Trong chộn rộn của những ngày cuối năm, có những khoảng lặng khiến tôi nhớ về những ngày tuổi thơ ở làng quê nghèo… Khi ấy, tháng Chạp, chẳng còn những cuộc vui như đám cưới, đám dựng nhà tưng bừng náo nhiệt nữa.
Tôi vẫn dài cổ mong ngóng xem mỗi buổi đi chợ về mẹ tôi có mua món gì chuẩn bị cho cái Tết đang đến không. Có buổi, tôi sung sướng khi đi học về thấy trong sân đang phơi mớ củi gộc tre sần sùi cong queo đầy rễ tua tủa. Có gộc tre có nghĩa là năm đó nhà tôi có gói bánh chưng. Những năm tháng nghèo khó ấy, không phải bao giờ Tết đến cũng có được nồi bánh chưng.
Tháng Chạp, lũ con trai phải đi xếp hàng ngồi chờ ở hiệu cắt tóc vì đứa nào cũng muốn đầu tóc gọn gàng đón Tết mà hiệu cắt tóc thì rất đông. Lũ con gái thì cầu kỳ hơn, chờ mẹ hay chị gái dẫn đi còn chọn kiểu đầu đẹp.
Rồi còn phải đến hiệu may, cắt quần áo theo số đo cho vừa vặn nữa chứ, việc này phải làm trước cả tháng trời mới kịp. Nhiều buổi, mùi mật mía, mùi gừng và mùi bỏng nếp ngào ngạt trong gió lạnh luôn đưa chân tôi đến đứng trước cổng những ngôi nhà có mùi thơm ấy lúc nào chẳng biết.
Trong lòng tôi, niềm háo hức luôn tràn trề, cả trong mơ tôi cũng chờ Tết đến. Tôi chẳng hề biết rằng để có đủ quần áo giày dép và sắm Tết cho gia đình mình, mẹ tôi đã phải mua dần từng món một từ hồi mùa đông vừa sang. Có thứ mua trước cả năm trời và cất kín trong ngăn tủ gỗ.
Ngày ấy, thế giới của tôi chỉ xoay quanh những con ngõ nhỏ vòng vèo nhưng thông nhau có thể đi đến khắp ngõ ngách trong làng. Những con ngõ thơm tho, buổi tối phảng phất mùi hương đen nhà ai đang thắp tan loang trong gió bấc. Mùi hương ấy thật đặc biệt, có lẽ vì nó hay được thắp vào những đêm cuối năm nên tôi thích gọi đó là mùi Tết. Buổi trưa vắng, đứng trong ngõ vẫn nghe rõ mồn một tiếng rao của người đổi dép ngoài đường làng, nó càng khiến lòng tôi nôn nao hơn bao giờ hết. Lũ bạn trong xóm tôi cũng thế, đứa nào cũng thèm Tết, gặp nhau lúc nào cũng chỉ bàn chuyện Tết.
Tết trong tôi chính thức bắt đầu từ ngày ông Công ông Táo lên trời. Đấy là ngày ngoài nhà thờ họ nhà tôi sẽ làm lễ chạp và hầu như tất cả các cành họ trong làng đều tổ chức lễ chạp vào những ngày cuối năm như thế. Tôi nhớ nhiều đến hai cành đào đơm nụ chi chít và mâm ngũ quả rất to trên bàn thờ hôm ấy. Ngoài chuối xanh, trứng gà vàng tươi, quýt đỏ rực… thì bao giờ cũng có một quả bòng to (một loại bưởi cùi rất dày và múi rất bé) hoặc quả phật thủ cũng to tướng vàng ươm và có nhiều ngón tay cong cong rất đẹp.
Sau này khi lớn tôi mới hiểu vì sao người lớn hay nói rằng Tết đến chỉ có con trẻ là sung sướng nhất. Có phải chăng lúc ấy, chúng tôi chưa hiểu nỗi lo toan của người lớn, luôn nhìn đời bằng cặp mắt trẻ thơ nên không biết ngày Tết bố mẹ mình vất vả đến nhường nào. Rất nhiều bạn bè tôi bây giờ chọn đi du lịch mỗi dịp Tết đến, họ đi để nghỉ ngơi sau những tháng ngày bận rộn và thảnh thơi ngao du sơn thủy, không phải nghĩ đến việc bày biện nấu nướng hay tiếp đón khách khứa suốt ngày.
Còn trẻ con bây giờ chúng khác tôi hồi xưa nhiều lắm, áo quần hay giày dép quanh năm mới, các món ăn cũng chẳng thiếu gì, chúng chắc chắn không bận tâm đến việc nhà mình có hay không món bánh chưng chóng ngán ấy. Chắc chẳng có đứa nào mơ ước được ăn những món đồ được mang về từ buổi chạp họ, và có lẽ chúng cũng chẳng thích Tết đến nôn nao như chúng tôi hồi ấy. Nhưng tôi nghĩ trong chúng ta chắc nhiều người cũng muốn con cháu mình được một lần sống trong cái không gian thơm mùi khói của một buổi lễ cuối năm, được nhận một món quà nhỏ và ăn mấy món ăn giản dị để nhớ về nguồn cội của mình.
Và bây giờ, đi trong hương sắc tháng Chạp, tôi lại thấy mình trong hình hài một đứa trẻ đang hân hoan trên sân nhà thờ ngày chạp họ. Thấy cả những đôi mắt trẻ thơ sáng long lanh khi bày trò chơi đợi chờ Tết đến, thấy mình đang sống trong không gian lâng lâng ở ngôi làng nhỏ thơm mùi Tết với mơ ước biến cành đào củi khô thành cây thật.