Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương nhận thấy, có 6 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và hạn mức nhập khẩu được Bộ phân giao.
Ngày 19/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Bộ, các đơn vị trực thuộc đã trực tiếp làm việc tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè (TP HCM) thuộc Công ty xăng dầu Khu vực II.
Theo báo cáo, qua kiểm tra tại khu vực miền Nam có 1/19 doanh nghiệp đầu mối không thực hiện nhập khẩu, dự trữ xăng dầu theo quy định; 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao.
Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng thống kê, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm theo đúng quy định ngay trong tháng 10.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tước giấy phép vĩnh viễn của doanh nghiệp đầu mối, phân phối và kinh doanh xăng dầu nếu không thực hiện nhập khẩu, dự trữ theo đúng quy định.
Hiện, 17.000 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước do các địa phương cấp phép và quản lý. Cơ quan quản lý yêu cầu các địa phương chung tay với các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
Hiện, Petrolimex đang bảo quản khoảng 70% lượng xăng dầu dự trữ quốc gia tại 9 điểm kho của các công ty xăng dầu thành viên trên cả nước. Tuy nhiên, phần lớn xăng dầu dự trữ quốc gia được bảo quản chung với hàng thương mại của đơn vị do hệ thống bồn bể còn hạn chế, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia còn thấp.
Trước đó, để kịp thời có những giải pháp để ổn định thị trường xăng dầu, giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác dự trữ xăng dầu, bảo đảm nguồn cung trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp làm việc với Petrolimex và kiểm tra Tổng kho Xăng dầu Đức Giang và Nhà Bè.
Bộ trưởng đề nghị Petrolimex khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, trong đó cần tập trung triển khai các nhiệm vụ kinh doanh, dự trữ xăng dầu theo quy định hiện hành, chấn chỉnh các mối liên kết trong chuỗi cung ứng hoạt động kinh doanh xăng dầu từ tập đoàn đến các đơn vị bán lẻ, kể cả ngoài hệ thống.
Trước tình hình xăng dầu trong nước đang có nhiều biến động, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có văn bản giao Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.
Bộ Công Thương đã gửi công văn hỏa tốc tới Bộ Tài chính, đề xuất tiếp tục rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.
Ngoài ra, Bộ này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ… để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu.