Kinh tế

Nhiều bất cập làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực cho các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43

Phúc Khánh 05/06/2024 19:24

Bên cạnh các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, KTNN đã ban hành văn bản định hướng một số nội dung trong đó có kiểm toán việc sử dụng nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

7-kt-muc-tieu.jpg
Ảnh minh họa: baokiemtoan.vn

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho thấy, sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43), đã giúp kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo… Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều bất cập làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực cho các chính sách hỗ trợ.

Nhiều cuộc kiểm toán đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ

Đại dịch Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Trước bối cảnh đó, Quốc hội khóa XV đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Trên cơ sở các chính sách được Quốc hội quyết nghị, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm triển khai, cụ thể hóa các quyết sách tại Nghị quyết số 43 và ban hành các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm triển khai Chương trình một cách tổng thể, đồng bộ.

Khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 43 quy định, KTNN tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 43, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023 và tiến hành một số cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình.

Cụ thể là, kiểm toán chuyên đề "Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết 43/2022/QH15"; kiểm toán chuyên đề "Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và một số địa phương"; kiểm toán hoạt động "Việc quản lý và sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích" và "Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP".

Bên cạnh các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, KTNN đã ban hành văn bản định hướng một số nội dung trọng yếu cần tập trung đánh giá trong các cuộc kiểm toán trong năm 2023 đối với niên độ ngân sách 2022 như: Đánh giá việc triển khai và thực hiện chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị định số 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; công tác điều hoà, phân bổ nguồn vốn đầu tư công của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công của chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15...

Tiến độ giải ngân các dự án chậm so với yêu cầu

Qua kết quả kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đã đạt được một số kết quả chủ yếu. Theo đó, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nhất là trong bối cảnh nhiều yếu tố bất lợi ở trong và ngoài nước.

Việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước; góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.

Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đến nay, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, tập trung, có hiệu quả nên dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới; góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán cho thấy, việc triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập. Điển hình như, tiến độ giải ngân của nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 43.

Đến ngày 25/7/2023, tổng số vốn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ vốn hằng năm cho các dự án thuộc Chương trình là 126.801,2 tỷ đồng (năm 2022 là 18.584,9 tỷ đồng; năm 2023 là 108.216,3 tỷ đồng), đạt 72,37% mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong 02 năm 2022 -2023. Số còn lại chưa phân bổ là 48.416,5 tỷ đồng, trong đó có 66 dự án chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn năm (lần đầu) với số tiền 17.589,4 tỷ đồng.

Theo kết quả kiểm toán, lũy kế vốn giải ngân đến 30/6/2023 là 25.570,5 tỷ đồng, đạt 14,6% số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trong 02 năm 2022-2023 và đạt 20,5% số vốn hằng năm các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ. Như vậy, áp lực giải ngân số vốn còn lại của Chương trình trong những tháng còn lại của năm 2023 rất lớn và việc thực hiện giải ngân toàn bộ số vốn theo cam kết của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương rất khó khả thi - KTNN nêu rõ.

Tiến độ giải ngân của nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 43. Tại thời điểm kiểm toán (8/2023) có 21 dự án chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn năm, 59 dự án chưa thực hiện giải ngân vốn.

Theo đánh giá của KTNN, việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án trình Quốc hội, có các dự án thuộc lĩnh vực y tế mới chỉ xác định được các địa phương, các tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện, viện cấp trung ương cần đầu tư. Do đó phải thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng để đề xuất lại danh mục, dẫn đến mất nhiều thời gian và chậm ban hành thông báo mức vốn của Chương trình. Đồng thời, việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ hoàn thiện thủ tục đầu tư còn chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu; công tác tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn, xây dựng phương án phân bổ dự toán NSNN năm 2022 cho các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình chưa kịp thời...

Nhóm nguyên nhân khác được ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II chỉ ra là đa số các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ yếu đăng ký các dự án chưa có trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 (255/264 dự án) nên tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn không cao. Một số Bộ, cơ quan và địa phương chưa chủ động tích cực và kịp thời thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo yêu cầu. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chậm giao vốn, chậm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, chậm triển khai thi công các dự án.

Mặt khác, trong tổng số 219 dự án được thông báo danh mục và mức vốn để hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư tại Văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, có 50 dự án chậm so với yêu cầu. Đến ngày 28/6/2022 còn 25 dự án thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa đề xuất giao vốn giai đoạn.

Ngoài ra, qua kết quả kiểm toán tại một số Bộ, cơ quan trung ương cho thấy: Trong tổng mức vốn chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương (NSTW) giao cho Chương trình có bố trí bổ sung cho các dự án đầu tư thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn (ĐTCTH). Tuy nhiên Bộ Tài chính chưa có phương án, đề xuất giải pháp để theo dõi riêng số giải ngân nguồn vốn của Chương trình nên việc tổng hợp số vốn giải ngân cho các dự án thuộc Kế hoạch ĐTCTH gặp khó khăn, do các dự án trên được giao vốn hòa chung nguồn của Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn được bổ sung từ nguồn Chương trình.

Đồng thời, việc bố trí và thực hiện giải ngân nguồn vốn đối ứng của địa phương chưa phù hợp với tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn NSTW. Đến thời điểm 30/6/2023 tổng số vốn NSTW đã được phân bổ 81.801/116.848 tỷ đồng đạt 70% nhưng tổng số vốn ngân sách địa phương (NSĐP) mới chỉ bố trí là 422,6/17.436 tỷ đồng đạt 2,4%; thậm chí có dự án chưa được địa phương bố trí.

KTNN kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ KHĐT tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền có phương án xử lý điều chỉnh giảm mức vốn của Chương trình đối với các dự án phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư so với mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (đến thời điểm kiểm toán giảm 47,6 tỷ đồng). Cùng với đó, Bộ Tài chính cần cho ý kiến quyết định đối với việc tổng hợp, theo dõi số giải ngân nguồn vốn của Chương trình được giao năm 2022 và số giải ngân nguồn vốn của Chương trình điều chỉnh với nguồn vốn thuộc Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Qua kiểm toán, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 174.280.669.724 đồng (gồm: Thu hồi nộp NSNN 520.232.000 đồng; giảm dự toán, thanh toán 4.680.937.724 đồng; kinh phí còn thừa nộp trả ngân sách trung ương 7.138.500.000 đồng; chuyển quyết toán năm sau 161.941.000.000 đồng).

Vướng mắc, lúng túng trong thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Đánh giá về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021), kết quả kiểm toán cho thấy: Đến thời điểm 25/01/2024, tổng hợp từ báo cáo của địa phương và 22 Báo cáo kiểm toán cho thấy nguồn kinh phí đã bố trí để thực hiện chính sách 4.762.581,5trđ, trong đó NSTW là 4.500.580,5trđ; NSĐP là 226.001trđ.

Tổng kinh phí đã sử dụng đề nghị quyết toán theo số báo cáo 3.693.654,5trđ (NSTW là 3.678.403trđ; NSĐP là 15.251,5trđ). Tổng số NLĐ được hỗ trợ là 2.032.493 người; trong đó một số địa phương thực hiện thấp hơn so với nguồn dự kiến, còn dư lớn.

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra, công tác tham mưu ban hành văn bản thực hiện chính sách còn chưa kịp thời, đầy đủ, phù hợp dẫn đến vướng mắc, lúng túng và khó khăn trong quá trình thực hiện Chính sách, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Cụ thể là công tác tham mưu của Bộ LĐTBXHcho Chính phủ trong việc xây dựng, ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ chậm gần01 tháng theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP; ban hành Quyết định số 257/QĐ-LĐTBXH ngày 28/3/2022 công bố thủ tục hành chính về việc thực hiện Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ và một số văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai, chưa chi tiết, thiếu cụ thể, dẫn đến nhiều địa phương vướng mắc, lúng túng, làm chậm thời gian giải quyết chính sách.

Điển hình là thiếu hướng dẫn chi tiết việc xác định 02 đối tượng (đang làm việc và quay lại thị trường lao động) khi xác định, đề xuất mức hỗ trợ; hoặc thiếu hướng dẫn chi tiết việc xác định người sử dụng lao động thuộc loại hình doanh nghiệp nào (như tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ khi xác định người sử dụng lao động là văn phòng công chứng, ngân hàng, công ty luật, công ty chứng khoán, văn phòng công chứng tư, trường mẫu giáo tư thục…).

Theo KTNN, Bộ LĐTBXH chưa đánh giá tác động của chính sách khi trình Thủ tướng Chính phủ, trong khi vấn đề này đã được Bộ Tư pháp có ý kiến; nội dung tờ trình chủ yếu đánh giá sự cần thiết ban hành quyết định, số liệu khảo sát chung theo báo cáo thống kê của Tổng cục Thống kê, chưa đánh giá căn cứ trực tiếp vào đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp (số lượng người lao động, doanh nghiệp được hỗ trợ/hưởng lợi), không dự báo những ảnh hưởng tích cực/tiêu cực nếu chính sách được thực thi... không xây dựng, xác định các chỉ tiêu để đánh giá tác động như chỉ tiêu/kết quả đầu ra kỳ vọng và có thể lượng hóa (về số lao động, số doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm) như tác động đến các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thi hành, có thể quá tải do chính sách thực hiện thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, việc quy định thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022 phải hoàn thành và thực hiện chi hỗ trợ từng tháng cũng gây áp lực cho doanh nghiệp và địa phương. Hầu hết người sử dụng lao động muốn thực hiện chính sách một lần nên dồn việc nộp hồ sơ đề nghị vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2022, dẫn đến hồ sơ dồn nhiều vào tháng 7, tháng 8 gây khó khăn cho việc tiếp nhận, giải quyết của địa phương. Ngoài ra, chưa quy định cụ thể về cơ chế ràng buộc quyền hạn, trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng (NLĐ), đơn vị thực hiện chính sách (doanh nghiệp, UBND các cấp) để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của quá trình thực thi chính sách. “Điều này tiềm ẩn rủi ro các doanh nghiệp có thể không thực hiện/thực hiện chậm, các đối tượng đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách có thể bị các doanh nghiệp từ chối/không tổng hợp đề nghị hỗ trợ do không có cơ chế, chế tài xử lý” - KTNN đánh giá.

