Người dân, báo chí phản ánh, thành phố đã chỉ đạo… nhưng những bãi rác tự phát vẫn tồn tại, vừa mất mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường nhiều nơi ở Hà Nội.
Dai dẳng tồn tại
Cứ 3 ngày một lần, chị Nguyễn Thị Mai vẫn thường đến vỉa hè đoạn đường từ ngã tư Mạc Thái Tổ - Nguyễn Quốc Trị đến điểm giao cắt với đường Phạm Hùng thu gom phế liệu. Chị Mai cho biết: “Vài ngày là lại có rác mới, trong đó có cả phế liệu xây dựng lẫn rác thải sinh hoạt nên tôi hay qua đây để nhặt sắt vụn đem bán. Bãi rác này đã từ lâu rồi nhưng chưa thấy có đơn vị nào đến xử lý mà vẫn để như vậy thời gian dài. Nhiều khi người ta còn đốt rác vào chiều tối”.
Người dân trong khu vực cho biết, vỉa hè của đoạn đường dài khoảng hơn 100m trên con phố này thường ngập rác thải. Rác chất cao thành một lớp dày từ 0,5 đến 1m. Trong đó có cả gạch đá, vật liệu xây dựng lẫn với rác thải sinh hoạt của người dân. Cá biệt có những ngày rác nhiều đến nỗi tràn ra cả lòng đường. Nhiều mảnh kính, thuỷ tinh vỡ cũng bị vứt tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với người đi đường.
Bãi rác tự phát này đã tồn tại một thời gian dài nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ông Nguyễn Tiến An, người dân sống ở chung cư Nam Trung Yên gần đó bức xúc: “Cả một đoạn đường lớn như vậy mà vỉa hè tràn lan rác thải trông rất khó coi. Chưa kể những ngày mưa ẩm hay những lúc người ta đốt rác, mùi bốc lên kinh khủng, không thể chịu nổi. Thế nhưng, lạ một cái là cũng không hề có đơn vị nào đến thu gom”.
Những người dân sinh sống quanh đây cho biết, lợi dụng đoạn đường vắng vẻ, ít người qua lại nên việc đổ trộm rác thải diễn ra khá thường xuyên. Những dòng chữ trên tấm tôn dựng ở vỉa hè như “Cấm đổ rác”, “Đổ rác thải phạt từ 1 - 2 triệu”… như vô tác dụng. Trong khi đường Mạc Thái Tổ đã từng là một trong những công trình sạch đẹp được thi công nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại đoạn đường ngõ 76 An Dương kéo dài (phường Yên Phụ, Tây Hồ). Cả một con đường đất dài hơn 1km nối ngõ 76 An Dương đến khu vực bãi giữa sông Hồng cũng bất đắc dĩ trở thành bãi tập kết rác thải từ nhiều năm. Hàng chục hộ dân sống quanh khu vực này hàng ngày phải đối diện với mùi hôi thối bốc lên và mùi khét lẹt của những lần đốt trộm rác. Không những vậy, con đường đất tại đây cũng thường xuyên phải hứng chịu nước thải rỉ ra từ bãi rác, trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi đi qua khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Thành, người dân sinh sống tại đây than thở: “Không biết người ở đâu và rác ở đâu từ mọi nơi mang lại đến đây để tập kết. Sống cạnh đây chỉ biết đóng kín cửa cả ngày vì ruồi nhặng và mùi hôi thối. Do không thể chuyển đi đâu nên mới phải đành chấp nhận ở đây thôi”.
Người dân ở đây cho biết, thi thoảng lại có đoàn thanh niên tình nguyện đến thu gom rác nhưng chỉ “như muối bỏ biển” rồi đâu lại vào đấy. Ngoài ra, không có đơn vị vệ sinh môi trường nào đứng ra thu gom. Người dân chỉ biết khắc phục trước mắt bằng việc đốt rác vào những ngày nắng khô.
Không chỉ đổ lỗi cho ý thức
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về việc “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Một trong những nội dung đáng chú ý của Chỉ thị là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương; tăng cường cơ chế tự quản cộng đồng trong quản lý đô thị.
Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn TP phải rà soát, sắp xếp, tiêu chuẩn hóa hệ thống biển hiệu, quảng cáo ngoài trời, quản lý vỉa hè, lòng đường… tránh để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải tại khu vực đô thị và các vùng lân cận; tăng cường chế tài xử lý nghiêm hành vi vứt rác, xả rác trên đường phố, nơi công cộng. Thành phố cũng yêu cầu, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng thì để tình trạng hàng loạt bãi rác, điểm tập kết rác thải tự phát tồn tại thời gian dài không thể chỉ đổ lỗi cho ý thức người dân.
“Những bãi rác thải tự phát này đã nhiều lần được phản ánh, người dân cũng kêu ca rất nhiều nhưng vẫn chưa được xử lý. Những bãi rác lớn như vậy mà vẫn tồn tại giữa lòng thành phố lâu nay thì trách nhiệm còn phải đặt câu hỏi với công ty thu gom và xử lý rác thải”- bà An nói và thêm rằng thành phố đã phân cấp xử lí.
Vậy tại sao những bãi rác tồn tại lâu năm như vậy đến nay vẫn chưa được giải quyết? Rõ ràng cần phải làm rõ trách nhiệm và công khai để xử lí. Không những vậy, sau khi làm rõ trách nhiệm và yêu cầu xử lý, cần đặt thời hạn nhất định để giải quyết, tránh tình trạng quyết định chỉ nằm trên giấy.
Những bãi rác tự phát này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và gây mất mỹ quan đô thị. Và thật đáng buồn, khi chúng ta hàng ngày vẫn nói nhiều về ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp nhưng ngay giữa một đô thị lớn, những bãi rác vẫn cứ mọc lên.