Kinh tế

Nhìn lại hành trình trên 'đường đua' bất động sản của 2 'ông vua' ngành thép

Ngọc Bích 10/01/2024 11:10

Mặc dù đều đặt quyết tâm cao ở thị trường bất động sản, thế nhưng con đường phát triển tại lĩnh vực này của 2 tập đoàn lớn ngành thép là Hòa Phát và Hoa Sen vẫn có sự khác biệt rõ rệt.

Trên thương trường Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) của Chủ tịch Trần Đình Long và Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) của Chủ tịch Lê Phước Vũ được biết đến là 2 "ông vua" ngành thép.

Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực cốt lõi là sản xuất thép, cả 2 tập đoàn này đều gia nhập "đường đua" bất động sản (BĐS).

z5055327245071_d0849cdaf12ad14ad2c27b016154669f.jpg
Chủ tịch Hòa Phát (trái) và Chủ tịch Hoa Sen (phải).

Hòa Phát tiến chậm mà chắc

Đối với "đại gia" ngành thép Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, doanh nghiệp này đã chính thức gia nhập thị trường BĐS từ năm 2001 bằng việc thành lập Công ty cổ phần (CTCP) Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát.

Cuối năm 2020, Hòa Phát cơ cấu lại tổ chức với 4 nhóm ngành. Trong đó, lĩnh vực BĐS được quản lý bởi một doanh nghiệp mới mang tên CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát. Công ty hoạt động chính ở 2 lĩnh vực chính là BĐS khu công nghiệp (KCN) và BĐS đô thị.

Hiện tại, Hòa Phát đang sở hữu 3 KCN, bao gồm: KCN Phố Nối A (Hưng Yên) có diện tích hơn 688,94ha, KCN Hòa Mạc (Hà Nam) có diện tích 131ha và KCN Yên Mỹ II (Hưng Yên) có diện tích 313,5ha.

Đối với các dự án nhà ở, BĐS Hòa Phát đang sở hữu nhiều BĐS tại Hà Nội như Tòa nhà Hòa Phát, Khu phức hợp Mandarin Garden, Khu phức hợp Mandarin Garden 2, Tòa văn phòng cho thuê tại số 70 Nguyễn Đức Cảnh.

Mặc dù đầu tư nhiều vào lĩnh vực BĐS, thế nhưng Hòa Phát mới chỉ công nhận BĐS là lĩnh vực chiến lược trong khoảng 3 năm gần đây. Một trong những hướng đi trọng tâm của Hòa Phát là BĐS nhà ở.

Theo báo cáo tài chính năm 2022, mảng BĐS mang về cho Hòa Phát 686 tỷ đồng doanh thu và gần 298 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Vào thời điểm hiện tại, Hòa Phát đang tập trung triển khai dự án Dung Quất 2 với mức đầu tư là hơn 75.000 tỷ đồng.

Đối với các BĐS nhà ở chưa thể mở bán, Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định, Hòa Phát chỉ bán khi đã có đầy đủ thủ tục hồ sơ pháp lý, đặc biệt về vấn đề sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Hòa Phát đã được chấp thuận đầu tư dự án KCN Yên Mỹ II mở rộng tại Hưng Yên với diện tích 216ha, tổng vốn đầu tư đạt 2.682 tỷ đồng. Theo đó, Hòa Phát đặt mục tiêu xây dựng 10 KCN vào năm 2030.

Năm 2023, Hòa Phát đã đề xuất phương án bố trí mặt bằng quy hoạch cảng Bãi Gốc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Cảng Bãi Gốc là dự án nằm trong kế hoạch đầu tư khoảng 5 tỷ USD (120.000 tỷ đồng) cho 4 dự án thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên của Hòa Phát.

"Vua tôn" Hoa Sen chờ duyên với bất động sản

Trái ngược với Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen đã "lấn sân" sang lĩnh vực BĐS từ lâu nhưng lại chưa gặp "thời" nên dấu ấn để lại còn mờ nhạt.

Năm 2009, Hoa Sen "chơi lớn", đầu tư cùng lúc vào 5 dự án BĐS bao gồm: Khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông (quận 9, TP HCM); dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B (quận 9, TP HCM); dự án căn hộ Hoa Sen Riverview (quận 9, TP HCM); dự án Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group (quận 2, TP HCM) và góp 45% vốn vào dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept.

Tuy nhiên, sau 2 năm, Hoa Sen bất ngờ rút khỏi thị trường BĐS và tập trung chủ yếu cho việc kinh doanh thép. Lúc này, Hoa Sen thoái vốn khỏi 4 dự án, chỉ giữ lại dự án Phố Đông – Hoa Sen còn dở dang.

Sau lần thất bại đầu tiên, ông Lê Phước Vũ tiếp tục trở lại thị trường BĐS. Năm 2016, Hoa Sen thành lập 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc bao gồm: CTCP Hoa Sen Yên Bái, CTCP Hoa Sen Hội Vân, CTCP Hoa Sen Vân Hội và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn. Tuy nhiên, may mắn vẫn chưa xuất hiện.

Giữa năm 2018, Hoa Sen tuyên bố giải thể Hoa Sen Hội Vân. Tiếp theo đó, CTCP Hoa Sen Vân Hội và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn lần lượt bị "khai tử".

Theo báo cáo tài chính niên độ 2022-2023, Hoa Sen chỉ ghi nhận duy nhất một công ty con trong lĩnh vực BĐS là CTCP Hoa Sen Yên Bái. Hiện tại, công ty này đang triển khai dự án Khu Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái, được khởi công từ năm 2016.

Ngày 27/12/2023 vừa qua, Hoa Sen đã công bố nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn. Thời gian đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024.

Công ty có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, tương đương với 10 triệu cổ phần. Trong đó, Hoa Sen dự kiến góp vốn 40 tỷ đồng. Người đại diện phần vốn góp là ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group.

Mục đích góp vốn nhằm thành lập công ty thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm BĐS có giá trị từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn; cho thuê hoặc chuyển nhượng bất động sản.

Đây được coi là cột mốc đánh dấu sự trở lại "đường đua" BĐS của "vua tôn" Hoa Sen.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại hành trình trên 'đường đua' bất động sản của 2 'ông vua' ngành thép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO