Nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm ngành Y

Dung Hòa 07/07/2023 07:15

Đủ điểm xét tuyển bằng phương thức học bạ, đủ tiêu chuẩn xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, thời điểm này nhiều thí sinh đã biết mình trúng tuyển sớm khối ngành y, dược năm 2023.

Đào tạo sinh viên y khoa. Ảnh: TL.

Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội vừa thông báo danh sách 129 thí sinh trúng tuyển thẳng năm 2023. Trong đó, ngành có số thí sinh được tuyển thẳng, xét tuyển thẳng nhiều nhất là Y khoa. Cụ thể ngành Y khoa ở cả hai cơ sở Hà Nội và Phân hiệu Thanh Hoá với 115 thí sinh đủ tiêu chuẩn tuyển thẳng. Ngành Răng - Hàm - Mặt có 8 thí sinh đủ tiêu chuẩn được tuyển thẳng. Ngành Kỹ thuật Xét nghiệm y học có 2 thí sinh…

Năm 2023, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển sinh 1.370 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Y khoa tuyển nhiều nhất với 520 chỉ tiêu (400 chỉ tiêu tại cơ sở chính, 120 chỉ tiêu tại phân hiệu Thanh Hóa). Phương thức tuyển sinh của trường giữ ổn định như những năm qua là tuyển thẳng, xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT với 1 tổ hợp duy nhất là B00 (Toán, Hóa học, Sinh học). Riêng ngành Y khoa, Y khoa Phân hiệu Thanh Hóa, Răng - Hàm - Mặt, và Điều dưỡng chương trình tiên tiến có thêm phương thức xét tuyển theo hình thức kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Điều kiện tuyển thẳng được quy định riêng đối với từng ngành. Sau khi Bộ GDĐT công bố ngưỡng chất lượng đầu vào đối với ngành sức khỏe, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Bắt đầu từ năm 2023, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển sinh ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng với 50 chỉ tiêu. Trường sẽ dành 25% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi ngành, 75% chỉ tiêu cho xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trước đó, từ tháng 6/2023, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH Đại Nam và Trường ĐH Đông Á đã công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ. Riêng khối ngành sức khỏe, ở mức điểm từ 18 trở lên, thí sinh đã có cơ hội trúng tuyển một số ngành.

Cụ thể, với Trường ĐH Phenikaa, khối ngành sức khỏe, điểm chuẩn học bạ dao động từ 21 - 26 điểm. Trong đó, ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất 26 điểm, kế tiếp là Răng - Hàm - Mặt 25 điểm. Điểm chuẩn thấp nhất là ngành Điều dưỡng và kỹ thuật phục hồi chức năng cùng lấy 21 điểm. Trường ĐH Phenikaa cho biết đối với khối ngành sức khỏe: điều kiện học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học; Học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên đối với ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng.

Theo mức điểm trúng tuyển xét tuyển sớm hệ ĐH chính quy năm 2023 theo phương thức xét kết quả học tập lớp 12 THPT (học bạ) do Trường ĐH Đại Nam đã công bố, ngành Y khoa và Dược học có điểm chuẩn cao nhất, 24 điểm. Ngoài các điều kiện chung theo quy định, để trúng tuyển, thí sinh cần đáp ứng điều kiện học lực lớp 12 đạt từ loại giỏi. Ngành có điểm chuẩn cao thứ 2 là ngành Điều dưỡng với 19,5 điểm, áp dụng với thí sinh có học lực lớp 12 đạt loại khá trở lên.

Trường ĐH Đông Á cũng đã công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm dựa trên kết quả học bạ THPT 3 học kỳ và xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, khối ngành khoa học sức khỏe nhà trường đào tạo bốn ngành gồm: Dược học, Điều dưỡng, Hộ sinh, Dinh dưỡng. Trong đó, ngành Dược học có mức điểm chuẩn cao nhất trong 41 ngành đào tạo của trường này, với điểm chuẩn xét học bạ 24 điểm (kèm điều kiện kết quả học tập lớp 12 phải đạt 8,0 trở lên). Điểm chuẩn trúng tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM là 850 điểm. Hai ngành Điều dưỡng và Hộ sinh cùng có mức điểm chuẩn xét học bạ là 19,5 điểm (kết quả học tập lớp 12 phải đạt 6,5 trở lên); điểm chuẩn xét kết quả thi đánh giá năng lực 750 điểm. Điểm chuẩn thấp nhất là ngành Dinh dưỡng với điểm chuẩn xét học bạ 18 điểm (kết quả học tập lớp 12 phải đạt 6,0 trở lên); điểm chuẩn xét kết quả thi đánh giá năng lực 600 điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm ngành Y