Nhớ mùi khói trên nương

NGUYỄN LUÂN 05/08/2023 14:38

Khói kìa bố! Con gái tôi chỉ tay về hướng những cột khói đang dựng lên nền trời của một nhà máy gạch. Những ngọn khói đen ngòm, chúng nhạt dần thành những đám mây tối màu bay vào không khí. Nhìn những ngọn khói ấy tôi bỗng nhớ tới khói ở quê hương mình. Chợt nhớ bây giờ đang vào vụ đốt nương. Cũng những cột khói dựng lên nền trời thăm thẳm mà sao thấy thương, thấy nhớ đến thế.

Lòng tôi bỗng nôn nao nhớ khói!

Quê tôi ở miền núi cao xứ Lạng. Bốn mùa cỏ cây gắn đời với núi, với đá. Con người cũng làm bạn với đá đến thủy chung lòng dạ. Ở vùng đất ấy đẹp nhất trong năm có lẽ là mùa thu. Dù tiết trời mùa thu ở miền núi chỉ thoảng qua, chỉ lập lờ có mặt rồi vội vã sang đông từ khi nào không hay. Mùa thu ở quê tôi là mùa đốt nương, mùa của khói.

Cứ độ cuối tháng chín, khi những cơn mưa thưa dần và dứt hẳn. Buổi sáng thức dậy thấy từng mảng sương như tơ nhện, giăng trên những mái nhà sàn báo hiệu mùa thu ngô, thu lúa trên nương đã bắt đầu. Mới từ sáng sớm, tiếng người giục nhau vác liềm, gánh sọt lỉnh kỉnh trên vai bước ra đường. Tiếng mõ trâu lẫn vào những bước chân người hối hả cho kịp giờ nắng lên. Tiết trời mới đó còn se lạnh khi bước vào bóng tối của vách núi.

Nhưng khi ánh mặt trời tràn tới, thì những giọt mồ hôi cũng đã bắt đầu lấm tấm trên từng khuôn mặt thấp thoáng trong những nương ngô, ruộng lúa. Từng bàn tay, bước chân dẫm lên cỏ, lên xác lá khô mà nhoài người về phía trước. Từ trên cao nhìn xuống, những bóng áo chàm như từng chấm nhỏ nhạt màu trong bức tranh núi rừng nhuốm vàng. Không gian như nghiêng theo từng đợt gió. Lâu lâu tiếng cười của đám trẻ lại vẳng lên từ đâu đó.

Cánh đồng Bắc Sơn (Lạng Sơn).

Chúng cười vì thấy khói! Những đám khói nhen lên từ nương ngô đã bẻ xong. Đám trẻ con đang chụm đầu ngó vào một hang đá, nơi những con chuột rủ nhau đào hang làm tổ trốn suốt mùa ngô đi qua. Những con chuột béo lặc lè lẩn trốn bước chân người tới gần.

Đám trẻ hè nhau gom những thân cây ngô đã thu hoạch xong. Chất thành đống rồi châm lửa đốt, khi những sợi khói màu xanh lam, màu bạc rỉ ra từ đống ngô thân còn tươi. Những khuôn mặt nhem nhuốc háo hức, tạt khói chạy vào miệng hang sau kẽ đá.

Những con chuột bị khói làm ngạt, ló đầu ra khỏi hang rồi nhảy lên những mỏm đá. Đám trẻ cười ré lên rồi mải miết đuổi theo, kiếm tìm những con chuột say khói vừa lao ra. Chúng lẫn vào trong làn khói mờ ảo khắp nương ngô. Chẳng còn thấy người đâu, mà chỉ thấy tiếng cười. Khói quê tôi có tiếng cười của đám trẻ, giòn tan và bình yên như thế.

Nhớ khói quê có vị ngọt đầu mùa. Nhiều người sẽ bật cười khi nghe điều ấy. Bởi chẳng ai đi nếm khói bao giờ, khói chỉ tổ làm cay mũi, khó thở chảy nước mắt. Nhưng không, bạn hãy một lần đến quê tôi mà xem. Thử một lần chạy lên nương ngô, hòa mình vào đám khói bạc đang rút lên cao, nín hơi thật dài rồi hé miệng khe khẽ nếm vị của khói ấy.

Bạn sẽ gật gù vì tôi nói đúng cho xem! Dù đứng cách xa, chẳng phải lại gần đi nữa thì mùi cay nồng của cỏ tươi, của lá úa cháy đã phảng phất. Chậm hơn một chút là mùi thơm của cỏ khô, của những bắp ngô còn sót lại đang bén lửa. Nếu nhắm mắt lại, bạn sẽ còn ngửi thấy mùi thơm, ngọt của khoai, của sắn, của bí ngô ai đó đang lùi trong đám lửa lép bép, khe khẽ reo như tiếng nói cười của cỏ cây vọng lại. Chỉ cần ngửi thôi mà đã thấy vị ngọt, vị thơm bùi lẩn khuất trong lớp khói hăng cay dội về…

Tôi nhớ những giấc ngủ trên nương mỗi khi gió mùa về. Vài tàu lá rừng cũng thành chiếc giường cho những đứa trẻ con theo chân mẹ lên nương ngày mùa. Tôi chẳng nhớ mình đã mơ gì khi ngủ trên nương ngày ấy. Bên cạnh những đống lửa ngày đầu đông. Hơi ấm như vẽ hồng lên những đôi má con trẻ. Mẹ thả vài nhánh sả, thêm kép bồ kết vào lớp than hồng.

