Lợi dụng nhu cầu cấp thiết về chỗ ở, cũng như sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, thời gian qua nhiều công ty, sàn giao dịch bất động sản (BĐS) đã lừa gạt khách hàng. Từ việc phân lô bán nền khi chưa đủ điều kiện, đến rao bán, giới thiệu không đúng thực tế…, tạo ra sự xáo trộn cho thị trường nhiều tỉnh, thành phía Nam, gây bức xúc và thiệt hại cho người dân.
Một số công ty bất động sản “chào hàng” đất nền ở TP HCM nhưng thực tế lại đưa khách ra các tỉnh vùng ven để giới thiệu.
Ép khách về tỉnh
Theo lời hẹn, đúng 6h30 sáng, anh Trịnh Xuân Hoàng (quận Tân Bình) có mặt ở một địa điểm ở quận Bình Thạnh để trao đổi mua bán đất nền. Tại đây, anh được các nhân viên môi giới giới thiệu một dự án ven sông tại phường An Phú Đông, quận 12. Theo lời người môi giới này, đây là dự án mới của công ty, chỉ có 50 lô, với diện tích từ 60 đến 100 m2/lô, tùy vị trí lô sẽ có mức giá từ 25 - 30 triệu đồng/m2. Sau khi tập trung đủ khách, tất cả được mời lên 3 xe ôtô loại 50 chỗ ngồi về xem dự án. Xe lăn bánh được chừng 40 phút thì nhân viên môi giới lập tức đảo chiều, giới thiệu một dự án mới tại Bà Rịa – Vũng Tàu…Lúc này, biết bị lừa, nhiều khách la ó, đòi xuống xe nhưng xe tiếp tục băng băng.
“Chúng tôi được đưa tới một dự án ở vùng ven TP Bà Rịa-Vũng Tàu. Ở đó là một dự án chừng 100 nền, đường đã đổ nhựa nhưng trông rất sơ sài, điện nước chưa có, phía trong cỏ mọc um tùm. Một nhân viên luôn miệng: “Anh chị đầu tư vào đây sẽ rất tiềm năng, vì sắp triển khai dự án đường rộng 40m đi Long Hải, phía trước quy hoạch khu sinh thái” nhưng nhìn mãi chúng tôi không thấy khu vực này có tiềm năng gì về sinh thái, cũng như dự án đường mở rộng. Khi khách hàng hỏi pháp lý dự án thì một thanh niên ăn mặc bảnh bao, biện bạch: Dự án của chúng em đã được chính quyền địa phương duyệt, khoảng 6 tháng nữa sẽ ra sổ. Tôi hỏi chưa có sổ, hạ tầng chưa xong sao lại mở bán? Nhân viên đáp, ở đây tụi em giao dịch theo hình thức góp vốn, các anh chị yên tâm, đầu tư vào đây rất tốt đấy” – anh Hoàng kể lại.
Tương tự như trường hợp của anh Hoàng, anh Trần Nam Quân (ngụ quận 8), kể: Vợ chồng anh làm công chức được gần 20 năm, tích lũy được số vốn nhỏ, muốn tìm một miếng đất phù hợp với túi tiền để “cắm dùi”. Chẳng biết từ nguồn nào mà họ lại biết anh có nhu cầu và gọi điện nói rằng có bán khu đất ở khu vực quận 8, với giá chỉ 25-30 triệu đồng/m2. Do chưa mua đất bao giờ nên khi thấy họ giới thiệu giá đó, anh Quân đồng ý đến điểm hẹn tại một quán cà phê bên Thảo Cầm Viên (quận 1). Sau khi ăn sáng xong, mọi người lên xe, chạy ra đường Võ Văn Kiệt rồi chạy thẳng về một bãi đất trống ở huyện Bến Lức (Long An) cách trung tâm TP HCM chừng 40 km.
“Tôi hỏi, tại sao ban đầu giới thiệu là dự án khu dân cư quận 8, giờ lại đưa đến Long An? Một nhân viên bán hàng nhanh nhảu: Thông cảm cho tụi em, giờ cạnh tranh rất khốc liệt nên tụi em phải dùng chiêu này. Anh đầu tư vào dự án này đi, chắc chắn sinh lời, bên em cam kết lợi nhuận 30%/năm” – anh Quân kể lại giọng vẫn chưa hết bức xúc.
Còn chị Nguyễn Thị Nga (quận Thủ Đức), cho biết khi đến điểm hẹn, nhân viên môi giới giới thiệu khu dự án ở quận 9, cách xa điểm tập trung tới 20km, phần vì là phụ nữ, lại không biết địa chỉ nên tôi đồng ý lên xe của họ, khi lên xe họ kéo hết rèm kín các khung kính “cho đỡ nắng” rồi chạy một mạch tới thẳng một xã ở huyện Long Thành (Đồng Nai), cách điểm xuất phát tới 45 km, rồi giải thích rằng dự án ở quận 9 như đã giới thiệu với các anh/chị chưa thể mở bán nên chúng em thay thế dự án này. Rồi vạch ra những chiều hướng sinh lợi nếu khách hàng đầu tư. Khách hàng rất bức xúc nhưng không làm gì được vì đã lỡ leo lên xe của họ”.
