Đây là chiến dịch được phát động tại hội nghị diễn ngày 8/12.Do Bộ Y tế phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Cổng thông tin nhân đạo quốc gia (Công 1400) tổ chức, tiến hành trên đầu số 1406 với cú pháp UT. Giá trị mỗi tin nhắn ủng hộ là 12.000 đồng. Chiến dịch này bắt đầu từ 0h ngày 7/12/2015 đến 24h ngày 6/2/2016 nhằm gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư “Ngày mai tươi sáng”.
Quang cảnh hội nghị.
Trong chiến dịch này, một chương trình giao lưu nghệ thuật được diễn ra và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam sẽ diễn ra vào 20h, ngày 14/12 tới tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8, Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện nay nước ta có khoảng 125.000 người mắc mới bệnh ung thư/năm. Ung thư là một trong 4 loại bệnh không lây nhiễm nguy hiểm và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có đến 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Hầu hết các bệnh không lây nhiễm đều có chung các yếu tố nguy cơ về hành vi, lối sống.
Quỹ hỗ trợ bệnh nhân bị ung thư Ngày mai tươi sáng tặng quà
trẻ em bị ung thư có hoàn cảnh khó khăn tại hội nghị.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, có đến 80% bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường typ 2 và 40% bệnh ung thư có thể phòng được bằng thực hiện lối sống lành mạnh như: Không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, sử dụng dinh dưỡng hợp lý và vận động thân thể thường xuyên…
Bộ Y tế tham mưu, Chính phủ đã phê duyệt một Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Theo đó, phải thực thi hiệu quả Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu và bổ sung, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát các nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng chống bệnh không lay nhiễm. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông, vận động xã hội, tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế…
Trong việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm, một trong những việc được Bộ Y tế hết sức coi trọng là công tác chăm sóc giảm nhẹ. Năm 2014, Hội đồng Y tế thế giới ban hành một nghị quyết về vấn đề này và nhấn mạnh: “Đây là bổn phận đạo đức nhân viên y tế để làm giảm bớt đau đớn về thể chất, tâm lý và tinh thần, bất luận là bệnh hay tình trạng có thể được chữa khỏi hay không. Đó còn là bổn phận của hệ thống y tế…”.
Bộ Y tế cụ thể hóa: Đó là sự kết hợp nhiều biện pháp để làm giảm sự chịu đựng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh thông qua phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị đau đớn cũng như các vấn đề về tâm lý và thực thể khác. Tổ chức Y tế thế giới WHO cho rằng có 4 trụ cột chăm sóc toàn diện ung thư: Phòng ngừa, chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ. WHO nhấn mạnh: Không có sự phân chia giữa chăm sóc giảm nhẹ và điều trị bệnh.