Đỗ Đức Thuận, Bí thư Chi đoàn thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) là 1 trong 8 Bí thư chi đoàn xuất sắc tiêu biểu của thủ đô vừa được vinh danh trong tháng 3 này. Sinh ra ở vùng quê có những thuận lợi về nông nghiệp, từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thuận đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp về mô hình Hợp tác xã thanh niên vừa sản xuất tiêu thụ rau vừa kết hợp gắn liền với tham quan mô hình sinh thái.
Ý tưởng này của Thuận đã nhận được sự đồng tình của đông đảo thanh niên địa phương, và đang trong quá trình hoàn thiện.
PV: Được biết, Thuận đang có ý tưởng khởi nghiệp khá hay cho chi đoàn thanh niên tại địa phương về một mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái khá mới mẻ. Bạn có thể chia sẻ rõ hơn về ý tưởng này không?
Đỗ Đức Thuận: Mình đang tham gia Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân. Rất nhiều đài báo đã đưa tin về rau hữu cơ Thanh Xuân rồi. Đây là vùng sản xuất rau hữu cơ với nguyên tắc “5 không” trong sản xuất: Không bón phân hóa học; không phun thuốc bảo vệ thực vật; không phun thuốc kích thích sinh trưởng; không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng sản phẩm biến đổi gen. Nếu mà nhân rộng được, mình đang có ý tưởng sẽ phát triển mô hình HTX này theo hướng HTX thanh niên kết hợp sản xuất tiêu thụ rau gắn liền với tham quan mô hình sinh thái. Mô hình này tuy không phải là quá mới mẻ, nhưng chưa có nhiều. Địa phương mình lại có nhiều lợi thế về nông nghiệp, quy trình làm đảm bảo sẽ mang lại sự tin tưởng tuyệt đối cho người sử dụng. Nên mình tin cách làm này chắc chắn sẽ thu hút được mọi người đến với nó. Vừa để biết về quy trình trồng rau hữu cơ sạch, vừa được mang sản phẩm tận gốc về, và thanh niên địa phương cũng có được công việc ý nghĩa cho bản thân và xã hội...
Đó là ý tưởng được mình nhen nhóm từ rất lâu rồi. Từ khi còn học đại học, đi thực tập để làm luận văn tốt nghiệp, mình đã được tiếp xúc với bà con và nuôi dưỡng ý tưởng này. Mình thấy trồng rau hữu cơ là lợi thế của bà con địa phương cần được phát triển thêm.
Hiện mình đang thúc đẩy kế hoạch đó, trước tiên là liên hệ với tất cả các liên nhóm rau của các xã, và làm việc với bà con về các vấn đề về kỹ thuật, nhân lực, các vấn đề về sản xuất tiêu thụ như thế nào để nắm tường tận được nguồn gốc, có hướng đi tiếp cho dự án của mình đạt hiệu quả cao nhất.
Bọn mình đã thu thập thông tin rồi, về cơ chế chính sách cũng đã liên hệ được, giờ còn hoàn thiện hồ sơ. Dự kiến từ giờ đến cuối 2018 sẽ hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng xét duyệt để thẩm tra. Nếu được thì sẽ bắt tay vào thực hiện ngay.
- Hiện nay phong trào thanh niên khởi nghiệp đang phát triển rất mạnh, là một thanh niên bạn đánh giá, thanh niên ngày nay có những lợi thế và khó khăn gì để bắt tay vào khởi nghiệp?
Thật sự thanh niên ngày nay có rất nhiều thuận lợi. Thuận lợi về các nguồn thông tin, các nguồn tài trợ, huy động vốn, có nhiều người đi trước có kinh nghiệm truyền đạt lại. Bên cạnh đó cũng có khó khăn, đa phần các bạn còn ngại, còn rụt rè khi đưa ra những ý tưởng. Trong bản thân mình có ý tưởng nhưng không dám đưa ra, không dám thể hiện ý tưởng.
Theo mình trước tiên để có thể thực hiện một ý tưởng nào đó thì mình phải đi học hỏi những người đi trước. Ngày trước bọn mình đi học, nhà trường có rất nhiều chương trình hỗ trợ, hoạt động hướng nghiệp, tổ chức viết dự án, và thuyết minh về dự án khởi nghiệp, hoặc các chương trình liên quan. Thu hút rất đông sinh viên tham gia. Khi nghe các thông tin đó từ các buổi tọa đàm, hội thảo mình cũng có được kiến thức nền tảng để hình thành cũng như tiếp tục hoàn thành ý tưởng của mình.
- Để thực hiện được ý tưởng bạn vừa nêu trên, bạn còn vướng phải những khúc mắc, khó khăn gì?
Để thực hiện được ý tưởng trên, thì thứ nhất còn cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của địa phương. Cần địa phương tạo điều kiện cho đoàn thanh niên của chi đoàn xã nói riêng có điều kiện tốt nhất trong công tác, thủ tục làm hồ sơ và mọi thứ về thủ tục hành chính. Các quỹ tín dụng xã, doanh nghiệp trên địa bàn có thể hỗ trợ cho đoàn thanh niên có thể thực hiện ý tưởng.
- Xin cảm ơn bạn!