Đề thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Với đề thi năm đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, nhiều thí sinh, giáo viên, chuyên gia bày tỏ lo lắng vì đề thi một số môn khó, dài, lạ…
Đề chính thức “lệch chuẩn” so với đề thi minh họa?
Tâm điểm lo lắng của thí sinh và dư luận xã hội đang tập trung vào đề thi môn Toán và môn Tiếng Anh năm nay. Mặc dù về cấu trúc, hai đề thi này đều tương tự như đề tham khảo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó nhưng về độ dài của các ngữ liệu khiến phần lớn thí sinh cảm thấy khó khăn.
Như chia sẻ của TS Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), đây là đề thi “khá chuẩn” với nội dung các câu hỏi trong đề không đi sâu khai thác về mặt kỹ thuật hay “khó chồng khó” (cái khó sau chồng từ cái khó trước) để làm ra những bài toán lớn.
“Độ khó đề môn Toán năm nay thể hiện ở khả năng tư duy, lập luận, đọc hiểu, hiểu bản chất toán học, mô hình hóa toán học… Đề thi khó vì dài, chứ không phải khó vì kiến thức. Nhiều câu hỏi đưa bối cảnh trong đề nên được tiết chế” – TS Trần Nam Dũng nhận định và chia sẻ thêm, những câu hỏi này nếu đứng riêng lẻ sẽ không áp lực, nhưng trong tổng thể một đề thi nhiều câu hỏi sẽ tạo nên áp lực cho thí sinh.
Tương tự, băn khoăn của nhiều giáo viên, học sinh đối với đề thi Tiếng Anh năm nay đó là độ dài của đề khi trải dài trên 4 mặt giấy, cỡ chữ nhỏ và in sát nhau khiến nhiều thí sinh bị “ngợp” khi tiếp cận với đề thi. Về độ khó của các câu hỏi, TS Vũ Thị Phương Anh - nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM đặt trong tương quan với đề thi tham khảo thì có những điểm chênh lệch. Cụ thể, đề minh họa có các bài đọc với nội dung gần gũi hơn, văn phong đơn giản hơn, phù hợp với trình độ học sinh phổ thông. Mức độ phân hóa vừa phải, đảm bảo đa số học sinh làm được phần cơ bản. Trong khi đó, đề chính thức “vượt ngưỡng” khi có một số bài đọc chứa nhiều khái niệm khó, đòi hỏi nền tảng kiến thức vượt ngoài sách giáo khoa. Một số đoạn văn học thuật cao, cấu trúc câu phức tạp gây choáng ngợp. Tỷ lệ câu hỏi nhiễu, yêu cầu suy luận cao trong đề nhiều, đặc biệt là áp lực thời gian không tương xứng, chỉ 50 phút khiến thí sinh khó thể hiện đúng năng lực, nhất là với tâm lý căng thẳng khi gặp đề lạ.
Thực tế, nhìn từ sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 và cả Chương trình 2006 trước đó học sinh phổ thông đã và đang học, việc tiếp cận với các đề bài dài, ngữ liệu lấy từ tình huống giao tiếp đời thường hoặc các bài toán thực tế không nhiều. Việc dạy và học trên lớp của phần lớn giáo viên và học sinh nhìn chung vẫn đang bám sách giáo khoa, việc kiểm tra, đánh giá trên lớp cũng vẫn chủ yếu được thiết kế, xây dựng tương tự với đề thi minh họa nên việc dạy học cũng chưa bắt kịp với đổi mới của đề thi chính thức.
Thầy Mai Thanh Sơn - giáo viên Tiếng Anh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đánh giá, đề có những điểm mạnh như phân loại học sinh rõ rệt, có sử dụng văn bản thực tế, nhiều thuật ngữ khá “thời thượng”; yêu cầu học sinh học phải hiểu bản chất, cách dùng trong hoàn cảnh cụ thể nhưng chưa có sự hướng dẫn rõ ràng để học sinh chuẩn bị tốt.
Thầy Sơn phân tích đề minh họa dùng hoàn toàn ngữ liệu theo các bộ sách giáo khoa hiện hành, độ khó không thực sự cao. Giáo viên cũng có đi tập huấn và cũng đã truyền đạt lại nội dung về trường. Tuy nhiên, những bài thầy giáo này cho học sinh của mình làm cũng không ở độ khó cao đến vậy và sách giáo khoa hiện tại khó có bộ nào đáp ứng được yêu cầu với độ khó này vì đầu ra của lớp 12 theo chuẩn là B1.
