, đang ở tạm đâu đó mà chúng ta cứ nói là biến mất thì không đúng.
Nhiều nhân tài ở nước ngoài vẫn đóng góp cho đất nước
GS. TSKH Lê Tuấn Hoa chia sẻ: Gần đây chúng ta hay thảo luận nhân tài biến đi đâu, thực ra có rất nhiều các bạn trẻ có công trình rất xuất sắc, các bạn đã về nước, vốn những người làm khoa học người ta khiêm tốn không nêu ra chúng ta lại cứ tưởng rằng chạy đi đâu. Có một số bộ phận người ta đang ở nước ngoài thuận lợi hơn, nhưng cũng có một số bộ phận người ta đang về. Những giáo sư như GS Ngô Bảo Châu, có thể họ không về nước để làm việc nhưng họ có những đóng góp khác, cụ thể là thông qua các như hoạt động của Viện cao cấp về Toán…
Theo ông Hoa, các GS không cần thiết phải về hẳn, về 1 năm có khi lại phí phạm, nhưng có thể về 1 – 2 tháng, 1 – 2 tuần. “Những giáo sư như GS Vũ Hà Văn rất thường xuyên về nước. Nhiều giáo sư khác như GS Hồ Tú Bảo, GS Hoàng Hữu Tiệp cũng vậy. Hay những người trẻ như anh Lê Hùng Việt Bảo tôi cũng đặt nhiều hi vọng. Anh là 1 người xuất sắc, năm nào cũng về cả tháng trời, mà lần nào về cũng bằng tiền túi, đến viện của chúng tôi làm việc… Kể cả khi người ta không về, đang ở nước ngoài, nhưng trong thời gian đó người ta vẫn chú ý tới sự phát triển toán học của mình bằng trao đổi, có thể sau này nhận học trò – đó là những quý giá không thể đánh giá hết được”, GS. TSKH Lê Tuấn Hoa nói.
“Theo suy nghĩ riêng của tôi, dư luận nói rằng “nhân tài biến mất” là chưa chuẩn lắm. Trở thành các nhà khoa học thành danh thì phải có thời gian. Sau khi đạt các thành tích tốt phổ thông, ít nhất 15 năm sau mới đánh giá được, mới thống kê xem họ đang ở đâu. Có khi họ đang đi học, đang ở tạm mà chúng ta cứ nói là biến mất thì không đúng. Thứ hai thực sự những người làm việc tốt thì thường làm việc của người ta, người ta im lìm ở đâu đó nên kiếm tìm thông tin không dễ. Không thể kiểm soát được!”, GS Hoa nhấn mạnh.
Chảy máu chất xám không chỉ ở Việt Nam
Cũng trao đổi về vấn đề nhân tài có “biến mất” hay không, GS. TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh về cơ chế thu hút người tài. GS cho rằng: Việc “chảy máu chất xám” thì không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước, Trung Quốc, các nước đang phát triển, kể cả Châu âu cũng bị “chảy máu chất xám” sang Mỹ rất lớn.
Ngày nay việc thu hút người tài là một vấn đề rất lớn, Đảng và Nhà nước chúng ta rất chú ý đến điều này. Tôi nghĩ rằng những người tài của Việt Nam ai cũng mong muốn về để phục vụ quê hương đất nước, giúp cho đất nước, mà lại gần gũi với gia đình. Nhưng cái quan trọng phải làm sao tạo điều kiện cho họ tiếp tục phát huy. “Tôi nghĩ một mặt bản thân người đi học cũng có suy nghĩ. Phía nhà nước cũng phải làm sao tạo cơ chế, để nhân tài về nước được cống hiến và tiếp tục khoa học của họ”.
Nói về việc thu hút nhân tài, GS Nhung cho biết: Viện cao cấp về Toán, có thể nói đã có những cơ chế hoạt động hiệu quả, thu hút nhân tài Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, cũng như nhân tài thế giới: Hợp tác giữa Viện Toán của GS Ngô Bảo Châu và các cơ sở toán học ở trong nước và trên thế giới phát triển trong 5 năm vừa rồi rất tốt, nhiều sáng kiến, nhiều dạng hoạt động mới lấy hiệu quả làm đầu.
Nó có giá trị ở chỗ, không phải tất cả các nhà toán học trẻ Việt Nam đều có điều kiện ra nước ngoài. Vì thế khi những nhà toán học đoạt giải Fields, giải Abel, những gương mặt toán học nổi tiếng thế giới đến Việt Nam… sẽ là cơ hội rất tốt cho thế hệ trẻ Việt Nam, chưa có điều kiện ra nước ngoài nhưng vẫn có thể tiếp xúc được với những người nổi tiếng.
“Nhiều khi người ta nói chuyện 5 phút thôi còn hơn là đọc và làm việc trong 5 năm, nhờ những bài toán mới, sự gợi ý và đánh giá của những nhà toán học người nước ngoài nổi tiếng, người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài… Sự hợp tác đó không chỉ tốt cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học, mà đã nâng tầm giảng dạy các môn khoa học nói chung, toán học nói riêng ở các trường phổ thông và đại học” – GS Trần Văn Nhung khẳng định.