Dù biết chuyện sinh tử biệt ly là điều bình thường nhưng tôi vẫn vô cùng bất ngờ khi nghe tin thầy giáo ưu tú, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký từ trần. Tôi vẫn nhớ như in những lần được gặp gỡ, trò chuyện cùng người đàn ông có đôi tay tật nguyền nhưng nghị lực cực kỳ sắt đá ấy.
Lần đầu tiên tôi gặp thầy Nguyễn Ngọc Ký là một ngày cuối năm của gần 10 năm trước tại một hội nghị lãnh đạo thành phố gặp gỡ các văn nghệ sĩ tiêu biểu. Lúc đó thầy Nguyễn Ngọc Ký ngồi cạnh nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, ở hàng ghế giữa của hội trường. Cuối hội nghị, tôi ra phía hành lang trò chuyện cùng thầy. Thầy Ký bảo đi xe buýt lên dự hội nghị rồi phải về ngay vì đi lâu quá vợ ở nhà lại lo. Thầy còn bảo vẫn thường xuyên đi xe buýt vì rất tiện. Có mấy anh tài xế thấy thầy lớn tuổi, tay bị tật nguyền còn miễn phí tiền vé. Có anh nhận ra thầy vì thấy thầy lấy chân kẹp tờ tiền. Cuộc nói chuyện không thể kéo dài lâu bởi thầy phải về nhà, túi quà nhỏ của ban tổ chức được khoác chéo qua bên vai.
Lần thứ hai tôi gặp lại thầy ở đường sách TPHCM trong một buổi giới thiệu sách mới. Thầy Ký bảo thời gian trước rất hay lên đường sách nhưng từ lúc về quận 9 (giờ là TP Thủ Đức) thì ít đi vì đường xa hơn và phải có vợ hay cháu ngoại dẫn đi. So với mấy năm trước, thầy có yếu đi nhiều dù vẫn hoạt bát, nghiêm nghị và ít cười nói. Có lẽ thói quen là một người thầy đứng trên bục giảng đã khiến gương mặt thầy lúc nào cũng đăm chiêu. Dù ngồi giữa đám đông nhưng rất nhiều người đi đường sách đã nhận ra thầy, xin chụp hình chung và xin chữ ký của thầy.
Mặc dù nhiều người biết Nguyễn Ngọc Ký là một thầy giáo, gắn liền với sự nghiệp giảng dạy nhưng chắc không nhiều người biết thầy còn là một nhà văn, nhà thơ. Thậm chí trong những năm đầu vào TPHCM sinh sống, văn chương đã nuôi sống thầy và gia đình. Thầy Ký kể, ngoài niềm đam mê đọc sách từ bé thì thầy thường làm thơ, viết văn. Nhưng những sáng tác của thầy không chỉ để mưu sinh. Rất nhiều tác phẩm có tính nghệ thuật cao và là những tác phẩm “truyền cảm hứng” sâu sắc đến giới trẻ về nghị lực, nghệ thuật sống.
Cùng với chính cuộc đời mình, những trang viết của thầy Ký cũng có ý nghĩa sâu sắc với nhiều thế hệ độc giả. Đó là cuốn sách “Tôi đi học” từng rất nổi tiếng kể về chính cuộc đời của một cậu bé bị liệt hai tay từ lúc 4 tuổi, trải qua bao gian khổ để luyện viết chữ bằng chân, đi học bình thường như bao bạn bè cho tới lúc học đại học, rồi hai lần vinh dự được Bác Hồ viết thư động viên. Nhưng không chỉ có cuốn sách “Tôi đi học” sau này thầy Ký cũng cho ra mắt những cuốn sách, hầu hết là viết từ chính bản thân mình như “Tôi đi học đại học” hay “Tâm huyết trao đời”,... đều mang lại tiếng vang, được nhiều thế hệ độc giả đón nhận.
Lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng, tôi gặp và trò chuyện với thầy khá lâu ở nhà riêng bên thành phố Thủ Đức là hồi đầu năm ngoái. Lúc này vợ chồng thầy ở trong căn nhà khá khang trang cùng người con gái và cháu ngoại. Vợ thầy pha trà mời khách, rồi bảo thầy sức khỏe yếu, nhiều bệnh tuổi già nên chỉ ngồi chừng mười phút là phải nằm võng.
Vợ thầy Ký cho biết, tuy sức khỏe yếu nhưng thầy vẫn sáng tác văn thơ. Thầy đọc đến đâu, cô viết bằng bút hoặc cháu ngoại ghi lại trên máy tính giúp. Lâu lâu thầy xem, chỉnh sửa lại. Thầy tâm sự với tôi rằng hiện thầy đang viết thơ thiếu nhi. “Những bài học đơn giản về ông mặt trời, mặt trăng, cha mẹ, thầy cô giáo, quê hương đất nước, quả bưởi quả na, cây mía cây gừng... đều được đưa vào thơ. Là những bài thơ ngắn từng khổ 4 tới 6 câu. Thơ vừa miêu tả, vừa hỏi giúp trẻ động não, tìm tòi” - thầy Ký nói với tôi như vậy.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký còn bảo dù số phận nghiệt ngã đã lấy đi đôi tay nhưng cuộc đời thầy cũng gặp nhiều may mắn. “Tôi gặp nhiều người tốt, giúp đỡ mình trong lúc khó khăn. Có các cô giáo, người quen giúp tôi bán sách lấy tiền trang trải cuộc sống. Rồi nhiều bạn bè văn chương ở khắp cả nước làm trong các tờ báo, tạp chí cũng ưu tiên sử dụng tác phẩm của mình. Khi biết nhiều người tốt với mình, tôi lại phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tốt ấy” - thầy Ký chia sẻ.