Nhất cử lưỡng tiện

Lê Anh Đức 06/01/2017 10:20

Ngân hàng Nhà nước khẳng định Tết năm nay (Xuân Đinh Dậu - 2017) sẽ không in tiền mới có mệnh giá nhỏ, tiết kiệm được gần 400 tỷ đồng. Và theo cách cộng dồn của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì từ khi thực hiện chủ trương không in tiền mệnh giá nhỏ trong dịp Tết (2013) tới nay đã tiết kiệm được khoảng 1.900 tỷ đồng. Chủ trương này không chỉ giúp tiết giảm chi phí phát hành tiền, mà còn là nỗ lực để xóa bỏ hủ tục cúng lễ bằng tiền mặt tại các lễ hội. Đây đúng là nhất cử lưỡng tiện!

Nhất cử lưỡng tiện

Ảnh minh họa.

Tránh tình trạng dù không in thêm tiền mới có mệnh giá nhỏ, nhưng ngoài “chợ đen” vẫn không thiếu loại tiền này để đổi cho người có nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các ngân hàng thương mại không được đưa vào lưu thông các loại tiền mới in còn nguyên seri (nếu còn tồn kho) có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống. Việc “phòng xa” này hoàn toàn có cơ sở, bởi năm 2013 dù không in tiền 500 đồng, năm 2014 không in tiền 1.000 -2.000 đồng, năm 2015 không in tiền 5.000 đồng, nhưng vẫn không thiếu các cọc tiền mệnh giá nhỏ nguyên seri lưu thông trên thị trường.

Trong nỗ lực nâng cao nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong các lễ hội, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố báo cáo UBND cùng cấp và phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại các khu di tích đền, chùa, lễ hội hoặc kinh doanh trên mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình lưu thông tiền tệ, đến văn hóa và hình ảnh của đồng tiền Việt Nam.

Nghiêm cấm cán bộ ngân hàng tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó...

Mặc dù cấm lưu hành các loại tiền mệnh giá nhỏ còn nguyên seri, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng đã có giải pháp cân đối để tránh tình trạng khan hiếm tiền lẻ lưu thông trên thị trường.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định cơ quan này vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng, đạt tiêu chuẩn lưu thông đảm bảo đủ cung ứng cho nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và các năm tiếp theo. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế tối đa việc gài gốc cây, tay Phật... những đồng tiền mới “kính coong” gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Cũng không phải vì không in thêm tiền mới mà dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền mặt lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán. Ngân hàng Nhà nước đã lệnh cho các đơn vị trực thuộc, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt dẫn đến phải hoãn chi, đặc biệt là đối với các đối tượng trợ cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp...

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đảm bảo hệ thống ATM thông suốt, nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động, để người dân thuận tiện trong việc rút tiền mặt tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Tại các tỉnh, thành phố lớn có khu công nghiệp tập trung đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, các ngân hàng thương mại ngoài việc chuẩn bị tốt hệ thống ATM, cần tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt để mọi người dân đều có thể thuận lợi rút tiền mặt một cách nhanh chóng, tránh tình trạng quá tải hệ thống ATM.

Trở lại câu chuyện nỗ lực xóa bỏ thói quen xấu của không ít người khi đi lễ đền, chùa, miếu mạo là dùng tiền mặt “rải mành mành” để cầu thăng quan tiến chức, “tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt”...

Có cung ắt có cầu, khi còn nhiều người cuồng tín cứ nghĩ rằng đặt lễ, “hối lộ” thần Phật thật nhiều sẽ càng được nhiều lộc thì đương nhiên vẫn còn tồn tại dịch vụ cung cấp đổi tiền.

Trong những năm qua, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nghiêm cấm dịch vụ đổi tiền lẻ kiếm lời, nhưng xem đều như muối bỏ biển.

Dù người dân không có tiền mới để mừng tuổi chúc thọ ông, bà, cha, mẹ, chúc phúc con, cháu... nhưng ngoài “chợ đen” vẫn ê hề các loại tiền mệnh giá nhỏ “mới cứng”, với dịch vụ đổi mười ăn tám, mười ăn chín.

Không nói ra thì ai cũng biết vì đâu mà khi Ngân hàng Nhà nước không in tiền 500 đồng (năm 2013), 1.000 đồng (năm 2014), 5.000 đồng (năm 2015) mà những người làm nghề đổi tiền lẻ vẫn có vô khối.

Dễ hiểu thôi, những thếp tiền nguyên seri ấy từ ngân hàng mà ra chứ còn từ đâu nữa, hay nói cụ thể hơn là do các cán bộ ngân hàng đã tuồn ra cho họ. Đương nhiên là họ sẽ không phạm tội gì cả, bởi Ngân hàng Nhà nước chỉ không in tiền thôi chứ có cấm đưa tiền mới vào lưu thông trong thị trường tiền tệ đâu. Và thế là có bao nhiêu tiền mới tồn kho, tích trữ được từ đầu năm lập tức được đưa vào lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán.

Nay thì hết rồi, Ngân hàng Nhà nước không chỉ không in tiền mới mệnh giá nhỏ, mà còn cấm các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại đưa tiền mệnh giá nhỏ còn nguyên seri vào lưu thông trên thị trường.

Các cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng không còn dám tiếp tay, tuồn tiền mới ra ngoài cho những người làm dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch nếu không muốn bị truy cứu trách nhiệm.

Động thái trên của Ngân hàng Nhà nước có thể nói là “nhất tiễn song điểu”, vừa tiết kiệm được chi phí phát hành tiền, dành để đầu tư vào những việc hữu ích khác, vừa là bước đột phá đánh vào hủ tục lạc hậu, gây phản cảm tại các lễ hội trong những năm qua. Đúng là nhất cử lưỡng tiện!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhất cử lưỡng tiện