Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định: Kết quả học tập của học sinh (nhất là lứa tuổi tiểu học) bị ảnh hưởng sâu sắc bởi không khí lớp học, đặc biệt từ những lời nhận xét của giáo viên… Điều đó đã được chứng minh qua thực tế ở nhiều học sinh, nhiều trường học.
Chị Nguyễn Thị Thủy, có con học lớp 1 Trường Tiểu học Ngôi Sao (Hà Nội) cho biết, con chị hơi nhút nhát nên khi đọc bài thường không tự tin. Biết đặc điểm của con, cô giáo hay gọi con đọc bài để khích lệ, đồng thời luôn nhận xét con: “Con đọc tình cảm nhưng cần đọc to, rõ ràng hơn”. Qua những khích lệ của cô, con gái chị đã dần dần tự tin hơn. Những lần sau được cô gọi lên bảng hay đứng tại chỗ đọc bài đều đọc to, rõ ràng, về nhà cũng rất thích đọc sách…
Tương tự như vậy, chị Phạm Thị Mai có con học tại một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Con chị rất sợ học Toán. Mỗi lần làm Toán là tính rất lâu, thường hoàn thành bài xong sau nhiều bạn trong lớp. Ban đầu vì sợ môn Toán mà con không muốn đến lớp. Nhưng nhờ có cô giáo kèm cặp, hướng dẫn con nhiệt tình, đặc biệt là không dùng những lời lẽ nặng nề để nhận xét con nên con đã cải thiện được hơn nhiều. Mỗi lần con tính nhanh, biết cách giải Toán là cô giáo lại khen “con học tiến bộ”, “con biết cách làm bài” nên con rất vui. Những tiết Toán không còn là nỗi lo sợ mỗi khi con đến lớp nữa…
Theo các chuyên gia tâm lý, yêu cầu của nền giáo dục mới đòi hỏi giáo viên phải học cách nhận xét tích cực người học; sử dụng công cụ đánh giá đa dạng (câu hỏi, tình huống, bài tập, trò chơi…), đặc biệt là đánh giá thường xuyên, chú ý phân hóa từng học sinh. Nếu không sẽ không tạo ra sự công bằng, không vì sự tiến bộ của người học. Việc đánh giá thường xuyên nhằm mục đích phát hiện lỗi, sai sót, thiếu hụt… cả sự tiến bộ, sáng tạo của mỗi học sinh nhằm cải tiến, điều chỉnh các hoạt động, kế hoạch dạy học, không nhằm phân loại, xếp hạng học sinh.
Với các học sinh, thầy cô luôn được xem là “hình mẫu”, mỗi lời nhận xét của các giáo viên đều sẽ được các em ghi nhớ. Bởi thế, việc nhận xét học sinh như thế nào, nhận xét qua hình thức nào… luôn cần được các thầy cô giáo chú trọng.
Cô giáo Cao Thị Dung, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) đã từng nhận được rất nhiều sự yêu mến của các phụ huynh và học sinh khi có những sáng tạo trong cách nhận xét, đánh giá học sinh của mình. Thay vì những bản thông báo kết quả học tập kèm nhận xét học sinh in đen trắng giản dị, cô Dung đã thực hiện những phiếu nhận xét với thiết kế tươi vui và phần đánh giá học sinh khá kỹ càng. Mẫu phiếu gồm hai phần, một bên là lời nhận xét, một bên là ảnh kèm ưu điểm của học sinh. Phần ảnh của học sinh, cô xin từng phụ huynh chứ không tự chụp đồng loạt ở lớp.
Việc xin ảnh diễn ra bí mật giữa giáo viên và phụ huynh nên khi nhận được phiếu nhận xét, các học sinh đã vô cùng thích thú. Nói về cách nhận xét học sinh, cô Dung chia sẻ: Phải nhận xét sao cho đúng với học sinh, nhưng cũng phải để học sinh không sợ, ngại đến lớp. Rồi về cơ bản, nhiều em cũng có những đặc điểm giống nhau nên mình phải viết sao cho những phụ huynh nếu xem phiếu của nhau cũng không bảo mình là “copy and paste”…
Có thể thấy, để việc đánh giá thường xuyên, đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ học sinh đạt được hiệu quả tích cực, giáo viên cũng cần cân nhắc để có những nhận xét, phù hợp, thỏa đáng, tạo sự hứng khởi cho học sinh mỗi khi đến lớp.