Đã tròn 1 tuần, sau khi Hà Nội nới lỏng các biện pháp chống dịch, nhiều hàng quán vẫn chưa mở cửa.
Vắng khách, thiếu người làm, thậm chí lo lắng về diễn biến dịch bệnh… là những lý do khiến nhiều chủ cửa hàng thiết yếu chần chừ kinh doanh.
Là chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy, cung cấp phụ tùng xe máy tại phố Yên Bái, (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) anh Trần Anh Tú cho biết, dù thành phố cho phép mở lại dịch vụ từ tuần trước, nhưng cửa hàng anh vẫn đóng cửa.
“Trước đây, cửa hàng tôi bán phụ tùng xe máy chủ yếu cho khách độ xe ở TP HCM. Từ đợt dịch đến bây giờ gửi hàng vào TP HCM vẫn khó, muốn gửi chi phí cũng cao, trong khi tại Hà Nội ít khách nên tôi vẫn chưa tính đến việc mở cửa” – Anh Tú cho biết.
Tương tự, bà Đào Cúc Mai, chủ một cửa hàng sửa xe và kinh doanh phụ tùng xe máy ở Ngõ Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ, bà mở cửa hàng được 2 hôm (ngày 21 và 22/9) nhưng sau đó lại tạm ngưng hoạt động vì rất vắng khách. Có lẽ chờ đến đầu tháng 10 xem tình hình có khá hơn rồi mới kinh doanh lại” – bà Mai nói.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đồ ăn, kinh doanh dịch vụ sửa xe, cửa hàng đồ điện tử mong ngóng thông tin thành phố nới lỏng biện pháp ngăn chặn dịch, để sớm được hoạt động trở lại, song khi được phép mở cửa lại hoạt động rồi lại thấy hụt hẫng.
Theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, tròn một tuần sau khi UBND TP Hà Nội cho phép mở lại một số dịch vụ kinh doanh, một số cửa hàng đã hồ hởi đón khách trở lại nhưng cũng có nhiều hàng quán mở cửa cầm chừng.
Nhiều chủ cửa hàng cũng cho biết, việc đóng cửa một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid -19 đã khiến lượng khách giảm rất nhiều. Thời điểm hiện tại, thu nhập của nhiều người dân giảm sút nên nhu cầu ăn uống, mua sắm cũng giảm trầm trọng.
Rất mong chờ thông tin được hoạt động trở lại song chị Thu Hương (chủ cửa hàng uốn tóc tại Linh Đàm, Hà Nội) lại lo lắng: “Lúc nghỉ dịch thì khách gọi ời ời vì tóc dài, họ muốn cắt gội, uốn nhuộm… Từ hôm 21/9 được mở cửa trở lại nhưng nhân viên nghỉ dịch chưa lên. Hai hôm đầu lượng khách đến cắt tóc khá đông, làm không xuể. Giờ lại vắng vẻ rồi. Kinh tế khó khăn, người ta cũng cân nhắc việc làm đẹp. Cửa hàng vì thế cũng chỉ mở đón khách quen.
“Dịch dã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, mọi thành phần trong xã hội, giờ người cơ quan, công sở cũng chỉ đi làm luân phiên. Trước kia mọi người trong cơ quan đi ăn vào đầu giờ trưa rất đông nhưng bây giờ thi thoảng mới có khách đến. Lượng khách giảm đến 70%” – bà Thanh Tú, chủ một cửa hàng bánh cuốn phố Bà Triệu chia sẻ.
Thực tế thì khi việc giãn cách/phong tỏa diễn ra trong thời gian dài, người tiêu dùng đã có thời gian để thay đổi thói quen. Chẳng hạn như thay vì ăn cơm bụi, nhiều nhân viên văn phòng đưa cơm đến công ty ăn. Đây là một nguyên nhân khiến cho các hoạt động mua sắm, ăn uống không thể tăng nhanh như kỳ vọng. Chưa kể, nguyên nhân sâu xa là thu nhập đã bị ảnh hưởng nên người dân tiết kiệm hơn, chỉ chi tiêu những điều thực sự cần thiết.