Thị trường trong nước đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 9,4% trong 10 tháng năm 2023.
Tại các hệ thống siêu thị, các chương trình khuyến mãi diễn ra liên tục trong từng tuần, từng tháng và có nhiều chính sách đặc biệt để giúp kích cầu tiêu dùng. Từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa bằng nhiều hoạt động kích cầu đi đôi với bình ổn thị trường.
Theo Bộ Công thương, tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt trên 5.100 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 10 tháng năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước, như: Đà Nẵng tăng 143,8%, Khánh Hòa tăng 137,9%, TPHCM tăng 68%, Hà Nội tăng 59,5%, Cần Thơ tăng 32,4%,…
Tại TPHCM, ngay từ tháng 4/2023, Sở Công thương thành phố đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia, khối lượng hàng bình ổn giá chiếm từ 23 - 31% nhu cầu thị trường.
Tại Đồng Nai, nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền “Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023” (từ 4/12/2023 - 10/1/2024) và “Tháng khuyến mãi năm 2023” (từ 20/10 - 20/11/2023). Theo đó, tỉnh triển khai, vận động các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước. Đồng thời, tăng cường quảng bá, tiếp thị sản phẩm, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, khẳng định uy tín thương hiệu với hình thức phù hợp, thiết thực.
Các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hưởng ứng tham gia chương trình bằng các hoạt động ưu đãi, khuyến mãi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,… dành cho người tiêu dùng với các hình thức khuyến mãi được quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng trong đợt này là 100%.
Hiện một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Ninh Thuận,... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất với giá cả bình ổn.
Thời gian qua, để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, từ tháng 7/2023, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8%. Đây được coi là giải pháp giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Thực tế, từ tháng 10/2023, Bộ Công thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ, quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết. Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có diễn biến bất thường.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, nhằm đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, Bộ Công thương đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng.