Hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị quyết hỗ trợ 4 nhóm đối tượng trình Chính phủ quyết định. Cơ quan soạn thảo đề xuất hỗ trợ khoảng 127 tỷ đồng (từ nhiều nguồn) cho 4 nhóm đối tượng: Lao động nữ là F0 mang thai hoặc sinh con nhỏ, nữ nhân viên y tế tuyến đầu, trẻ mồ côi và Mẹ Việt Nam anh hùng.
Cụ thể, các lao động nữ là F0 đang mang thai hoặc sinh con (tính từ 23/1/2021 đến 31/12/2021) được hưởng 2 triệu đồng/người. Dự kiến, khoảng 2.000 trường hợp sẽ được thụ hưởng với tổng kinh phí 4 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Hơn 4.600 bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa trung ương.
Dự kiến có 80 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ được hỗ trợ 20 triệu đồng/cháu, 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ nhận 5 triệu đồng/cháu. Kinh phí hơn 14 tỷ đồng trích từ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam. Theo thống kê, ở làn sóng dịch lần này có hơn 2.600 trẻ mồ côi, phần lớn ở các địa phương phía Nam: TP Hồ Chí Minh (1.584), Bình Dương (233), Long An (85)...
Đặc biệt, các nữ nhân viên y tế tuyến đầu cũng thuộc đối tượng ưu tiên trong lần hỗ trợ này. Đó là những người có chức danh nghề nghiệp chuyên môn y tế, sinh viên, học sinh thuộc khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách làm việc tại nơi thực hiện Chỉ thị 16, cơ sở điều trị, tiếp nhận bệnh nhân (từ 1/5 đến 31/12).
Mỗi nữ nhân viên y tế tuyến đầu thuộc diện hỗ trợ sẽ được hưởng mức 1 triệu đồng/người. Sẽ có khoảng 100.000 trường hợp được hưởng hỗ trợ với kinh phí dự kiến khoảng 100 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Có thể nói đây là sự quan tâm thiết thực của Chính phủ dành cho chị em phụ nữ bởi sự cống hiến vất vả của họ trong thời gian dịch bệnh.
Lý giải về đề xuất này, Bộ LĐTBXH khẳng định, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như thời gian qua, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do cách ly xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc, cần sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước để xoa dịu nỗi đau.
Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng, đề xuất này rất cần thiết với “phái yếu” bởi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm lao động nữ. Nhiều phụ nữ mang thai, sinh và nuôi con nhỏ thiếu hụt dinh dưỡng, dịch vụ chăm sóc y tế do giãn cách kéo dài. Tới đầu tháng 10, Covid-19 đã khiến tỷ lệ lao động nữ tự làm hoặc lao động gia đình tăng gấp đôi.
Bộ LĐTBXH nhận định, sau mỗi lần dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi, học sinh quay lại trường học, cả nam giới và phụ nữ đều tăng số giờ làm việc để bù đắp thu nhập bị mất trước đó do phải giãn cách xã hội. Song, phụ nữ thường phải làm thêm nhiều giờ hơn nam giới. Điều này khiến gánh nặng kép của họ trở nên quá tải.
Nếu được Chính phủ thông qua và ban hành nghị quyết, rất nhiều phụ nữ chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ thiết thực, giúp giảm nhẹ phần nào gánh nặng vốn đã trĩu đôi vai gầy của họ. Dù số tiền hỗ trợ chưa nhiều, nhưng là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho chị em phụ nữ để họ có thêm sức mạnh kiên cường chống dịch.
Dư luận xã hội đánh giá cao đề xuất của Bộ LĐTBXH, đồng thời hy vọng gói hỗ trợ sẽ phần nào an ủi, động viên được những đứa trẻ mồ côi, những phụ nữ quên mình nơi tuyến đầu chống dịch. Sự nhân văn đã được Bộ LĐTBXH hiện thực hóa bằng đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, chứ không còn là những lời hô hào suông.
Như vậy là vấn đề an sinh xã hội hậu Covid-19 đã và đang được các cơ quan tham mưu làm rất tốt. Từ đó niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày càng tăng lên. Có sự ủng hộ, hậu thuẫn của các tầng lớp nhân dân, lo gì không chiến thắng “giặc dịch”.