Như vậy, một đề thi dành cho học sinh phổ thông nhưng “khác lạ” với những gì học sinh đã được học trong nhà trường, thậm chí lớp học thêm cùng độ dài của đề thi trong bối cảnh phòng thi với nhiều áp lực thí sinh phải gánh ở thời điểm đó khiến nhiều ý kiến băn khoăn đặt ra về sự phù hợp của đề thi đối với lứa thí sinh năm nay? Dường như ngành giáo dục, nhà trường, thầy cô, sách giáo khoa đã chưa chuẩn bị kịp thời và đầy đủ cho những thí sinh năm nay để giải quyết tốt những đề thi, những câu hỏi theo định hướng đánh giá năng lực dù đây là mục tiêu đặt ra ngay từ khi bắt đầu Chương trình 2018. Một phần, theo phân tích của các chuyên gia, đó là những học sinh lớp 12 năm nay thực chất mới chỉ có 3 năm học theo sách giáo khoa và chương trình mới. Thầy cô cũng mới chỉ có 3 năm vừa tiếp cận, vừa đổi mới phương pháp, giáo án… theo hướng đánh giá năng lực, tập trung vào kỹ năng thay vì truyền thụ kiến thức.
Lộ trình đổi mới ngay từ bây giờ
Là một trong những thành viên tham gia soạn Chương trình GDPT 2018 môn Toán, GS Phùng Hồ Hải - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đánh giá đề thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Toán đã có nhiều tiến bộ, góp phần khiến kỳ thi “trở nên có ích hơn” đối với mỗi học sinh. GS Hải cũng chỉ ra cần phải chuẩn bị cho kỳ thi THPT năm sau ngay từ bây giờ để giáo viên, thí sinh sớm làm quen với không chỉ cấu trúc đề thi mà quan trọng hơn là cách kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá năng lực. Đây là trăn trở của GS Hải cũng như nhiều người đối với Chương trình GDPT 2018, dù “chương trình có tốt đến đâu cũng vô nghĩa nếu khâu đánh giá không được thực hiện tốt”.
Để học sinh không cảm thấy sốc, khi nhận đề thi không cảm thấy quá khác lạ so với những gì các em được học, được tiếp cận trong nhà trường phổ thông thì việc dạy và học trong trường phổ thông rõ ràng cần tiếp tục đổi mới theo mục tiêu đánh giá năng lực Chương trình GDPT 2018 đã đặt ra ngay từ đầu. Nếu như coi đề thi tốt nghiệp THPT 2025 là một đề thi minh họa cho các thí sinh khóa sau thì yêu cầu học đi đôi với hành, học gắn với đời sống thực tế… phải được đặt lên hàng đầu. Đơn cử với môn Tiếng Anh, cần tập trung vào phát triển kỹ năng thay vì ghi nhớ máy móc. Ngữ liệu đọc hiểu không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa mà cần mở rộng với các chủ đề mang tính thời sự, khoa học, xã hội,…
Với môn Toán, TS Trần Nam Dũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm dù vẫn còn một số vấn đề nhưng ông ủng hộ những đổi mới trong định hướng ra đề và mong muốn năm sau có một đề thi nhẹ nhàng hơn, gọn gàng hơn nhưng vẫn giữ được những ưu điểm của đề thi năm nay. Giáo viên và học sinh sau kỳ thi này chắc chắn cũng sẽ dần quen với cách ra đề này.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam:
Dạy học thích ứng với đổi mới đánh giá
Theo đánh giá của chúng tôi, những người tiến hành rà soát cũng như đánh giá tác động của Chương trình 2018 đến thực học ở các trường phổ thông, chúng ta mới xong được một chu kỳ thứ nhất. Đối với bậc THPT, vừa rồi là một thời điểm khó khăn, bởi vì đầu vào của các thầy cô là những học sinh học Chương trình 2006. Vì vậy, những thay đổi của về phương pháp dạy học cũng như đánh giá học sinh cũng mới chỉ là bước đầu, chưa thể khẳng định tất cả các giáo viên đã thành thục những yêu cầu của Chương trình 2018.
Nhưng ở chu kỳ thứ hai, đặc biệt là khi chúng ta nhìn lại từ kỳ thi này, sự phản ứng của học sinh là một phần để tự xem xét lại cách thích ứng về việc dạy, đặc biệt là đánh giá học sinh trong quá trình dạy học. Các mô thức đánh giá hiện nay đã khác, không chỉ đánh giá vào cái kết quả học tập mà đánh giá toàn bộ quá trình và sự nỗ lực của học sinh. Từ đó thúc đẩy sự thay đổi trong cách học của học sinh và góp phần thay đổi cách nhìn nhận trong các kỳ thi.
Với riêng đề thi năm nay, sẽ không còn tình trạng học tủ và luyện theo cấu trúc đề thi. Thí sinh và các bậc phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, lo lắng điểm sẽ quá thấp mà nên chờ đợi đáp án chính thức của Bộ GDĐT. Nhưng tôi tin với một đề thi THPT, Bộ đã có tính toán để cân bằng được cả hai mục tiêu là tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ cần đạt ở mức cơ bản là đã đỗ tốt nghiệp và mức độ phân hóa sâu sắc sẽ dành cho phân khúc điểm cao hơn để xét tuyển đại học.