Như tảng nước đá tinh khiết…

Phương Hà 14/02/2021 09:00

Với chúng tôi - 17 cán bộ, phóng viên, nhân viên đã hy sinh trên chiến trường, những người đã mất sau chiến tranh, những người còn sống đến hôm nay - sự kiện trưng bày chuyên đề lịch sử báo Giải phóng và trình chiếu phim “Giải phóng - tờ báo trên truyến lửa” là sự vinh danh những người làm báo đã góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước, thu giang sơn về một cõi. 

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài, các nhà báo Thái Duy, Nguyễn Hồ, Cao Kim, Phương Hà (thứ 1, 2, 3, 4, 5 từ trái sang) tham dự trưng bày chuyên đề hiện vật, tư liệu báo Giải phóng và lễ ra mắt phim tài liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa”.

1. Ngày 18 tháng 12 năm rồi, chúng tôi gồm Thái Duy, Nguyễn Hồ, Cao Kim, Phương Hà (tác giả) là những phóng viên chiến tranh được thay mặt anh chị em báo Giải phóng - Cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tham dự trưng bày chuyên đề hiện vật, tư liệu báo Giải phóng trong 12 năm ở chiến trường, gần hai năm xuất bản tại Sài Gòn và dự lễ ra mắt phim tài liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa” tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam.

Sự kiện do Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Đại đoàn kết, báo Sài Gòn giải phóng tổ chức, với chúng tôi - những tiếp phẩm, chị nuôi, y tá, bảo vệ, phóng viên, công nhân nhà in, lãnh đạo góp phần làm nên tờ báo trong cuộc chiến tranh giữ nước lần thứ hai là rất đặc biệt. Đặc biệt bởi vì, như nhà báo Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Không ai, không điều gì bị lãng quên. Máy ảnh, máy rọi ảnh, áo tối để thay phim, sổ tay, bản thảo, ngòi bút, cây súng, những tờ báo Giải phóng in bằng máy in thô sơ giữa rừng là những hiện vật vô giá được sưu tầm, lưu giữ. “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa” là phim tài liệu đầu tiên về báo Giải phóng - một biểu tượng của báo chí cách mạng Việt Nam - đã tái hiện được tình yêu Tổ quốc, tình yêu nghề và ý chí của một đội ngũ làm báo trong những năm tháng vô cùng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Dù là người trong cuộc, nhưng bốn anh em chúng tôi - người cao tuổi nhất đã 96, người thấp tuổi nhất đã 75 - đều rất cảm động trước những tư liệu được công bố lần đầu về sự ra đời của báo Giải phóng và hoạt động của tờ báo trên chiến trường miền Nam suốt 12 năm trường. Với chúng tôi - 17 cán bộ, phóng viên, nhân viên đã hy sinh trên chiến trường, những người đã mất sau chiến tranh, những người còn sống đến hôm nay - sự kiện trưng bày chuyên đề lịch sử báo Giải phóng và trình chiếu phim “Giải phóng - tờ báo trên truyến lửa” là sự vinh danh những người làm báo đã góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước, thu giang sơn về một cõi.

Trong sự kiện này, nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước sớm phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Báo Giải phóng, bởi cũng như Thông tấn xã Giải phóng, Đài phát thanh Giải phóng, báo Giải phóng rất xứng đáng với danh hiệu cao quý ấy.

Những người làm báo Giải phóng trước bia kỷ niệm báo Giải phóng ở chiến khu Bắc Tây Ninh, ngày 20/12/2020.

2. Sau sự kiện trên, cũng như mọi năm, dịp 20 tháng 12 là anh chị em báo Giải phóng lại tụ họp. Nói là dịp bởi không phải năm nào chúng tôi cũng gặp nhau đúng ngày 20 tháng 12 như năm rồi, mà xê dịch trước hoặc sau năm ba ngày, có khi hơn, do chưa kiếm được địa điểm, do chưa liên lạc được số đông anh chị em.

Chúng tôi y như tảng nước đá, cứ tan chảy dần, năm sau vắng người hơn năm trước. Nói vậy chứ chúng tôi là những người luôn lạc quan - dù lạc quan không bằng thời chiến tranh giữ nước đạn bom rần trời mà đi mặt trận về là họp nhau bên bàn trà, dưới tán cây săng lẻ tìm một khoảng trời, hay dưới tầng những cây dầu có những cánh hoa chao chao trong gió rồi đáp xuống để đất nhân giống nòi, cười nói vô tư, vô tư khoe bản thảo, dù bản thảo có khi nhuộm máu chiến sĩ, nhuộm máu đồng nghiệp, nhuộm máu của chính mình.

Chúng tôi lạc quan vì tin chắc kháng chiến nhất định thắng lợi, lạc quan vì sẵn sàng hy sinh thay đồng nghiệp, miễn là tờ báo Giải phóng ra đúng kỳ, có nhiều bài, nhiều tin, nhiều ảnh, anh em ở chiến trường đọc thấy có chiến công của mình trong đó, báo gửi vào nội thành Sài Gòn ai đọc được cũng thấy “Việt cộng” có tờ báo tử tế, dù chỉ 4 trang khổ lớn hay 8 trang khổ nhỏ, in hai màu hay in đen trắng.

Xin được đi ngược thời gian chút xíu. Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20/12/1960, nhưng bốn năm sau, đúng ngày đó, tháng đó, cơ quan ngôn luận của Mặt trận là báo Giải phóng mới ra đời vì phải chuẩn bị nhà in, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ nhiệm. Từ đó cho đến số báo cuối cùng (chúng tôi gọi là báo trong rừng) ra ngày 3/5/1975, rồi ra thêm hai năm nữa báo Giải phóng xuất bản ở Sài Gòn, đều do anh em chúng tôi, kẻ trước người sau làm. Tổng cộng từ khi thành lập Báo Giải phóng cho đến khi “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”, riêng anh chị em ở chiến khu là 236 người.

Cuối tháng 6/2017, chúng tôi chung tiền và được một doanh nhân, hai quan chức giúp đỡ, đã dựng được tấm bia bằng đá khối kỷ niệm Báo Giải phóng tại nơi Tòa soạn trú đóng lâu nhất ở chiến khu Bắc Tây Ninh, bên một nhánh của thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Dựng bia cũng là dịp anh chị em chúng tôi gặp nhau giữa rừng. Cậu “em út” làm giao liên của báo những năm cuối cuộc chiến, đã ngoài 60, huống chi lớp trước, ngoài 17 người hy sinh, cứ rơi rụng theo thời gian.

Những buổi họp mặt của anh chị em báo Giải phóng trước đây thường phải thay địa điểm do không thể mượn hội trường, vì hàng trăm hội trường công ở TP. Hồ Chí Minh đều cho thuê, dù cả năm chỉ cho thuê được đôi lần, còn thì bỏ hoang. Mấy năm nay, may thay có nhà anh Kiệt - một công nhân nhà in Báo Giải phóng, sau này làm Giám đốc Công ty In 7, rộng rãi, lại ở quận 3 nên chúng tôi yên tâm tụ họp.

Buổi gặp mặt đúng ngày 20/12/2020 cũng là dịp kỷ niệm 56 năm Ngày thành lập Báo Giải phóng (kể cả hai năm xuất bản ở Sài Gòn).

Họp mặt năm nào chúng tôi cũng lập bàn thờ tưởng nhớ anh chị em đã hy sinh, đã mất do tuổi cao, bệnh tật. Thay cho di ảnh, phía trên bàn thờ treo trang trọng bản danh sách ghi đầy đủ tên họ, quê quán người đã khuất. Anh Kiệt vừa thắp nhang vừa tuyên bố: “Tôi mới bổ sung ba người chết trong năm nay vào danh sách anh em đã mất”. Chao ôi, sao anh vô tư “bổ sung” như thể bổ sung người cho tờ báo của chúng ta trong chiến tranh! Không biết anh Kiệt có thấy mấy bà già mà cách nay 45 năm là những cô gái mơn mởn sức xuân của báo Giải phóng lau nước mắt!

Mỗi lần họp mặt, anh chị em báo Giải phóng thưa dần, ít dần. Phải rồi, người làm báo kháng chiến bây giờ như tảng nước đá đang tan chảy. Nhưng chúng tôi luôn tự hào chúng tôi như tảng nước đá tinh khiết, nên khi nó trở lại là nước thì trong veo như nước suối rừng thời rừng chiến khu còn là đại ngàn…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Như tảng nước đá tinh khiết…