Nhập khẩu từ Trung Quốc và Asean: Cơ hội đi cùng thách thức

Thanh Giang 18/07/2017 08:35

Nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Asean tăng cao nhưng hoàn toàn an tâm vì nền kinh tế đang nhập khẩu những mặt hàng cần thiết phụ vụ cho sản xuất, không ngại vấn đề hàng nhập chèn ép sản xuất trong nước.

Thép là một mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu khá cao.

An tâm với nhập khẩu

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng ước đạt 18 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Tổng cục Hải quan cũng thông tin về kết quả nhập khẩu hàng hóa trong các năm, kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 5 tháng 2017 đạt 53,98 tỷ USD, chiếm 65,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Tại TP HCM, khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng 56,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của 6 tháng 2017, với tổng giá trị 9,85 tỷ USD, tăng 10,27%. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 43,8%, kim ngạch nhập khẩu, tương đương 7,68 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo của Sở Công thương TP HCM, tình hình xuất nhập khẩu có dấu hiệu sẽ tăng trưởng khá trong các tháng còn lại của năm 2017 này. Còn như thống kê của Sở Công thương tỉnh Tây Ninh, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh ước đạt 1.337 triệu USD, tăng 41,8% so với cùng kỳ.

Bộ Công thương cho rằng, nhập khẩu tăng nhưng chỉ tập trung vào các nhóm hàng cần thiết như: trang thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu sản xuất hàng hóa... Các chuyên gia kinh tế khẳng định, dù nhập khẩu tăng nhưng có thể an tâm vì chỉ nhập khẩu những mặt hàng cần thiết không lo ngại vấn đề hàng nhập chèn ép sản xuất trong nước. Ngoài ra, nhập khẩu nguyên liệu tăng cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang đẩy mạnh sản xuất.

Tại TP HCM, nhóm hàng cần thiết phải nhập khẩu chiếm tỷ trọng đến 77%, với kim ngạch đạt 13,5 tỷ USD, tăng 22,2%. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu như: vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày chỉ tăng ở mức thấp nhưng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng liên quan đến nguyên phụ liệu trên như dệt may, giày dép vẫn tiếp tục tăng. Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp từng bước tận dụng và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước.

Châu Á vẫn là thị trường chính

Mặc dù nhiều tỉnh nhập khẩu với các mặt hàng khác nhau vì đặc thù sản xuất của từng địa phương song tình hình nhập khẩu của các tỉnh có điểm chung là thị trường nhập khẩu chủ yếu tập trung tại khu vực Châu Á. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam ở 5 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 22 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều mặt hàng nhập từ Trung Quốc có kim ngạch tỷ đô hầu hết là cung ứng cho sản xuất các ngành trong nước như: vải các loại 2,3 tỷ USD; sắt thép 1,88 tỷ; máy vi tính và sản phẩm điện tử cùng linh kiện 2,6 tỷ USD; nhóm máy móc thiết bị và dụng cụ có kim ngạch nhập khá cao đến 4,4 tỷ USD.

Đứng sau Trung Quốc, thị trường nhập khẩu khá nhiều phải kể đến Hàn Quốc. 6 tháng đầu năm xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 6,6 tỷ USD, tăng 29,1%. Các thị trường nhập khẩu nhiều tiếp theo là khu vực Asean đạt 11,1 tỷ USD, tăng 16,6%. Ngoài ra, nhập khẩu từ Nhật Bản cũng tăng 15,5%, đạt 6,5 tỷ USD; nhập từ EU tăng 13,9%, đạt 4,6 tỷ USD; nhập từ Hoa Kỳ tăng 22%, đạt 3,8 tỷ USD. Sở Công thương Tây Ninh cũng thống kê, các nước Châu Á chiếm tỷ trọng cung ứng 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của toàn Tỉnh này như các thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia và Hàn Quốc...

Dự báo của các bộ ngành và chuyên gia kinh tế, thời gian tới kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao do chúng ta có ký kết hiệp định thương mại song phương và đa phương. Đặc biệt, việc thành lập Công đồng kinh tế Asean (AEC) cũng hứa hẹn nhiều cơ hội dành cho hàng hóa nhập nhập của các nước trong khu vực vào Việt Nam. Bộ Công thương nhận định, Asean là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 3 cho Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhìn chung, trong quan hệ thương mại với Asean, Việt Nam là nước đang nhập siêu.

Nói về thị trường Asean, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao từng nhấn mạnh, khi AEC chính thức có hiệu lực tình hình xuất nhập khẩu ít nhiều có sự thay đổi. Chắc chắn nguyên liệu và hàng hóa các nước này sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam nhiều hơn. Nghĩa là, doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp cận được với nguồn nguyên liệu có chi phí rẻ hơn, từ đó cải thiện về chi phí sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Bên cạnh cơ hội trên, doanh nghiệp Việt phải đối diện không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhập khẩu từ Trung Quốc và Asean: Cơ hội đi cùng thách thức