Quốc hội

Nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định để hình thành thành phố Nam Định mới

Việt Thắng 23/07/2024 12:13

Ngày 23/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang.

Trước khi tiến hành thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nam Định không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp và có 44 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tỉnh Nam Định đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 2 ĐVHC cấp huyện (thuộc diện khuyến khích và liền kề) và 79 ĐVHC cấp xã (44 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 2 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 31 đơn vị liền kề).

Cụ thể, tỉnh xây dựng phương án đối với cấp huyện nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định để hình thành thành phố Nam Định mới. Đối với cấp xã, tỉnh xây dựng 28 phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, trong đó có 25 phương án nhập 3 đơn vị thành 1 đơn vị mới; 1 phương án nhập 2 đơn vị thành 1 đơn vị mới và 2 phương án thành lập phường trên cơ sở nguyên trạng xã.

Sau sắp xếp, giảm 1 ĐVHC cấp huyện (từ 10 đơn vị xuống còn 9 đơn vị) và giảm 51 ĐVHC cấp xã (từ 226 đơn vị xuống còn 175 đơn vị).

Đối với tỉnh Tuyên Quang, theo bà Trà, tỉnh có 2 xã thuộc diện sắp xếp (gồm: Xã Hồng Lạc và xã Vân Sơn thuộc huyện Sơn Dương). Tỉnh xây dựng phương án nhập 2 xã Hồng Lạc và Vân Sơn thành xã Hồng Sơn mới. Sau sắp xếp giảm 1 xã (từ 138 đơn vị xuống 137 đơn vị).

Còn tỉnh Sóc Trăng có 1 ĐVHC cấp huyện (huyện Cù Lao Dung) và 1 ĐVHC cấp xã (phường 1 thuộc thành phố Sóc Trăng) thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025. Tỉnh đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với huyện Cù Lao Dung do có vị trí biệt lập (là huyện cù lao), khó tổ chức giao thông thuận lợi kết nối với ĐVHC liền kề; xây dựng phương án nhập Phường 1 với Phường 9 để thành lập Phường 1 (mới) thuộc thành phố Sóc Trăng. Sau sắp xếp giảm 1 phường (từ 109 đơn vị xuống còn 108 đơn vị).

Thẩm tra vấn đề trên, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về cơ bản, các ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp đều được Chính phủ, chính quyền địa phương xây dựng phương án cụ thể. Các ĐVHC được hình thành sau sắp xếp cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của ĐVHC theo quy định và yêu cầu của việc sắp xếp. Các địa phương cũng đã chủ động phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư vàcó phương án bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp. Sau khi thực hiện sắp xếp tại 3 tỉnh này, đã giảm được tổng số 1 ĐVHC cấp huyện và 53 ĐVHC cấp xã.

Tán thành với tờ trình và báo cáo thẩm tra, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, từ nay đến tháng 9 phải cho ý kiến với 53 địa phương. Trong đó có địa phương sáp nhập nhiều tới 79 xã, nhưng có địa phương chỉ có 1 xã. Do đó làm sao phân loại đối với địa phương sắp xếp nhiều ĐVHC có thể cho họ thêm thời gian để hoàn thiện, cho ý kiến. Trong sắp xếp cần chú ý đến vấn đề tên của các đơn vị sau sáp nhập như: lấy ý kiến của người dân, quan tâm các yếu tố lịch sử.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã được chỉ đạo quyết liệt trong cả hệ thống chính trị, được các địa phương nỗ lực quyết tâm thực hiện. Nhưng thực sự đây là việc khó, hết sức phức tạp. Cho nên đến nay đã tiếp nhận 32/54 địa phương nằm trong diện sắp xếp nộp hồ sơ về Bộ. Hiện Chính phủ đang cho ý kiến 2 địa phương. Hiện Bộ Nội vụ cũng đang thẩm định xong 12 địa phương, tổ chức khảo sát và tiếp nhận hồ sơ 15 địa phương. Như vậy tiến độ yêu cầu rất gấp nhưng đến nay mới đạt 32/54 địa phương.

202407231004136380_dsc_4260.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, song song với việc sắp xếp cần đánh giá kỹ lại việc thời gian vừa qua sắp xếp các ĐVHC. Theo đó, dư luận nói việc sắp xếp làm sao đảm bảo tiết kiệm ngân sách nhà nước, một số đơn vị nhập lại thì trụ sở, cơ quan cũ cần tính toán, thanh lý như thế nào để không lãng phí. “Bây giờ có nhiều trụ sở, cơ quan, đơn vị cấp xã, phường sau khi sáp nhập còn để trống chưa có sử dụng, bán, thanh lý. Cái này phải phối hợp với địa phương thúc đẩy, tính toán, không để cơ quan này không sử dụng nhiều tháng, nhiều năm, để trâu, bò, gà, vịt vào”-Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và yêu cầu đây là vấn đề cần xử lý dứt điểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, đối với đơn vị sắp xếp nhiều thì hội đồng thẩm định phải đi khảo sát cụ thể, từng xã, từng huyện để sắp xếp có sự đồng thuận trong nội bộ và Nhân dân. Phải tăng cường đi khảo sát nắm tình hình nhiều hơn, thà làm chậm mà chắc để tạo sự đồng thuận trong cán bộ đảng viên và trong Nhân dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần quan tâm bộ máy sau sắp xếp, số dư, số phải giải quyết chế độ chính sách như thế nào, làm tốt công tác chính trị tư tưởng. Quan tâm sắp xếp, bố trí các chức danh chủ chốt để ổn định tổ chức bộ máy ĐVHC hành thành sau sắp xếp để chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp vào năm 2025, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào năm 2026 và bầu cử Quốc hội khoá XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. “Vấn đề mà tôi quan tâm nhất chính là cán bộ. Chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức, tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC tránh gây lãnh phí về tài sản công nhà nước”-Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại phiên họp, với 100% các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 Nghị quyết gồm: Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tỉnh Nam Định; Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tỉnh Sóc Trăng; Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tỉnh Tuyên Quang.

Các Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/9/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định để hình thành thành phố Nam Định mới