Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 279 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Ngoài SXH, CDC Hà Nội cho hay, hiện dịch sởi trên địa bàn Thủ đô cũng đang diễn biến phức tạp.
Cụ thể, thành phố vừa ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó có 5 trường hợp chưa được tiêm chủng và 2 trường hợp chưa tiêm đầy đủ vaccine phòng sởi. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 13 trường hợp mắc sởi trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.
Cùng với đó, viêm màng não bởi virus Enterovirus cũng là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây. Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời gian gần đây đã tiếp nhận và điều trị nhiều trẻ em nhập viện do đau đầu, nôn và sốt do mắc bệnh viêm màng não bởi virus Enterovirus.
Một ca bệnh cụ thể, bệnh nhi (nữ, 5 tuổi, Hà Nội) có tiền sử khỏe mạnh, 3 ngày trước khi vào viện trẻ xuất hiện đau đầu mức độ nhiều kèm theo nôn và sốt nhẹ 38 độ C. Gia đình đã sử dụng thuốc giảm đau tại nhà nhưng không cải thiện.
Tại khoa Nhi (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), nhận thấy đây là trường hợp đau đầu có dấu hiệu cảnh báo, các bác sĩ đã nhanh chóng cho bệnh nhi nhập viện và làm các xét nghiệm chẩn đoán. Bệnh nhi được chọc dịch não tủy với kết quả ghi nhận dịch não tủy có số lượng tế bào tăng cao, PCR dương tính với Enterovirus. Bệnh nhi đã được điều trị kịp thời theo phác đồ viêm màng não do virus và được xuất hiện sau 1 tuần mà không có biến chứng nào.
Theo BSCKII Ngô Thị Huyền Trang - Khoa Nhi (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), viêm màng não do virus xảy ra quanh năm, nhưng thường thấy nhất vào mùa hè và mùa thu. Đặc biệt, Enterovirus là một họ bao gồm nhiều loại virus, trong đó có những loại rất nguy hiểm cho con người và có thể gây thành dịch.
Enterovirus lây qua 2 con đường là phân - miệng và đường hô hấp. Trên thực tế, các dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não do Enterovirus có thể tương tự một số bệnh khác nên có thể bị chẩn đoán nhầm.
Trẻ viêm màng não có triệu chứng chính là đau đầu, ngoài ra có thể kèm theo buồn nôn, nôn và sốt nhẹ. Một số trẻ có thêm các triệu chứng đặc trưng của nhiễm Enterovirus như xuất hiện các mụn nước khu trú hoặc phát ban sẩn toàn thân, nhưng ít gặp.
Để chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm PCR để tìm virus. Điều trị triệu chứng hiện đang là phương pháp chính trong quản lý bệnh viêm màng não do Enterovirus với các thuốc giảm đau, hạ sốt và giảm viêm. BS Ngô Thị Huyền Trang khuyến cáo, hiện tại bệnh không có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh nên các biện pháp phòng ngừa rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ.