Thiết bị sử dụng dòng điện yếu để khuếch đại giả tạo mùi vị của muối, như một phần của nỗ lực giảm độ mặn trong các món ăn phổ biến của người dân Nhật Bản.
Thực khách ở Nhật Bản có thể sớm thưởng thức vị ‘umami’, có thể được hiểu là ‘vị ngọt thịt’, hoặc ‘vị ngon’, của một bát mì ramen hoặc súp miso mà không phải lo lắng về lượng muối sẽ hấp thụ vào cơ thể.
Trong các nhà nghiên cứu đã công bố trước thế giới, họ đã phát triển ra loại đũa tạo được vị muối một cách nhân tạo, như một phần trong nỗ lực giảm mức natri – hợp chất muối, trong một số món ăn phổ biến nhất của đất nước.
Loại đũa ‘điện’ này hoạt động bằng cách sử dụng kích thích điện và một máy tính mini đeo trên cổ tay của người ăn.
Theo Homei Miyashita, giáo sư tại Đại học Meiji ở Tokyo, người có phòng thí nghiệm hợp tác với nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống Kirin để phát triển thiết bị đũa ‘điện’, thiết bị này sẽ truyền các điện tích natri từ thức ăn, qua đũa, đến miệng, nơi chúng tạo ra cảm giác mặn cho người ăn.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tinh chỉnh mẫu thử nghiệm và hy vọng sẽ ra mắt sản phẩm đũa tới người tiêu dùng toàn cầu vào năm sau.
Loại phát minh này có thể dễ dàng tìm thấy đối tượng tiếp cận ở Nhật Bản, nơi người dân thường có truyền thống ăn những món ăn nhiều muối do sử dụng các nguyên liệu mặn như miso và nước tương.
Những người lớn tuổi ở Nhật Bản trung bình tiêu thụ khoảng 10 gam muối mỗi ngày, gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Bộ Y tế Nhật Bản đã đề xuất giảm lượng muối ăn hàng ngày xuống còn tối đa 7,5 gam đối với nam giới và 6,5 gam đối với nữ giới.
Đũa ‘điện’ sử dụng “luồng điện rất yếu, ở mức không để ảnh hưởng đến cơ thể con người, để điều chỉnh chức năng của các điện tích như natri clorua (muối) và natri glutamat (bột ngọt hoặc mì chính), nhằm thay đổi nhận thức về mùi vị bằng cách làm cho thức ăn có vẻ mặn hơn hoặc nhạt hơn”, nhà sản xuất Kirin nói trong một tuyên bố.
Giáo sư Miyashita và nhà sản xuất Kirin cho biết các thử nghiệm lâm sàng trên những người theo chế độ ăn ít muối natri đã xác nhận rằng, thiết bị này giúp tăng vị mặn của thực phẩm ít muối lên khoảng 1,5 lần. Họ cho biết những người tham gia được cho ăn súp miso ít muối đã nhận xét về sự cải thiện “độ đậm đà, vị ngọt và hương vị tổng thể” của món ăn.
Ăn nhiều muối có thể góp phần làm tăng huyết áp, đây là nguyên nhân lớn nhất gây ra các cơn đau tim và đột quỵ.
Nhà nghiên cứu Ai Sato của nhà sản xuất Kirin cho biết: “Để ngăn ngừa những căn bệnh này, chúng ta cần giảm lượng muối ăn vào cơ thể. Nếu chúng ta cố gắng tránh dùng ít muối hơn theo cách thông thường, chúng ta sẽ phải chịu đựng nỗi đau khi buộc phải bỏ những món ăn yêu thích khỏi chế độ ăn uống của mình hoặc chịu đựng việc ăn thức ăn quá nhạt nhẽo”.
Phòng thí nghiệm của giáo sư Miyashita hiện đang khám phá những cách khác mà công nghệ có thể được sử dụng để thu hút các giác quan còn lại. Họ cũng đã phát minh ra màn hình TV có thể liếm và cảm nhận được hương vị của nhiều loại thực phẩm khác nhau.