Nhóm bộ tứ Normandy gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine đã thỏa thuận sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Kiev và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine trước mùa đông năm nay. Các vấn đề thảo luận bao gồm giải giáp vũ khí và viện trợ nhân đạo, trong đó các nhà đàm phán đều cho rằng tiến trình đàm phán đang diễn ra tích cực.
Các ngoại trưởng Nhóm bộ tứ Normandy trong cuộc gặp tại thủ đô Berlin, Đức.
(Nguồn: RIA Novosti).
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 13/9 cho hay, tất cả các Ngoại trưởng thuộc Nhóm bộ tứ Normandy đều tỏ ra thỏa mãn với kết quả mà lệnh ngừng bắn ở Ukraine đạt được, dù đã xảy ra một vài vi phạm nhỏ.
“Trước tiên chúng tôi đều cảm thấy thỏa mãn về lệnh ngừng bắn. Một số vụ vi phạm nhỏ lẻ vẫn đang diễn ra, nhưng nếu xét về tổng quan, chúng tôi vẫn đưa ra đánh giá tích cực về diễn biến ở Ukraine” - ông Lavrov nói trước báo giới ở Berlin.
Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier cũng chia sẻ quan điểm với người đồng cấp Nga, nhấn mạnh rằng tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã có “bước tiến rõ rệt”, trong khi các cuộc đàm phán ngày càng trở nên tích cực và bớt căng thẳng hơn.
Các Ngoại trưởng của Nhóm bộ tứ đã bỏ ra nhiều thời gian để đàm phán về các vấn đề liên quan đến tiến trình chính trị và đạt được một số bước tiến nhất định. Ông Steinmeier cũng cảnh báo rằng các bên cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến hỗ trợ nhân đạo trước kỳ mùa đông sắp đến.
Trong khi đó, ông Lavrov chỉ ra rằng, việc chính quyền Kiev cắt nguồn cung cấp nước cho khu vực Donbass đã vi phạm nhân quyền, một hành động mà tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng xác nhận, và đây là vấn đề cần phải giải quyết ngay lập tức. Ngoài ra, ông Lavrov cũng nhấn mạnh rằng Nhóm bộ tứ mong muốn tìm kiếm một thỏa thuận về việc giải trừ vũ khí ở khu vực Donbass sớm nhất có thể.
Nhóm Ngoại trưởng bộ tứ Normandy cũng lên tiếng hoan nghênh bước tiến trong việc thực thi thỏa thuận và ký kết văn bản khung làm việc của các tiểu nhóm công tác đảm bảo an ninh trong thỏa thuận Minsk, liên quan tới việc rút toàn bộ vũ khí có cỡ nòng dưới 100 li khỏi Donbass. Đây là tiền đề thuận lợi trong bối cảnh các tiểu nhóm an ninh có cuộc họp bàn ở Minsk trong hai ngày 14 và 15 tới đây.
Trong thời điểm hiện tại, vấn đề được ưu tiên hàng đầu là kêu gọi thiết lập đường dây đối thoại giữa hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk với chính quyền Kiev. Bên cạnh đó, mọi bất đồng xung quanh quá trình bầu cử địa phương ở khu vực Donbass cũng cần phải được giải quyết trước khi lãnh đạo Nhóm bộ tứ Normandy có cuộc họp Thượng đỉnh ở Paris vào ngày 2/10 tới.
Các lãnh đạo Nhóm bộ tứ, bên cạnh việc thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, cũng thừa nhận rằng trong suốt thời gian vừa qua Nga đã đóng một vai trò mang tính chất xây dựng trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine, và rằng vị trí của nước Nga là rất quan trọng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin nói rằng Kiev chỉ sẵn sàng tổ chức đàm phán với các đại diện “hợp pháp” của Donetsk và Lugansk chứ không phải những người được lựa chọn thông qua cái mà ông gọi là bầu cử “giả mạo” như những gì đã diễn ra trong năm ngoái.
“Nếu được gặp các đại diện hợp pháp của Donbass, những người được lựa chọn theo kết quả của một cuộc bầu cử tự do và dân chủ, thì chúng tôi không chỉ sẵn sàng đối thoại mà còn cần phải đối thoại với họ” - ông Klimkin nhấn mạnh.
Được biết các cuộc bầu cử diễn ra ở hai nước Cộng hòa tự xưng thuộc Donbass mà chính phủ Kiev mô tả là “giả mạo”, diễn ra vào ngày 2-11 năm ngoái. Trong sự kiện này, hơn 1 triệu cử tri ở Donbass cùng 630.000 cử tri ở Lugansk đã đến các địa điểm bỏ phiếu để tham gia bầu cử.
Các thủ lĩnh ly khai Aleksandr Zakharchenko và Igor Plotnitsky đã giành chiến thắng nhờ giành chọn 2/3 số phiếu bầu ở khu Donetsk và Lugansk.