Phải nhanh chóng chấn chỉnh
Theo số liệu của Hội môi giới BĐS Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, trong đó có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Trong vòng 3 năm gần đây, mức độ tăng trưởng của môi giới BĐS trên thị trường khá nhanh, đạt trung bình khoảng 15%.
Tiến sĩ Trần Minh Hoàng- Phó Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết, một số lượng lớn các sản phẩm được môi giới BĐS chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh. Trên 90% tin rao bán BĐS nhà ở riêng lẻ thiếu chính xác, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý BĐS, quy hoạch... Bên cạnh đó, hiện tượng thông tin ảo, đồn thổi, thổi phồng giá, giấu giếm, thậm chí đưa thông tin sai lệch về quy hoạch, pháp lý BĐS diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Những tệ nạn đó có sự đóng góp không nhỏ của người môi giới.
“Người dân dễ gặp phải rủi ro khi giao dịch BĐS thông qua hoạt động môi giới không chuyên nghiệp: như bị thiệt hại tài sản, thậm chí bị lừa đảo, chiếm dụng vốn. Hình ảnh nghề môi giới BĐS vì thế không tạo được sự thiện cảm mà phải chịu ấn tượng xấu trong xã hội”- ông Hoàng nhấn mạnh.
Cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến trong giao dịch BĐS, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, cho biết, giới đầu nậu và không ít công ty BĐS, sàn giao dịch cấu kết với nhau, lừa khách hàng bằng các thỏa thuận đặt cọc, góp vốn, hợp tác đầu tư để giao kết việc mua bán, lừa gạt khách hàng về địa điểm và tên gọi dự án… Tất cả những thủ đoạn này đều vi phạm quy định luật kinh doanh BĐS, cần phải chấn chỉnh nghiêm khắc.
Theo các chuyên gia BĐS, hiện nay hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới BĐS còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khoá học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ hành nghề. Chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm chưa đủ sức răn đe. Đề xuất giải pháp để quản lý và phát triển hiệu quả hoạt động môi giới BĐS trong tương lai, các chuyên gia BĐS cho rằng, nên quản lý thông qua cấp chứng chỉ hành nghề, cấp mã số hành nghề (định danh) cho nhà môi giới BĐS. Các môi giới chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi hoàn tất các chương trình và thời lượng đào tạo chuyên môn phù hợp với từng chuyên môn hành nghề; có thời gian trải nghiệm, thực hành các hoạt động giao dịch BĐS phù hợp với từng cấp độ hành nghề; cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, có lý lịch tư pháp trong sạch, không vi phạm pháp luật.
Các doanh nghiệp dùng chiêu thức tiếp cận khách hàng ở TPHCM nhưng lại chở khách về tỉnh để giới thiệu bán dự án.
Nhiều khả năng nạn nhân của Alibaba mất trắng tiền mua đất ảo
Chỉ tính từ ngày 19/9 đến nay đã có hơn 300 người đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT, Công an TP HCM, số 674 đường 3 tháng 2, Q.10) để nộp đơn tố cáo do bị Công ty CP địa ốc Alibaba (công ty Alibaba) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Có rất nhiều nạn nhân từ các tỉnh, thành, trong số 6.700 khách hàng của Alibaba được Cơ quan CSĐT thống kê sơ bộ nằm trong nguy cơ mất trắng hơn 2.500 tỷ đồng đã đầu tư vào các dự án của công ty “ma” này tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Bình Thuận, Bà Rịa – Vùng Tàu,…
Có nạn nhân đến từ Đồng Nai, đón xe đò từ nửa đêm để hôm sau vào trình báo Công an. Số tiền gần 300 triệu đồng mà gia đình nạn nhân gom góp nhiều năm từ buôn ve chai phế liệu đã đổ hết vào mua nền đất tại dự án Diamond City, tại xã Long Phước, huyện Long Thành của chủ đầu tư “ma” Alibaba. Còn có trường hợp ở tận Đắc Nông tìm đến cơ quan công an tố cáo công ty Alibaba chiếm đoạt gần 600 triệu đồng tiền mua nền đất tại dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch…
Và, mặc dù đã được các cán bộ điều tra thuộc Công an TP HCM tiếp nhận đơn, giải thích về việc bảo vệ quyền lợi của mình khi đến tố cáo, nhưng không ít nạn nhân đã không giấu được vẻ thất thần sau khi “bộ sậu” lãnh đạo của công ty Alibaba bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ngày 24/9, Công an TP HCM đã có quyết định triệu tập làm việc đối với gần 20 giám đốc công ty thành viên của Tập đoàn địa ốc Alibaba để làm rõ về những hành vi, trách nhiệm liên quan. Theo cơ quan CSĐT, Alibaba được hai anh em Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh thành lập từ năm 2016, với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng nhưng chỉ hơn 1 năm, Alibaba đã nâng số vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng. (Lê Anh)