Ngày 7/5, ông Farhan Haq - người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, cảnh báo cuộc xung đột ở Sudan có thể gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng cho 19 triệu người trong vòng từ 3 đến 6 tháng tới nếu cuộc xung đột vẫn tiếp diễn. Hiện, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở Sudan là 2,5 triệu người, trong tổng số 46 triệu dân cả nước.
Trước tình hình này, Hội đồng Nhân quyền LHQ cho biết sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt về tình hình giao tranh ở Sudan vào ngày 11/5. Cuộc họp “nhằm giải quyết tác động của cuộc xung đột đang diễn ra đối với các quyền con người”, được tổ chức tại Geneve (Thụy Sĩ). Cho đến nay, 52 quốc gia đã ủng hộ việc tổ chức phiên họp này.
Trong khi đó, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi các nước cho phép thường dân chạy trốn khỏi Sudan vào lãnh thổ của họ và không đưa họ trở lại đất nước khi xung đột và bạo lực chưa chấm dứt.
Khi cuộc xung đột ngày càng khốc liệt, LHQ đã nhiều lần hối thúc các bên tham chiến đảm bảo tiếp cận viện trợ nhân đạo tại Sudan; đảm bảo hàng viện trợ nhân đạo cho nước này được vận chuyển an toàn. Động thái này diễn ra sau khi 6 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo bị cướp phá và các cuộc không kích ở thủ đô Sudan phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn. Giám đốc nhân đạo của LHQ Martin Griffiths hy vọng, cuộc gặp mặt trực tiếp đại diện các bên tham chiến ở Sudan có thể đảm bảo an toàn đối với các đoàn xe vận chuyển hàng cứu trợ.
Trong khi đó, LHQ cảnh báo rằng cuộc giao tranh ở Sudan có nguy cơ gây ra thảm họa nhân đạo và có thể lan sang các quốc gia khác.
Trong một diễn biến mới nhất, Mỹ và Saudi Arabia cùng xác nhận hai bên tham chiến ở Sudan sẽ đàm phán trực tiếp, dù giao tranh vẫn tiếp diễn. Cuộc họp này diễn ra với sự dàn xếp trung gian của Mỹ và Saudi Arabia. Tuy nhiên cả hai bên tham chiến đều tuyên bố sẽ chỉ bàn bạc việc ngừng bắn vì mục đích nhân đạo, mà không thỏa thuận việc kết thúc xung đột. Từ khi xung đột tại quốc gia Đông Phi này bùng nổ, nhiều thỏa thuận đình chiến được đưa ra, song tất cả đều đã không được nghiêm túc thực hiện.
Cho đến nay, cuộc xung đột bạo lực bùng nổ từ ngày 15/4 giữa các lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã cướp đi sinh mạng của gần 600 người, làm hơn 5.000 người khác bị thương và khiến ít nhất 350.000 người phải sơ tán ngay ở trong nước. Trong khi đó, theo các cơ quan của LHQ, khoảng 860.000 người phải chạy đến các quốc gia láng giềng, bao gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Chad, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Ethiopia.