Sức khỏe

Nhiều người nhập viện do liệt dây thần kinh số 7

Dương Toàn 02/04/2025 09:06

Để điều trị tình trạng liệt mặt do liệt dây thần kinh số 7, bệnh nhân cần được phát hiện sớm, xác định đúng nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp. Việc chăm sóc phục hồi cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục.

Bệnh thường gặp khi trời lạnh

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận bệnh nhi nữ 12 tuổi, đột ngột méo miệng, mắt nhắm không kín, khó cử động mặt, bác sĩ chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7. Người nhà cho biết, một ngày trước khi xuất hiện bất thường, bé gội đầu nhưng không sấy khô mà để tóc ướt ra ngoài trời gió lạnh. Sau khi đã loại trừ các nguyên nhân do tổn thương não, nhiễm trùng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (dân gian gọi là trúng gió).

liệt dây thần kinh số 7
Châm cứu điều trị bệnh nhân liệt dây thần kinh số 7. Ảnh: BV Lão khoa - Phục hồi chức năng

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi T.G.H. (24 tháng tuổi, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng méo miệng, không thể nhắm kín mắt do bị lạnh đột ngột khi được bố mẹ cho đi xe máy buổi tối.

Khai thác thông tin, mẹ bệnh nhi cho biết, trước hôm bị bệnh 1 ngày, bố mẹ có cho cháu đi chơi bằng xe máy đến khoảng 21h mới về. Thời tiết hôm đó đang chuyển mùa nên buổi tối có gió và se lạnh. Do chủ quan nên mẹ cháu không mang theo mũ, áo giữ ấm cho bé. Trước đó, trẻ không bị ngã hay có chấn thương gì, vẫn chơi đùa, ăn ngủ bình thường. Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau, người nhà phát hiện cháu bị méo miệng khi cười hoặc khóc.

Trong lúc ăn cháo, uống sữa nhận thấy nước cháo, sữa chảy bên mép miệng bên trái, khi ngủ thấy mắt bên trái của cháu nhắm không kín. Cháu khó chịu, quấy khóc hơn mọi ngày nên gia đình đã đưa cháu đến Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) điều trị.

Triệu chứng xuất hiện đột ngột

ThS.BS Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết, mùa lạnh, đặc biệt là thời gian giao mùa xuất hiện khá nhiều các trường hợp liệt mặt, méo miệng do liệt dây thần kinh số 7. Mặc dù có khả năng hồi phục nhanh, nhưng bệnh dễ để lại di chứng về thẩm mỹ nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Các triệu chứng thường xuất hiện khá đột ngột sau một đêm ngủ dậy và không có dấu hiệu báo trước. Một số triệu chứng gợi ý để phát hiện liệt mặt bao gồm: Tình cờ thấy khó khăn khi cười nói, uống nước, súc miệng thấy nước trào ra một bên. Đột ngột thấy mất cân xứng giữa hai bên mặt, nửa bên liệt bất động và mất nếp nhăn trán; Mắt bên liệt nhắm không kín, lông mày sụp, rãnh mũi - má mờ và góc miệng bị xệ xuống; Người bệnh thường không làm chủ được các động tác phồng má, cười, chu môi, nhăn trán và thường bị chảy dãi, nước ở một góc miệng; Ít gặp hơn có thể thấy bệnh nhân bị tê, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi.

Liệt mặt có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng thường dễ mắc hơn ở phụ nữ có thai, người mắc các bệnh lý như đái tháo đường, cảm cúm, suy giảm miễn dịch, người già và người có thể trạng yếu. Đặc biệt, những người thường xuyên thức khuya hoặc lạm dụng rượu bia khiến cơ thể mệt mỏi và tinh thần sa sút, căng thẳng lại càng dễ nhiễm lạnh do suy giảm sức đề kháng. Nhiễm lạnh chính là nguyên nhân điển hình của việc tổn thương dây thần kinh số 7, khi mạch máu bị co rút đột ngột làm gián đoạn mạch máu nuôi dưỡng thần kinh.

Những người ít tập luyện, ít tiếp xúc với thiên nhiên hoặc có tiền sử hạ đường huyết, tăng huyết áp, huyết áp thấp hoặc xơ vữa động mạch cũng có nguy cơ cao mắc phải liệt mặt.

ThS.BS Huỳnh An Thiên khuyến cáo, khi phát hiện ra các triệu chứng của liệt mặt, méo miệng thì bệnh nhân và người nhà cần bình tĩnh, không nên vội kết luận là biểu hiện của tai biến mạch máu não vì còn nhiều nguyên nhân khác gây nên. Trong tình huống đó, điều cần nhất là đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng đáng tiếc.

Khi đã được xác định là liệt mặt do liệt dây thần kinh số 7 thì có nhiều phương pháp điều trị, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh nhân. Với điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng các nhóm corticoid kháng viêm, nhóm kháng virus hoặc nhóm thuốc giãn mạch, nhóm tái tạo bao myelin và tăng dẫn truyền thần kinh. Với điều trị ngoại khoa, người bệnh sẽ được phẫu thuật giải phóng dây thần kinh trong ống thần kinh mặt do viêm tai, hoặc phẫu thuật vùng u chèn ép vào dây thần kinh. Các phương pháp điều trị hỗ trợ như châm cứu, xoa bóp và vận động vùng cơ mặt đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục sau liệt mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều người nhập viện do liệt dây thần kinh số 7