Theo thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, cán bộ, phóng viên báo Đại Đoàn Kết lại về xã Đông Xuân, về thôn Xuân Kỳ, nơi ra đời tờ báo đầu tiên để gặp gỡ bà con, cán bộ nơi đây cùng chung vui, ôn lại truyền thống vẻ vang của báo Cứu Quốc xưa, báo Đại Đoàn Kết ngày nay, đồng thời báo cáo với các cán bộ lão thành, cán bộ địa phương về những kết quả hoạt động trong năm qua, với những đóng góp, bước đường đi lên, phát triển ổn định, bền vững của Báo.
Báo Đại Đoàn Kết trao quà cho các hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn xã Đông Xuân.
Tự hào là người con quê hương Đông Xuân, ông Nguyễn Ngọc Đĩnh, một trong những gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng chia sẻ: Giai đoạn 1941-1945 Xuân Kỳ là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng của huyện Kim Anh, vừa thực hiện nhiệm vụ nuôi giấu và bảo vệ các đồng chí cán bộ chủ chốt của trung ương Đảng- một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và có ý nghĩa, vừa đấu tranh chống lại sự càn quét và khủng bố ác liệt của kẻ thù. Những người nông dân, thợ cày, thợ cấy tích cực lao động sản xuất, hăng hái tham gia kháng chiến đã góp phần to lớn vào thắng lợi của nhân dân huyện Kim Anh, Đa Phúc trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8/1945.
Trong thời điểm ấy, ngày 25/1/1942 tại nhà ông Nguyễn Văn Hưu thôn Xuân Kỳ- Đông Xuân, số báo đầu tiên của báo Cứu quốc (tiền thân của báo Đại Đoàn Kết ngày nay) cơ quan tuyên truyền của mặt trận Việt Minh đã bí mật ra đời. Tờ báo dày 4 trang, in đá, khổ 30x40cm, là công cụ, là vũ khí sắc bén để truyền bá tư tưởng yêu nước, nêu cao tinh thần cách mạng, đồng thời vạch trần tội ác của kẻ thù, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh đánh đuổi bọn thực dân phong kiến.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của báo Cứu quốc và báo Giải phóng, trong những năm qua, báo Đại Đoàn Kết đã nỗ lực không ngừng, khẳng định là tờ báo gắn bó sâu sắc với nhân dân, với khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, cùng dân tộc và đất nước; là nơi tập hợp và chuyển tải những ý kiến tham vấn, phản biện về các vấn đề lớn của đất nước.
Trao quà cho các hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn xã Đông Xuân.
Đặc biệt kể từ sau đổi mới đến nay, Đại Đoàn Kết giữ vị trí tiên phong trong tham vấn về vấn đề đại đoàn kết hòa hợp, hòa giải dân tộc; chính sách thu hút kiều bào, nhân sĩ, trí thức tham gia xây dựng đất nước; đấu tranh chống tiêu cực, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về đạo đức và lối sống, đấu tranh quyết liệt với các âm mưu chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc...
Sau 79 năm ngày thành lập báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh - tiền thân của báo Đại Đoàn Kết ngày nay, đã phát triển với Nhật báo, báo Điện tử, cùng nhiều ấn phẩm như Tinh Hoa Việt, Chuyên san dân tộc và Miền núi để tiếp bước truyền thống cha ông trên con đường xây dựng đất nước. Có thể nói, sự tiếp nối truyền thống của báo Đại Đoàn Kết cùng sự gắn bó chặt chẽ với thực tiễn cuộc sống của nhân dân, việc thực hiện sứ mạng chính trị của MTTQ Việt Nam chính là cội rễ của sự thành công đại đoàn kết hôm nay.
Ông Lê Xuân Quảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Đông Xuân chia sẻ: Nơi đây, người dân ai cũng tư hào về quê hương mình- mảnh đất lịch sử nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Sóc Sơn, nơi từng đứng chân của Xứ uỷ Bắc Kỳ những ngày trước Cách mạng, cũng như nơi ra đời của tờ báo Cứu Quốc do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách làm chủ bút và nay là báo Đại Đoàn Kết.
Để xứng đáng với vùng đất lịch sử, năm 2019, Đông Xuân là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phát huy truyền thống cách mạng trong thời kỳ đổi mới, năm 2019, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Xuân không ngừng phấn đấu, ra sức thi đua yêu nước và đã có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực kinh tế chính trị xã hội. Đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.Dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, bà con nông dân xã Đông Xuân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi cho năng suất cao.
Bà Nguyễn Thị Trào, thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân phấn khởi nhận phần quà do Đại Đoàn Kết trao tặng.
Điển hình đó là mô hình sản xuất rau an toàn, là nguồn cung cấp sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng cho thị trường tiêu dùng. Mô hình trồng hoa nhài cung cấp nguyên liệu cho sản xuất chè nhài cũng cho năng suất, mang lại thu nhập cho bà con nông dân góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.
"Đặc biệt công tác chăm lo cho người nghèo đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ….Năm 2019, xã Đông Xuân giảm còn 0,99% hộ nghèo, và thời gian tới xã hướng tới mục tiêu cơ bản hộ nghèo, không còn hộ nghèo”, ông Lê Xuân Quảng bày tỏ.
Hướng về cội nguồn của mình, tập thể báo Đại Đoàn Kết luôn ghi nhớ tình cảm gắn bó sâu sắc, nồng ấm của bà con xã Đông Xuân nói chung, thôn Xuân Kỳ nói riêng. Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, báo Đại Đoàn Kết phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trao 40 phần quà cho các cho các hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đông Xuân.
Báo Đại Đoàn Kết sẽ cùng địa phương tiếp tục có những hoạt động tri ân nhớ về cội nguồn, nơi cưu mang các vị cán bộ cách mạng tiền bối, trong những ngày đầu tiên đầy gian khó khi Báo ra đời.
Trải qua nhiều khoảng thời gian trong điều kiện hoạt động bí mật, hiểm nguy và gian khổ cho đến ngày hòa bình lập lại, báo Cứu Quốc được chuyển về Hà Nội, ở địa chỉ nhà số 66 Bà Triệu hiện nay. Đến đầu năm 1964, từ Hà Nội, MTTQ Việt Nam đã quyết định cử một đoàn cán bộ báo Cứu Quốc vào miền Nam làm nòng cốt để thành lập báo Giải Phóng - cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Và ngày 22/12/1964, báo "Giải Phóng” với 4 trang khổ lớn, in 2 màu đã xuất hiện trong vùng giải phóng miền Nam, vùng ven và đưa vào nội đô, sang Phnompenh, Campuchia và ra miền Bắc. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đầu năm 1977, báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, báo Cứu Quốc hợp nhất với báo Giải phóng, lấy tên là báo Đại Đoàn Kết, cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam, xuất bản số đầu tiên ngày 6/2/1977.