Trong khi đó, qua kiểm toán cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ và công tác phối hợp trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị còn bất cập, chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến kết quả thực thi chính sách. Theo đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho NLĐ. Đơn cử như tại TP. Hà Nội, chỉ có 06/30 quận, huyện báo cáo chính thức bằng văn bản về dự trù đối tượng và nhu cầu kinh phí, các đơn vị còn lại không có báo cáo; công tác tổng hợp, xác định nhu cầu, đề xuất kinh phí thực hiện chính sách có sự chênh lệch lớn so với số đề xuất thực tế (đề xuất kinh phí là 400,34 tỷ đồng; số đề nghị quyết toán là 224,91 tỷ đồng, chênh lệch 175,43 tỷ đồng).

Đồng thời, việc xác nhận đối tượng lao động được hưởng chính sách còn chậm (theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, còn 10.474 lao động với số tiền hỗ trợ 13,38 tỷ đồng), dẫn đến việc Bộ LĐTBXH không đề xuất Chính phủ giải quyết hỗ trợ do đã quá thời hạn (quá ngày 15/8/2022 theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg).

KTNN cũng chỉ ra, công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà còn bất cập, chưa phù hợp quy định về thủ tục, hồ sơ. Qua kiểm tra hồ sơ lưu tại Phòng LĐ-TBXH TP. Biên Hòa, Đồng Nai cho thấy, đa số danh sách xác nhận đóng BHXH của NLĐ đề nghị hỗ trợ được cơ quan BHXH gửi bằng email thông thường, không phù hợp về cách thức luân chuyển hồ sơ theo hướng dẫn. Ngoài ra, Bản xác nhận do LĐ-TB&XH TP. Biên Hòa in và lưu hồ sơ chỉ có chữ ký và đóng dấu của cơ quan BHXH tại trang cuối của danh sách, không đóng dấu giáp lai giữa các trang nên không đảm bảo tính xác thực trong từng tờ xác nhận.

Ngoài ra, việc thu hồi chứng từ chi trả cho NLĐ chưa đầy đủ theo quy định. Tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ thu hồi chứng từ doanh nghiệp chi trả cho NLĐ đạt 50,2%, số kinh phí chưa đủ điều kiện quyết toán 161,94 tỷ đồng…

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ LĐ-TBXHđề xuất phương án sử dụng đối với kinh phí thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư khoảng 2.838,4 tỷ đồng theo quy định của Luật NSNN, nhằm phát huy hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục kiểm tra, rà soát, xác định rõ trách nhiệm và báo cáo Chính phủ có hướng giải quyết đối với các trường hợp người lao động đã đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ song chưa được hỗ trợ (các trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa giải quyết, các trường hợp chưa hỗ trợ do các nguyên nhân khách quan...).

KTNN kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân của Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai có liên quan trong việc tham mưu hướng dẫn Phòng LĐ-TBXH TP. Biên Hòa thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg: Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải gửi danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội bằng bản gốc có dấu mộc đỏ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; dẫn đến công tác quản lý, phê duyệt danh sách không chặt chẽ, dễ tạo kẽ hở cho các đối tượng có thể trục lợi chính sách.

KTNN cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủchỉ đạo Bộ LĐ-TBXH khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia lao động - việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo sự liên thông, đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc; xây dựng giải pháp kết nối, điều tiết, tập trung nắm bắt diễn biến của cung - cầu lao động để có đầy đủ thông tin khi tham mưu Chính phủ ban hành chính sách liên quan đến người lao động.

Liên quan đến việc áp dụng cơ chế đặc thù khi thực hiện Chương trình, KTNN đề xuất nghiên cứu xây dựng tiêu chí về năng lực của các địa phương được phân cấp làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong trường hợp cần thiết ban hành để làm căn cứ cơ sở giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện nhằm chuẩn hóa năng lực của các đơn vị, đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn được nêu trong cơ chế đặc thù về chỉ định thầu quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 43/2022/QH15 báo cáo Chính phủ xem xét nếu cần thiết trong phạm vi thẩm quyền ban hành hướng dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều bất cập làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực cho các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43