Khói tỏa ra phảng phất bay, khói nhuốm vào áo quần những đứa trẻ. Muỗi vì thế mà cũng tránh xa, đến khi về nhà. Mùi của sả, của bồ kết vẫn còn vấn vương trên thịt da. Cứ thế chúng tôi lớn lên với mùi khói trên nương. Đến khi rời xa quê, mỗi độ gió mùa về. Chợt thấy rưng rưng, bất giác lại hít hà lên thịt da như một thói quen kiếm tìm hương khói cũ. Trong lòng chợt nhớ mẹ da diết, chẳng biết giờ này đống lửa trên nương mẹ nhóm ban chiều đã tàn hay chưa?

Nghĩ về khói tôi lại nhớ về bà. Ngày bà còn sống, mỗi lần ngồi trên sàn nhìn về phía xa, thấy những đám khói dựng lên của người đốt nương để lại. Bà nhìn ngọn khói, rồi nhìn chúng trôi về hướng nào là đủ biết trời mưa hay nắng, năm ấy mùa đông có sương muối kéo dài hay không? Những người như bà tôi chẳng đi xa khỏi mảnh đất quê bao giờ. Cũng chẳng biết đến đài, báo, tivi. Chẳng phải thánh thần cũng hóa thành người tiên tri.

Sự ứng nghiệm ấy chẳng phải xa vời gì, nó được trả bằng cả một cuộc đời dầm mưa, dãi nắng. Bằng cả những tháng ngày đằng đẵng nuôi những người con trưởng thành. Những đứa con đủ khỏe mạnh khi bước lên rừng, lên bãi. Những đứa con đủ khôn khi bước xuống đời làm một con người tử tế.

Ngày bà tôi mất, khi người ta đưa bà về với đá núi, một đống lửa được đốt bên mộ bà. Lửa ngùn ngụt cháy, tôi nhìn những lọn khói ngả nghiêng bay. Những ngọn khói biết bay về trời. Những ngọn khói chẳng bao giờ quay về.

Mùi khói trên nương gợi tôi nhớ về Dính. Thằng bạn thời thơ bé nằm gác chân lên cổ nhau mà ngủ. Nhà Dính nằm ven con suối chảy từ khe núi ra, bốn mùa trong mát. Năm chúng tôi học lớp 3, bố mẹ Dính bị nước cuốn trôi trong một cơn lũ rừng. Lũ qua, người trong bản cùng nhau lục tung những cánh rừng nhưng không tìm thấy hai người xấu số. Chẳng ai cầm được nước mắt khi nhìn thấy cái dáng bé nhỏ ngồi bên bếp lửa đợi bố mẹ về suốt những ngày sau đó của Dính. Căn nhà đã vắng nay chỉ còn hai ông cháu.

Tôi thường qua nhà Dính chơi, nhìn thấy nó ngồi gục đầu bên bếp lửa. Mùi khói từ những thân củi ẩm ướt vẩn lên đến nao lòng. Có lần tôi hỏi: “Sao mày chẳng ra ngoài mà chỉ ngồi bên bếp”. Dính đáp khẽ: “Tao phải nấu cơm đợi Pa Mé về. Pa Mé tao còn chưa kịp ăn cơm chiều…” Nói rồi Dính khóc, từng tiếng nấc khó nhọc như kẹt lại giữa hai đầu gối rung lên. Tôi thương bạn mà chẳng biết làm gì. Đêm ấy chúng tôi ngủ bên bếp lửa, mùi cơm nếp Dính nấu phần Pa Mé thơm thoảng suốt đêm dài.

Tôi đi học xa nhà rồi sống xa quê. Có lần trở về ngang qua căn nhà cũ của Dính. Nhìn lên thang, những cánh cửa đóng im lìm. Lâu lâu từng bầy chim sẻ vụt bay từ trong những máng ngói trở ra làm tôi giật mình. Mẹ tôi bảo từ khi ông mất, Dính cũng rời căn nhà ấy đi miết không về. Có người bảo Dính đi vác hàng thuê trên biên giới. Có người nói gặp Dính làm công nhân ở khu công nghiệp.

Lại có người đoán Dính vẫn ngày đêm men theo những con sông, con suối đi tìm Pa Mé mình. Ngần ấy năm chưa ai tìm thấy xác hai người đi rừng bị lũ cuốn trôi năm ấy. Tôi nghĩ về người bạn cũ mà thấy khóe mắt mình cay như ngồi trong đám khói. Nghĩ cuộc đời người ta đi đến tận cùng vẫn là những cuộc đi kiếm tìm trong mòn mỏi. Những cuộc kiếm tìm khiến con người ta hạnh phúc và cũng thật khổ đau. Như bạn tôi vẫn đang kiếm tìm cho mình thứ hạnh phúc giản đơn mà khó đến nhường nào.

Tôi lại về quê vào một ngày giữa mùa đốt nương. Leo lên những mỏm đá tai mèo mà ngắm nhìn những sắc màu của vùng đất già nua chẳng ai đoán nổi tuổi đời. Đi chân trần lội qua những đám lá ngô xào xạc bay trong chiều nổi gió. Lòng tôi bỗng nhẹ tênh, những muộn phiền âu lo bỗng dưng vỡ vụn rồi lẫn theo những đám khói nhè nhẹ tan ra. Chợt đâu đó có tiếng cười của đám trẻ con vọng lại. Những tiếng cười trong veo, lăn mãi suốt những mùa dài trên nương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ mùi khói trên nương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO